Điểm tựa từ 'Cần câu xanh'

Với thông điệp 'Trao cần câu hơn trao xâu cá', thay vì giúp các hộ nghèo bằng tiền mặt, thông qua mô hình 'Cần câu xanh', Huyện đoàn Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi gia đình và hướng dẫn cách thức nuôi trồng hiệu quả.

Được triển khai từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình bước đầu phát huy hiệu quả, khích lệ ý chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình của đoàn viên, thanh niên và các hộ khó khăn trên địa bàn.

Nhớ lại ngày được hỗ trợ con giống, chị Võ Thị Thảo, 30 tuổi, ở xã Lộc An vẫn chưa hết xúc động: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Chồng tôi không may bị bệnh, kinh tế trong nhà hoàn toàn phụ thuộc vào thu nhập không ổn định của tôi. Khi nhận được cặp lợn giống và 50 con gà giống từ Đoàn thanh niên xã, tôi như có điểm tựa để vượt qua khó khăn”.

Với sự đồng hành, hướng dẫn của Đoàn thanh niên xã, mô hình chăn nuôi của chị Thảo bước đầu có hiệu quả, lợn và gà sinh trưởng tốt. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, mô hình “Cần câu xanh” do Đoàn thanh niên xã Lộc An thực hiện đã hỗ trợ 4 con lợn giống và 200 con gà giống giúp các gia đình khó khăn phát triển sinh kế.

Mô hình “Cần câu xanh” của Huyện đoàn Phú Lộc góp phần hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế.

Ở xã Lộc Bình, mỗi khi thấy bóng áo xanh tình nguyện vận chuyển con giống, người dân rất vui mừng bởi nghĩ tới những hộ nghèo có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Với các gia đình khó khăn, để có được cặp lợn hay đàn gà, vịt giống không phải chuyện dễ. Gia đình anh Hồ Văn Thắng thuộc diện hộ nghèo của xã Lộc Bình. Vợ anh bị bệnh nặng, mất khả năng lao động từ nhiều năm nay. Biết tin sắp được tặng con giống từ Đoàn thanh niên, anh chuẩn bị ngay chuồng nuôi với hy vọng sẽ có thêm thu nhập cho con ăn học.

Hiện nay, 100% xã của huyện Phú Lộc thực hiện mô hình “Cần câu xanh”, qua đó hỗ trợ gần 800 con gà giống, 30 lợn giống, 20 vịt giống với tổng trị giá 60 triệu đồng giúp đoàn viên, thanh niên khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo. Để bảo đảm mô hình đạt hiệu quả, các tổ chức đoàn phối hợp với các bên liên quan tiến hành khảo sát lựa chọn đối tượng thụ hưởng, nguồn giống chất lượng, hỗ trợ người dân xây dựng, cải tạo chuồng trại... Ngoài ra, kỹ thuật nuôi trồng và định hướng đầu ra, cách thức tái tạo sản xuất cũng được cán bộ đoàn theo sát hướng dẫn.

Theo Bí thư Huyện đoàn Phú Lộc, Hoàng Trần Quốc Phú, hỗ trợ sinh kế không còn là hoạt động xa lạ, nhưng câu chuyện hỗ trợ như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất vẫn là vấn đề được các tổ chức đoàn quan tâm, trăn trở. Bởi vậy, Huyện đoàn và các xã đoàn, thị đoàn đã huy động nguồn kinh phí xã hội hóa từ nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài huyện để triển khai thực hiện mô hình. Với bước đầu đạt một số kết quả nhất định, mô hình “Cần câu xanh” sẽ tiếp tục kêu gọi đa dạng nguồn hỗ trợ để có thể nhân rộng nhiều hơn nữa, góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phú Lộc thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Bài và ảnh: BẢO ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/diem-tua-tu-can-cau-xanh-725915