Điểm tên loạt 'ông lớn' có khả năng gặp khó trong trả nợ trái phiếu

Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi một số bộ, ngành về việc lấy ý kiến với báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024.

Báo cáo cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 1 triệu tỷ đồng do 432 doanh nghiệp phát hành, trong đó, tổng giá trị trái phiếu đạo hạn trong năm 2024 là 240,1 nghìn tỷ đồng, thấp hơn khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2023 (261,6 nghìn tỷ đồng).

Ảnh minh họa

Đối với trái phiếu của các tổ chức tín dụng, dư nợ trái phiếu tính đến thời điểm cuối năm 2023 là 357,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,4% tổng dư nợ toàn thị trường) của 2 tổ chức tín dụng (TCTD), chủ yếu do nhà đầu tư tổ chức nắm giữ (97,2%). Về loại hình trái phiếu: trái phiếu có bảo đảm khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng (2,4% dư nợ), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 348,5 nghìn tỷ đồng (97,6%). Trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 2,5%.

Khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 là 53,2 nghìn tỷ đồng do 16 TCTD phát hành, trong đó nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 1,2%. Về loại hình trái phiếu: trái phiếu có bảo đảm khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng (2,8%), trái phiếu không có bảo đảm khoảng 51,7 nghìn tỷ đồng (97,2%), trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 1,8%.

Bộ Tài chính cho rằng, đối với nhóm các TCTD, không phân theo 3 nhóm như báo cáo nêu trên do rủi ro không thanh toán được gốc. Lãi trái phiếu do TCTD phát hành về cơ bản là rất thấp vì việc phát hành tuân thủ theo tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng do NHNN giám sát; các TCTD có trái phiếu đến hạn đều hoạt động có lãi; hầu hết trái phiếu do nhà đầu tư tổ chức nắm giữ.

Đối với trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), dư nợ trái phiếu là 351,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,8% tổng dư nợ do 182 doanh nghiệp BĐS phát hành, trong đó nhà đầu tư tổ chức nắm giữ 58,6%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ 41,4%. Về loại hình trái phiếu: trái phiếu có bảo đảm khoảng 66,2 nghìn tỷ đồng (18,8%). Trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 74,7%.

Khối lượng trái phiếu đáo hạn năm 2024 là 99,6 nghìn tỷ đồng do 92 tổ chức phát hành, trong đó trái phiếu không có bảo đảm do nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 5,9%. Về loại hình trái phiếu: trái phiếu có bảo đảm khoảng 91,8 nghìn tỷ đồng (92,2%); trái phiếu không có bảo đảm khoảng 7,7 nghìn tỷ đồng (7,8%).

Nếu phân loại theo tiêu chí nêu trên thì các doanh nghiệp BĐS dự kiến có khó khăn trong thanh toán dư nợ đến hạn là 35,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,9% khối lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp BĐS), bao gồm: rất khó khăn trong việc trả nợ: 3 doanh nghiệp với khối lượng 4,6 nghìn tỷ đồng; có khả năng khó khăn trả nợ: 18 doanh nghiệp với khối lượng 31,2 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến tình hình thị trường BĐS vẫn còn khó khăn, doanh nghiệp BĐS có dòng tiền yếu, tỷ lệ vây nợ cao và nguồn tiền mặt để trả nợ rất hạn chế, tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, các doanh nghiệp BĐS cần được tiếp tục theo dõi chặt chẽ về khả năng thanh toán nợ trái phiếu.

Đối với trái phiếu của nhóm doanh nghiệp còn lại: Dư nợ trái phiếu khoảng 300 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,8% tổng dư nợ) do 222 doanh nghiệp phát hành, trong đó nhà đầu tư tổ chức nắm giữ khoảng 59%, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 41%. Về loại hình trái phiếu: trái phiếu có bảo đảm khoảng 207,7 nghìn tỷ đồng (69,2%), trái phiếu không có bảo đảm 92,4 nghìn tỷ đồng (30,8%). Trong số trái phiếu không có bảo đảm thì nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 73,6%.

Khối lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 là 87,3 nghìn tỷ đồng do 102 tổ chức phát hành, trong đó trái phiếu không có bảo đảm khoảng 32 nghìn tỷ đồng (36,6%), trái phiếu có bảo đảm 55,3 nghìn tỷ đồng (63,%). Trong các trái phiếu không có bảo đảm, nhà đầu tư cá nhân nắm giữ khoảng 73,8%.

Nếu phân loại theo tiêu chí nêu trên thì các doanh nghiệp dự kiến có khó khăn trong thanh toán nợ đến hạn là 26,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,7% khối lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp trên) gồm: rất khó khăn trong việc trả nợ: 2 doanh nghiệp với khối lượng 7,4 nghìn tỷ đồng; có khả năng gặp khó khăn trả nợ: 14 doanh nghiệp với khối lượng 19,4 nghìn tỷ đồng.

Môi trường lãi suất nếu được duy trì ở mức thấp nhất như hiện nay sẽ giúp giảm chi phí huy động vốn và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng kinh doanh, khả năng trả nợ cũng kỳ vọng được cải thiện. Tuy nhiên, việc phục hồi sản xuất và đảm bảo nghĩa vụ trả nợ phụ thuộc vào từng ngành, lĩnh vực, tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước.

Có 18 doanh nghiệp được Bộ Tài chính xếp vào nhóm có khả năng gặp khó khăn trả nợ (kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên), giá trị đến hạn trong năm nay là 31,2 nghìn tỷ đồng. Bao gồm các doanh nghiệp như Công ty cổ phần Đầu tư Golden Hill; Công ty cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam; Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt; Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh An Nam…

Công ty TNHH Phát triển bất động sản An Khang; Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương; Công ty cổ phần Fuji Nutri Food; Công ty TNHH Đầu tư Phú Thịnh Phát; Công ty cổ phần Phú Thọ Land; Công ty TNHH Thành phố AQUA…

Nhị Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/diem-ten-loat-ong-lon-co-kha-nang-gap-kho-trong-tra-no-trai-phieu.html