Điểm yếu chí mạng của bóng đá nữ Việt Nam

Huấn luyện viên (HLV) đội tuyển U.17 nữ Việt Nam, ông Akira Ijiri đã có phát biểu đáng chú ý khi khẳng định ở World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam yếu về kỹ thuật, cần chiến lược dài hạn để phát triển.

Ngợi khen tinh thần thi đấu của thầy trò HLV Mai Đức Chung trên đất New Zealand, nhưng chiến lược gia Akira Ijiri cho rằng đội tuyển nữ Việt Nam còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Trong đó, theo HLV người Nhật Bản này, thiếu sót lớn nhất của đội tuyển nữ Việt Nam ở World Cup 2023 nằm ở kỹ thuật chơi bóng, chứ không phải là thể hình hay thể lực.

 Dấu ấn đáng kể của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023, chính là việc chỉ để thua đội Mỹ 0-3. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Dấu ấn đáng kể của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023, chính là việc chỉ để thua đội Mỹ 0-3. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

HLV Akira Ijiri phân tích: “Nói về World Cup, chúng ta có rất nhiều điều để bàn. Tại sao đội tuyển nữ Việt Nam không ghi được bàn nào? Tại sao Việt Nam không tấn công được? Cần phải phân tích rõ ràng. Nhiều người cho rằng, đội tuyển nữ Việt Nam thể lực yếu, chiều cao thấp. Trong 32 đội thì Việt Nam xếp thứ hai từ dưới lên về chiều cao, và Nhật Bản cũng chỉ đứng thứ 5 từ dưới lên về chiều cao. Nên là đối với chiều cao và thể lực, các tuyển thủ nữ Việt Nam và Nhật Bản không có sự chênh lệch nhiều. Tuy nhiên, cái còn thiếu ở đây là kỹ thuật. Tôi đã nói chuyện với HLV đội tuyển Nhật Bản Futoshi Ikeda. Tôi hỏi ông Futoshi Ikeda điểm mạnh-yếu của đội tuyển nữ Việt Nam, thì HLV Futoshi Ikeda cũng trả lời là “thiếu kỹ thuật”. Bóng đá Việt Nam cần phải nhận ra điều này sớm, cả bóng đá nữ và bóng đá nam. Cái này cần phải phân tích và cải thiện tốt trong 5 đến 10 năm tới. Đây cũng là công việc của tôi ở Việt Nam”.

Trong buổi trao đổi với giới truyền thông, HLV Akira Ijiri đưa ra rất nhiều chuyện đáng để suy ngẫm. Chiến lược gia sinh năm 1970 này kể lại chuyện cũ: “Đội tuyển nữ Nhật Bản trong lần đầu dự World Cup (1991-PV) cũng không thắng trận nào. Dù vậy chỉ 8 năm sau, chúng tôi đã đạt tới tầm thế giới. Bóng đá nữ Việt Nam cần phải hình dung trong 8 năm tới sẽ như thế nào, từ đó mới làm rõ được câu chuyện. Tôi đang nghĩ về một chiến lược dài hạn. Với đội tuyển nữ U.20 Việt Nam này, khả năng rất khó để 4 năm sau có thể giành quyền dự World Cup. Tính một cách dài hạn, nếu bóng đá Việt Nam bắt đầu đào tạo cầu thủ từ năm 8, 9 tuổi thì sẽ mất khoảng 8 đến 12 năm, đội tuyển nữ Việt Nam mới có cơ hội dự World Cup một lần nữa”.

 HLV Akira Ijiri đã có những nhận xét thẳng thắn và xác đáng về đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

HLV Akira Ijiri đã có những nhận xét thẳng thắn và xác đáng về đội tuyển nữ Việt Nam. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Trong lần đầu chinh chiến ở World Cup 1991, đội tuyển nữ Nhật Bản đã thua Brazil 0-1, thua Mỹ 0-3 và thua đậm Thụy Điển 0-8 ở vòng bảng.

