Điện ảnh TPHCM qua 'ống kính' 98!

Tại Liên hoan phim quốc tế TPHCM - HIFF 2024, Quốc bảo điện ảnh Nhật Bản Hirokazu Kore-eda có nói về một trong những kết quả phái sinh của việc làm phim là 'nếu một nền điện ảnh được sản xuất tại địa phương nào thì địa phương đó có thể phát triển'. Thật ngẫu nhiên, khi trong đề án về chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030 mà UBND TPHCM vừa ban hành cũng có thông điệp như vậy.

Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội với những quy định mới và mở được áp dụng cho thành phố, trong đó có lĩnh vực văn hóa - thể thao; kết hợp với chủ trương phát triển công nghiệp văn hóa - điện ảnh ở tầm quốc gia thì đây sẽ là cơ hội để ngành nghệ thuật thứ 7 Việt Nam - TPHCM cất cánh.

Thực tế, điện ảnh TPHCM có “cơ cấu” chủ yếu thuộc doanh nghiệp tư nhân với 817/819 cơ sở, chiếm 99,75%. Nhưng đa phần là doanh nghiệp nhỏ với quy mô doanh nghiệp dưới 100 tỷ đồng chiếm 98%, chỉ có 16 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng. Vẫn chưa thể thu hút, hợp tác được với các nhà đầu tư - tập đoàn giải trí của nước ngoài. Cơ sở hạ tầng cho hoạt động điện ảnh ở thành phố hiện còn hạn chế từ khâu sản xuất phim cho đến việc phổ biến phim. Chưa có trường quay tập trung đạt tính chuyên nghiệp, cơ sở vật chất kỹ thuật chưa đảm bảo phục vụ hậu kỳ… Nhìn chung, những tác phẩm nổi bật trong nhiều năm qua vẫn đậm dấu ấn cá nhân hơn là đến từ một nền điện ảnh chuyên nghiệp, phát triển.

Các dịch vụ điện ảnh, rộng hơn là thị trường điện ảnh, công nghiệp điện ảnh chuyển đổi nhanh sang công nghệ số tác động mạnh mẽ đến việc khán giả đến rạp phim truyền thống. Quan trọng là đã có sức tương tác mạnh mẽ giữa người làm điện ảnh và công chúng, tức cả hai phía đều “tìm thấy nhau” trong nỗ lực vì chất lượng phim Việt và tinh thần người Việt ủng hộ phim Việt. Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm tăng 10% vượt mặt Thái Lan hay lịch phát hành phim Việt ngang ngửa phim Nhật Bản, Mỹ trong dịp Tết Giáp Thìn vừa qua được xem là chỉ dấu của sự phục hồi nhanh thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ là một ví dụ.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, thành phố nên tận dụng cuộc “mở hàng” là Liên hoan phim quốc tế TPHCM. Cần thiết thì đưa sự kiện này vào danh mục các sự kiện hàng năm trong “chiến lược sự kiện” của thành phố như một điểm hẹn thường niên. Có đối sách cho tất cả những điểm yếu và thiếu của điện ảnh thành phố. Cụ thể như hạ tầng - kỹ thuật cần chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút nhà đầu tư chiến lược phát triển tổ hợp vui chơi, giải trí, phim trường hiện đại. Ngoài ra phải “lập trình” đầu tư trung hạn 2025-2030 cho công nghiệp văn hóa - điện ảnh.

Đặc biệt, tập trung nguồn lực để vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 dành cho lĩnh vực văn hóa - thể thao. Cần sớm triển khai 5 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa; rà soát, đề xuất danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP), với các hình thức phù hợp nhằm xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế, cơ sở vật chất hiện đại. Xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh như chương trình cho vay kích cầu cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa - điện ảnh, tận dụng những khu đất trống để phát triển không gian nghệ thuật, làm điểm hẹn sáng tạo cho các nhà làm phim.

Tham dự Liên hoan phim quốc tế TPHCM 2024, đạo diễn bậc thầy người Hàn Quốc Kim Jee Woon đã chia sẻ rằng ông ấn tượng sâu sắc với con người và văn hóa TPHCM, “là một thành phố tràn đầy năng lượng, những con người Việt Nam tôi từng gặp rất cởi mở và tự do, đây là một môi trường vô cùng tiềm năng dành cho điện ảnh”. Ông Kim cũng “đã lưu lại rất nhiều hình ảnh mà tôi nghĩ sẽ rất đẹp khi lên phim”.

Thành phố đã lọt vào ống kính những gì và sau những thước phim về thành phố, những nhà làm phim Việt sẽ lưu lại gì cho công chúng, cho vùng đất “tràn đầy năng lượng, cởi mở, tự do”?

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dien-anh-tphcm-qua-ong-kinh-98-post735131.html