Điểm tên loạt doanh nghiệp có vốn nhà nước lỗ nặng, âm vốn

Báo cáo vừa gửi Quốc hội của Chính phủ đã điểm tên loạt doanh nghiệp có vốn nhà nước lỗ nặng, âm vốn chủ sở hữu trong năm 2021. Theo đó, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là 1,67 triệu tỷ đồng, trong đó có 274 doanh nghiệp ghi nhận lỗ, âm vốn.

Cụ thể, theo báo cáo, đến 31/12/2021 có 826 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước, bao gồm 673 doanh nghiệp nhà nước và 153 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước. Tổng tài sản của 826 doanh nghiệp này là 3,74 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2020.

Vốn chủ sở hữu là 1,79 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. Trong đó, tổng vốn nhà nước đang đầu tư tại 826 doanh nghiệp là 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020 (doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,5 triệu tỷ đồng và các doanh nghiệp còn lại là 162.806 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu của các doanh nghiệp này đạt 2.128.254 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2020. Lãi phát sinh trước thuế đạt 205.045 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020.

Lỗ lũy kế của Tập đoàn Hóa chất tính đến hết năm 2021 là 2.612,7 tỷ đồng.

Lỗ lũy kế của Tập đoàn Hóa chất tính đến hết năm 2021 là 2.612,7 tỷ đồng.

Trong đó, khối các tập đoàn - tổng công ty (TĐ, TCT), công ty mẹ - con là 186.371 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2020, chiếm 91% tổng lãi phát sinh trước thuế của các doanh nghiệp.

Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/vốn chủ sở hữu bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2021 là 11% (năm 2020 là 9%); Tỷ suất lãi phát sinh trước thuế/tổng tài sản bình quân chung của các doanh nghiệp năm 2021 là 5% (năm 2020 là 4%).

Tuy nhiên, theo báo cáo trong năm 2021 có 90/826 doanh nghiệp (chiếm 11% tổng số doanh nghiệp) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 16.064 tỷ đồng. 184/826 doanh nghiệp (chiếm 22% tổng số doanh nghiệp) còn lỗ lũy kế với tổng số lỗ lũy kế là 52.840 tỷ đồng.

Tổng giá trị các khoản phải thu là 499.929 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2020. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 47.871 tỷ đồng, chiếm 10% tổng số các khoản phải thu và các doanh nghiệp đã trích lập dự phòng 34.289 tỷ đồng để dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu khó đòi.

Đề cập cụ thể, báo cáo của Chính phủ cho biết: Tổng số các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty là 75 doanh nghiệp, nắm tổng tài sản là 2,73 triệu tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định chiếm bình quân là 34% tổng tài sản.

Chính phủ xác định đến hết năm 2025, có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD.

Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Chính phủ xác định đến hết năm 2025, có ít nhất 25 doanh nghiệp nhà nước có vốn chủ sở hữu hoặc vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có ít nhất 10 doanh nghiệp đạt mức trên 5 tỷ USD.

Đóng góp của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước vào ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021 - 2025 tăng khoảng 5% - 10% so với giai đoạn 2016 - 2020.

Về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của các doanh nghiệp này, báo cáo cho biết: Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: TCT Xây dựng Lũng Lô (nợ phải thu 1.372 tỷ đồng, chiếm 64% tổng tài sản); TCT Thái Sơn (nợ phải thu 2.198 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản); Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (nợ phải thu 601 tỷ đồng, chiếm 60% tổng tài sản); TCT Kinh tế Kỹ Thuật Công Nghiệp Quốc phòng (nợ phải thu 1.934 tỷ đồng, chiếm 54% tổng tài sản).

75 doanh nghiệp trên có nợ phải trả là 1,37 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2020, chiếm 50% tổng nguồn vốn của các TĐ, TCT, công ty mẹ - con.

Trong đó, nợ vay (vay ngắn hạn và dài hạn) từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước của các TĐ, TCT, công ty mẹ - con là 462.245 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2020.

Có 9/75 công ty mẹ được xác định là chưa bảo toàn được vốn chủ sở hữu (doanh nghiệp có kết quả kinh doanh lỗ, bao gồm cả trường hợp còn lỗ lũy kế sau khi trích lập các khoản dự phòng rủi ro theo quy định). Chẳng hạn, công ty mẹ - TĐ Hóa chất lỗ lũy kế là 2.613 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Đường sắt lỗ lũy kế 1.822 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng công ty Cà phê lỗ lũy kế 453 tỷ đồng; Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM lỗ lũy kế 426 tỷ; Công ty mẹ - Tổng công ty 15 lỗ lũy kế 156 tỷ đồng.

Về lỗ phát sinh theo báo cáo hợp nhất của 5 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 1.830 tỷ đồng. Trong đó, công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM lỗ phát sinh 771 tỷ đồng; Tổng công ty Đường sắt lỗ phát sinh 518 tỷ đồng; Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lỗ phát sinh 488 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV 622-BQP lỗ phát sinh 50 tỷ; Tổng công ty Đầu tư và XNK Cao Bằng lỗ phát sinh 2 tỷ đồng...

Về số lỗ lũy kế, báo cáo hợp nhất có 16 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con còn lỗ lũy kế là 14.703 tỷ đồng và 9 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 5.532 tỷ đồng như: Tập đoàn Hóa chất (2.612,7 tỷ đồng); Tổng công ty Đường sắt VN (1.822 tỷ đồng); Tổng công ty Cà phê (453 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (426 tỷ đồng); Tổng công ty 15 (156 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV 622 - Bộ Quốc phòng (54 tỷ đồng)...

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//quan-tri/diem-ten-loat-doanh-nghiep-co-von-nha-nuoc-lo-nang-am-von-1088660.html