Sau kỳ World Cup 1991 đáng quên, thể thao xứ phù tang đã có những kế hoạch bài bản, mang tính chiến lược, với tầm nhìn đa nhiệm giúp bóng đá nữ nước nhà từng bước tiệm cận và chững chạc ở tầm cao thế giới, khi vô địch World Cup 2011 và giành ngôi á quân 4 năm sau đó. Tại World Cup 2023, dù được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch nhưng đội tuyển nữ Nhật Bản đã phải dừng bước ở vòng tứ kết, sau thất bại 1-2 trước đội tuyển nữ Thụy Điển.

Hiện tại, có hơn 50.000 cầu thủ nữ đăng ký với Hiệp hội Bóng đá Nhật Bản, so với ước tính khoảng 2 triệu cầu thủ nữ đăng ký với Liên đoàn Bóng đá Hoa Kỳ. Nhiều vận động viên ở Giải bóng đá nữ vô địch Nhật Bản về cơ bản vẫn là những cầu thủ bán chuyên nghiệp, tự hỗ trợ sự nghiệp của mình bằng cách làm các công việc văn phòng, nhà hàng, làm nông.

Hai thập niên qua, bóng đá nữ Nhật Bản tích cực học tập, vận dụng lối chơi Tiki-Taka, hệ thống chiến thuật trở nên danh tiếng bởi đội tuyển Tây Ban Nha và Barcelona. Tiki-Taka được tạo ra để giúp đội bóng có thể hình hạn chế khéo léo đối phó với các đối thủ vượt trội về thể chất. Norio Sasaki, HLV đội tuyển nữ Nhật Bản giai đoạn 2008-2016, là người tiên phong áp dụng lối chơi Tiki-Taka cho bóng đá nữ nước nhà. Chiến lược gia Norio Sasaki nhận ra hệ thống chiến thuật này là cách duy nhất để bóng đá nữ Nhật Bản gia nhập đội ngũ ưu tú của làng túc cầu nữ thế giới.

 Phải cộng hưởng nhiều yếu tố thì bóng đá nữ Việt Nam mới có cơ may được tiếp tục góp mặt ở World Cup. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Phải cộng hưởng nhiều yếu tố thì bóng đá nữ Việt Nam mới có cơ may được tiếp tục góp mặt ở World Cup. Ảnh: ĐỨC ĐỒNG

Hệ thống phát triển thể thao ở Nhật Bản cho phép các bé gái từ 6 tuổi được tập luyện bóng đá 4 lần/tuần và thường thi đấu với các bé trai. Khi 12 tuổi, trung bình các bé gái yêu thích bóng đá ở Nhật Bản chơi 100 trận/năm. Hệ thống này rõ ràng liên tục sản sinh ra những cầu thủ trẻ có kỹ thuật vượt trội, để bóng đá nữ Nhật Bản trở thành ngọn cờ đầu ở khu vực châu Á. Tiếc là ở Olympic Tokyo 2020, đội tuyển nữ Nhật Bản cũng phải dừng chân ở tứ kết trước chính đối thủ Thụy Điển.

Hai thất bại ở hai giải đấu lớn liên tiếp không làm những nhà hoạch định chiến lược bóng đá nữ Nhật Bản sờn lòng. Họ luôn vững tin rằng cơ hội thành công duy nhất của các đội tuyển bóng đá nước nhà là đánh bại đối thủ bằng những kỹ năng thượng thừa mà các bé gái đã được trui rèn từ năm 6 tuổi.

“Khoảng chênh lệch giữa bóng đá nữ Việt Nam với bóng đá thế giới còn rất lớn. Khi nào các bạn rút ngắn được khoảng cách đó thì mọi chuyện mới đơn giản hơn. 4 năm là quãng thời gian khá ít để có thể thay đổi. Kể cả 4 năm nữa đội tuyển nữ Việt Nam có lại dự World Cup, thì khả năng lối đá của các bạn vẫn vậy. Để gọi là thay đổi đáng kể thì bóng đá nữ Việt Nam có thể phải mất từ 10 đến 20 năm”, HLV Akira Ijiri nhận định.

HÀ THÀNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/diem-yeu-chi-mang-cua-bong-da-nu-viet-nam-739254