Điểm tựa cho các HTX

Cùng với khối doanh nghiệp, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan. Năng lực hoạt động của các HTX được nâng cao; doanh thu bình quân đạt 1.700 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân thành viên đạt 48 triệu đồng/người/năm... Trong kết quả chung đó, Liên Minh HTX tỉnh đã làm tốt vai trò, chức trách là “điểm tựa” cho các HTX phát triển.

HTX Tây Bắc, bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu, những ngày cuối năm không khí nhộn nhịp hơn do sản xuất số lượng lớn các đơn hàng cho khách. Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc, chia sẻ: Với 16 máy làm tỏi đen, công suất mỗi máy khoảng 1,5 tấn tỏi tươi/mẻ. Ngoài ra, HTX còn phát triển sản phẩm rượu tỏi đen, mật ong ngâm tỏi đen, chuối, xoài sấy dẻo, sấy giòn, trà hoa đu đủ, chè cổ thụ Ôn Ốc… Bình quân mỗi năm, tổng doanh thu HTX đạt từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Năm 2023, lần đầu tiên sản phẩm trà hoa đu đủ của HTX được xuất khẩu sang thị trường các nước Mỹ, Canada, giúp các hộ thành viên nâng cao thu nhập.

Toàn tỉnh có 896 HTX và 6 Liên hiệp HTX. Năm 2023, từ dự án của chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ 4 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các HTX: Phát triển sản phẩm quả chanh leo liên huyện Mai Sơn, Thuận Châu; sản phẩm mít liên huyện Yên Châu, Thuận Châu; sản phẩm quả cam liên huyện Sông Mã, Sốp Cộp và sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quy mô liên huyện Mai Sơn, Sốp Cộp.

Liên minh HTX tỉnh còn phối hợp với các ngành tư vấn, hướng dẫn các HTX, liên hiệp HTX sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch; xây dựng tem nhãn, bao bì có xuất xứ, nguồn gốc và logo. Nhiều sản phẩm của HTX được đánh giá là sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Nhờ đó, duy trì 245 chuỗi sản phẩm rau, quả, chè, cà phê, thủy sản; 145 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP còn hiệu lực; cấp 281 mã số vùng trồng, với tổng diện tích hơn 4.600 ha phục vụ xuất khẩu sang thị trường Úc, Anh, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX Rau an toàn tự nhiên, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, cho biết: Thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động, kinh doanh, HTX đã sử dụng nhật ký điện tử; hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh; hệ thống giám sát đồng ruộng; tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu, tạo thuận lợi cho các thành viên HTX giám sát, theo dõi hoạt động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Xây dựng thương hiệu cho nông sản, tham gia xuất khẩu, quảng bá hình ảnh nông sản đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế cũng là một trong những ưu tiên và thành công của Liên minh HTX tỉnh trong việc phối hợp với các sở, ngành liên quan, hỗ trợ các HTX. Hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, như: Shopee, lazada, sendo, postmart… Nhiều HTX tận dụng ưu thế từ dịch vụ quảng cáo, livestream bán hàng trên Facebook, Tiktok, chụp ảnh nghệ thuật, xây dựng video giới thiệu để quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, giúp tăng doanh số bán hàng trên nhiều kênh khác nhau.

Nhờ tham gia HTX, nhiều hộ nông dân từng bước vươn lên làm giàu. Chị Đỗ Thị Hoa, bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Gia đình tôi có 2 ha na dai và na sầu. Tham gia HTX, tôi được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc na chất lượng cao; được tiếp cận với các thị trường tiêu thụ lớn trong và ngoài tỉnh. Riêng vụ năm 2023, thu 15 tấn quả, trị giá khoảng 700 triệu đồng.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Bước sang năm 2024, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên HTX. Đồng hành, hỗ trợ HTX khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết vùng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường… từng bước khẳng định vị thế kinh tế tập thể trong nền kinh tế của tỉnh.

Các HTX trên địa bàn tỉnh đang có những bước đi và phát triển vững chắc, từng bước gắn kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong thực hiện chuỗi liên kết, hình thành vùng sản xuất. Đồng thời, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, đóng góp tích cực cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Huyền Trăng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/diem-tua-cho-cac-htx-pmyPsMKIg.html