ĐIỆN BIÊN: CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP ĐƯỢC SẮP XẾP THEO HƯỚNG TẠO THUẬN LỢI CHO NGƯỜI DÂN THỤ HƯỞNG DỊCH VỤ

Đánh giá về việc nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến khẳng định: Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp theo hướng tinh gọn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thụ hưởng dịch vụ.

Thực hiện Nghị quyết quyết định số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc làm Đoàn giám sát và Kế hoạch số 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn Giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Điện Biên đã ban hành Nghị quyết số 162/NQ-ĐĐBQH ngày 10/11/2023 của Đoàn ĐBQH Tỉnh ủy thành lập Đoàn giám sát; Kế hoạch số 163/KH-ĐGS ngày 10/11/2023 của Đoàn giám sát chuyên gia giám sát “Thực hiện chính sách, luật pháp về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” trên địa bàn tỉnh.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến.

Đánh giá việc đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, đối với thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần và loại hình doanh nghiệp khác, trong giai đoạn 2015-2021 trên địa bàn tỉnh Điện Biên không có đơn vị sự nghiệp công lập đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí theo quy định để chuyển thành công ty cổ phần.

Giai đoạn 2021-2025, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện có 02 đơn vị sự nghiệp công lập là Ban quản lý bến xe tỉnh Điện Biên; Trung tâm đăng kiểm kỹ thuật, phương tiện và thiết bị giao thông cơ giới trực thuộc Sở Giao thông vận tải đủ điều kiện để chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định số 150/2020/NĐ-CP và Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg. Hiện tại, tỉnh Điện Biên đang thực hiện các trình tự, thủ tục để chuyển đổi Ban Quản lý bến xe tỉnh Điện Biên thành công ty cổ phần trong giai đoạn này. Đối với Trung tâm đăng kiểm kỹ thuật, phương tiện và thiết bị giao thông cơ giới chờ Trung ương xem xét sau khi có chỉ đạo tổng thể của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong các ngành, lĩnh vực theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12/8/2021.

Quá trình triển khai chuyển đổi Ban Quản lý bến xe tỉnh Điện Biên thành công ty cổ phần có một số vướng mắc về phân loại tài sản, nguồn vốn tại đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện cổ phần hóa. Ban Chỉ đạo chuyển đổi Ban quản lý Bến xe tỉnh thuộc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Điện Biên thành Công ty cổ phần đã có văn bản 2544/BCĐBX ngày 04/11/2023 về giải đáp vướng mắc về phân loại tài sản, nguồn vốn tại đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện cổ phần hóa gửi Bộ Tài chính. Sau khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính tỉnh Điện Biên sẽ triển khai theo quy định.

Về việc thực hiện xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công: Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 09 đơn vị ngoài công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và y tế chủ yếu tập trung tại thành phố Điện Biên Phủ, trong đó: lĩnh vực giáo dục có 07 đơn vị thuộc trong gồm 02 trường mầm non và 05 trung tâm ngoại ngữ; lĩnh vực y tế có 02 cơ sở khám, chữa bệnh.

Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên làm việc với UBND huyện Tuần Giáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, tính đến 31/12/2023, trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi thành thành công ty cổ phần; chưa có đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp. Việc xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế, chỉ thực hiện xã hội hóa được đối với lĩnh vực giáo dục và y tế. Quy mô của các đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn nhỏ, tập trung tại địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Nguyên nhân do đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội chậm phát triển, mức thu nhập của đa số người dân trên địa bàn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên việc xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công rất khó khăn.

Rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai theo hướng tinh gọn

Đánh giá về việc nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến khẳng định: Việc rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập đã được tỉnh Điện Biên tập trung triển khai theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian; thực hiện sắp xếp tổ chức bên trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

Kết quả, tính đến 31/12/2023: Số lượng các tổ chức, đơn vị trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 498 tổ chức, giảm 132 tổ chức so với năm 2015, giảm 143 tổ chức so với năm 2017, giảm 99 tổ chức so với năm 2021. Hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp theo hướng tinh gọn, cơ cấu hợp lý; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thụ hưởng dịch vụ.

Về mô hình hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công: Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 462 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã thành lập Hội đồng trường, đảm bảo 100% các đơn vị trường học thành lập Hội đồng trường theo Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học và Điều lệ trường cao đẳng bảo đảm quy định. Hội đồng trường thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, quyết định về chiến lược, tầm nhìn, kế hoạch, mục tiêu phát triển nhà trường, giám sát hoạt động của nhà trường, qua đó thúc đẩy các nhà trường thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Việc rà soát, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập được triển khai theo hướng tinh gọn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của tỉnh Điện Biên.

Theo Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến, việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của một số đơn vị còn hạn chế. Trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng mô hình quản trị như doanh nghiệp. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư trên địa bàn tỉnh chưa thành lập Hội đồng quản lý theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến cho biết, nguyên nhân của thực trạng trên là do kinh phí đề đầu tư và nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu. Việc ban hành thông tư hướng dẫn của của bộ, ngành về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực theo quy định tại Nghị định 120/2020/NĐ-CP còn chậm. Vì vậy, các Bộ ngành và địa phương cần chú trọng khắc phục thực trạng này trong thời gian tới để quản lý của đơn vị sự nghiệp công được hiệu quả, thiết thực hơn./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=85342