Điểm tựa vững vàng của nhân dân biên giới

Trước thực trạng cuộc sống của một bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số định cư trên địa bàn biên giới tỉnh Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP Quảng Bình đã cùng cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp từng bước giúp dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Người lính mang quân hàm xanh trở thành điểm tựa vững vàng của nhân dân nơi biên giới.

Bài 1: Giúp nhân dân tự chủ nguồn lương thực

Nhiều năm trước, đời sống của đồng bào các dân tộc Pa Cô - Vân Kiều, Rục, Sách, Mày… trên biên giới tỉnh Quảng Bình phụ thuộc chủ yếu vào việc làm nương rẫy. Tình trạng thiếu lương thực diễn ra nhiều tháng trong năm, người dân chỉ biết trông chờ vào gạo cứu trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, nhờ BĐBP Quảng Bình phối hợp với các cấp chính quyền địa phương triển khai các dự án trồng lúa nước, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi sản xuất, bà con từng bước tự chủ được nguồn lương thực.

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Ho hỗ trợ nhân dân bản Tân Ly thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Châu Thành

Cán bộ Đồn Biên phòng Làng Ho hỗ trợ nhân dân bản Tân Ly thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Châu Thành

Trong những ngày tháng 9-2021, các đồn Biên phòng: Làng Ho; Cà Xèng; cửa khẩu quốc tế Cha Lo (BĐBP Quảng Bình) đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp dân thu hoạch lúa hè thu. Trên cánh đồng Rục Làn, chạy dài trước doanh trại Đồn Biên phòng Cà Xèng, lúa chín vàng rộ, đồng bào Rục và cán bộ Biên phòng đang khẩn trương gặt, tuốt, chở lúa về nhà. Không khí lao động trên cánh đồng biên giới nhộn nhịp, vui tươi, thắm tình quân dân.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng nói rằng: "Năm nay, vụ lúa hè thu tiếp tục đạt năng suất cao 4,5-5 tấn/ha. Sau nhiều năm được BĐBP hướng dẫn, đồng bào Rục đã quen với việc canh tác cây lúa nước. Nhiều gia đình đảm bảo lương thực quanh năm".

Khai hoang, phục hóa giúp đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới có những cánh đồng lúa nước rộng lớn, đây là chủ trương lớn của Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình và sự đóng góp công sức của rất nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, không thể không nhắc đến Thiếu tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng - kỹ sư nông nghiệp mang quân hàm xanh.

Được biết, nhiều năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, chàng thanh niên Phạm Xuân Ninh tiếp tục thi vào Học viện Chính trị Quân sự. Sau khi tốt nghiệp, anh về nhận công tác tại BĐBP Quảng Bình. Khi đó, Đảng ủy BĐBP Quảng Bình có chủ trương phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới, khởi đầu là giúp đồng bào dân tộc Vân Kiều ở bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình làm lúa nước. Quân nhân trẻ Phạm Xuân Ninh khi ấy được cấp trên tín nhiệm đưa lên Đồn Biên phòng Làng Ho thực hiện nhiệm vụ "cắm cây lúa nước".

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng xuống đồng giúp dân tuốt lúa. Ảnh: Hoài Nam

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng xuống đồng giúp dân tuốt lúa. Ảnh: Hoài Nam

Trên cánh đồng Tân Ly, chàng kỹ sư nông nghiệp mang quân hàm xanh Phạm Xuân Ninh đã cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho bắt tay ngay vào việc khai hoang, phục hóa, trồng thử nghiệm ruộng lúa nước. Nhiều đêm anh trằn trọc cho tới sáng tìm cách cho cây lúa bén rễ ở Tân Ly để người dân no bụng, tin BĐBP thay đổi phương thức sản xuất. Sau bao gian khổ, anh cùng đồng đội "bắt" cây lúa trổ bông, chín vàng trên ruộng lúa Tân Ly khiến người dân nể phục. Sau nhiều năm cầm tay chỉ việc, Phạm Xuân Ninh và đồng đội, bà con đã tiếp nhận và áp dụng kỹ thuật trồng lúa nước thành thục.

Thời gian sau, Phạm Xuân Ninh tiếp tục được điều động lên Đồn Biên phòng Cà Xèng để tiếp tục hướng dẫn bà con người Rục làm ruộng lúa nước. Từ kinh nghiệm đã có ở Tân Ly, anh và đồng đội hiểu rằng, phải làm cho đồng bào thấy để họ làm theo. Nhưng ở cánh đồng Rục Làn, thiên nhiên khắc nghiệt, nguồn nước nhiễm đá vôi, việc trồng lúa nước gặp khó khăn hơn nhiều.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng hướng dẫn bà con làm ruộng lúa nước. Ảnh: Viết Lam

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng hướng dẫn bà con làm ruộng lúa nước. Ảnh: Viết Lam

Bao ngày, đêm bám đồng ruộng, vụ lúa đầu tiên trên diện tích trồng thử nghiệm đã thành công. Những người lính Biên phòng trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn đồng bào Rục cách cầm cuốc xới đất, chăm bón để cây lúa tốt tươi… Cánh đồng Rục Làn của đồng bào Rục đã đều đặn thu hoạch những vụ mùa bội thu, Phạm Xuân Ninh lại tiếp tục được điều động nhận công tác tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo để hướng dẫn bà con người Mày, người Sách làm lúa nước…

Đến nay, trên những cánh đồng Tân Ly, Rục Làn, Ka Ai do BĐBP Quảng Bình giúp dân khai khẩn, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Rục, Sách Mày đã quen với việc trồng mỗi năm 2 vụ lúa. Cuộc sống vì thế cũng thay đổi, khởi sắc nhiều. Bên cạnh cây lúa, người dân đã biết trồng thêm các cây lương thực khác, phát triển chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.

Bài 2: "Ánh sáng vùng biên" thay đổi diện mạo bản làng

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/diem-tua-vung-vang-cua-nhan-dan-bien-gioi-post444444.html