Điểm tựa giúp người lao động vượt qua khó khăn

Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp (TX Đông Hòa). Ảnh: KIM CHI

Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) là chính sách an sinh xã hội nhằm bù đắp một phần tổn thất cho người lao động. Đây là loại hình bảo hiểm mang tính thiết thực, hữu ích, chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp, hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa TNLĐ, BNN.

Bảo hiểm TNLĐ, BNN là một trong năm chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm chia sẻ gánh nặng khi người lao động bị TNLĐ, BNN. Với ý nghĩa thiết thực đó, chính sách này đã tạo điểm tựa vững chắc, giúp rất nhiều người lao động vượt qua khó khăn.

An toàn cho người lao động

Những năm qua, các sở, ban ngành trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động nói chung, bảo hiểm TNLĐ, BNN nói riêng, giúp các doanh nghiệp và người lao động nắm được nghĩa vụ, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN cũng như giảm tối đa TNLĐ.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Những rủi ro trong công việc là điều không thể lường trước, ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều người lao động. Mỗi người lao động đều là trụ cột của gia đình. Khi không may bị TNLĐ hay BNN phải nghỉ làm, hầu hết người lao động không còn thu nhập để trang trải cuộc sống, gây gánh nặng tài chính cho cả gia đình. Vì vậy, chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội là vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, Luật An toàn, vệ sinh lao động cũng đã quy định đầy đủ, rõ ràng về chế độ TNLĐ, BNN, cắt giảm tối đa thủ tục đề nghị hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN và hưởng các chế độ TNLĐ, BNN.

Để triển khai tốt chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động và người lao động về Luật An toàn, vệ sinh lao động. Hơn ai hết, tổ chức công đoàn phải nắm vững các quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng, kịp thời bảo vệ người lao động khi họ bị TNLĐ mà đơn vị chưa lập đủ hồ sơ cũng như giới thiệu người lao động ra giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ TNLĐ, BNN.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Đi cùng với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ để kéo giảm TNLĐ, BNN, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm đến việc triển khai các chính sách liên quan đến bảo hiểm TNLĐ, BNN nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế đối với gia đình có người thân không may gặp phải TNLĐ, BNN.

Theo ông Trần Văn Toán, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, các chế độ về bảo hiểm TNLĐ, BNN được đơn vị chi trả kịp thời, đúng quy định. Trong năm 2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã giải quyết chế độ trợ cấp TNLĐ hàng tháng cho 11 người, tăng 8 người và trợ cấp TNLĐ một lần cho 74 người, tăng 5 người so với năm trước.

Người lao động được khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh bệnh nghề nghiệp. Ảnh: KIM CHI

Người lao động được khám sức khỏe định kỳ để phòng tránh bệnh nghề nghiệp. Ảnh: KIM CHI

Phát huy vai trò tổ chức công đoàn

Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, như người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động; không tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoặc huấn luyện không đầy đủ cho người lao động; máy móc, thiết bị không đảm bảo an toàn khi đưa vào vận hành sản xuất... Ngoài ra còn có nguyên nhân chủ quan của người lao động trong việc vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động. Người lao động không chịu sử dụng hoặc sử dụng không đúng cách phương tiện bảo vệ cá nhân. Một phần nhỏ các doanh nghiệp thi công công trình nhà ở không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ. Thầu chính giao khoán cho thầu phụ để thi công, thuê lao động tự do không có hợp đồng lao động, không được trang bị kiến thức an toàn, vệ sinh lao động cũng như các trang bị, phương tiện bảo hộ lao động.

Theo ông Phan Đại Thắng, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để kéo giảm TNLĐ, BNN, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Sở LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra TNLĐ, cháy nổ như những công trình xây dựng hay lĩnh vực cơ khí, sản xuất công nghiệp… Bên cạnh đó, sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, BNN đến người lao động và người sử dụng lao động. Đồng thời, sở gắn hoạt động tuyên truyền với việc thực hiện chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong các doanh nghiệp và người lao động.

“Ngoài việc giải quyết kịp thời các chế độ bảo hiểm TNLĐ, BNN, nhân Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2023, Sở LĐ-TB&XH, LĐLĐ tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương luôn quan tâm thăm hỏi thân nhân, gia đình người lao động tử vong do TNLĐ”, ông Thắng cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo các cơ quan chức năng, thực tế phát sinh trường hợp người lao động bị tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc, nhất là các trường hợp người lao động đi công tác bị tai nạn giao thông, cơ quan chức năng gặp khó khăn khi xác định tuyến đường đi và về hợp lý để xác định họ bị TNLĐ. Về thời hạn điều tra TNLĐ, một số đơn vị vẫn chưa tuân thủ quy định, hoặc lúng túng trong việc xác định người lao động có được hưởng chế độ TNLĐ hay không nên chậm lập biên bản điều tra TNLĐ, dẫn đến việc đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, ảnh hưởng quyền lợi của người lao động và gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc xác định thời điểm hưởng và giải quyết chế độ TNLĐ.

Để triển khai tốt chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN, theo ông Phan Đại Thắng, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền đến đơn vị sử dụng lao động và người lao động về Luật An toàn, vệ sinh lao động. Hơn ai hết, tổ chức công đoàn phải nắm vững các quy định để bảo vệ quyền lợi chính đáng, kịp thời bảo vệ người lao động khi họ bị TNLĐ mà đơn vị chưa lập đủ hồ sơ cũng như giới thiệu người lao động ra giám định mức suy giảm khả năng lao động để làm căn cứ giải quyết chế độ TNLĐ, BNN. Đối với các trường hợp BNN, đơn vị sử dụng lao động cần nắm rõ các quy định để giải quyết chế độ BNN cho người lao động, lưu ý về các bảng tóm tắt hồ sơ bệnh án điều trị BNN của người lao động phải có trong hồ sơ khám BNN hàng năm của đơn vị, tránh trường hợp khi có phát sinh người lao động bị BNN thì mới hoàn thiện lại hồ sơ.

Nghị định 58/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020 áp dụng cho các đối tượng là người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Luật Bảo hiểm xã hội; các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN trong bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, hàng tháng người sử dụng lao động đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động quy định tại Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình) bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước. Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hàng tháng tương ứng theo điều kiện từng trường hợp quy định. Phương thức đóng được thực hiện hàng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng/lần.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/299974/diem-tua-giup-nguoi-lao-dong-vuot-qua-kho-khan.html