'Điểm mặt' các nước thành viên EU không sử dụng đồng euro và lý do

Sự hình thành của Liên minh châu Âu (EU) đã mở đường cho một hệ thống tài chính đa quốc gia thống nhất dưới một loại tiền tệ duy nhất là đồng euro. Tuy nhiên, ngoài 20 quốc gia thành viên, một số nước EU đã quyết định gắn bó với đồng tiền của mình và không sử dụng đồng tiền chung châu Âu euro.

Hầu hết các quốc gia gia nhập EU đều phải chấp nhận đồng euro như một phần tư cách thành viên. Tuy nhiên, Đan Mạch chính thức được miễn yêu cầu này.

Trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm 2000, phần lớn dân chúng Đan Mạch bỏ phiếu không sử dụng đồng euro, chính phủ đã đàm phán về việc miễn trừ việc sử dụng đồng euro. Do đó, Đan Mạch vẫn sử dụng đồng krone Đan Mạch (DKK) làm tiền tệ.

Mặc dù vậy, Đan Mạch vẫn tham gia Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM II). Điều này có nghĩa là chính phủ Đan Mạch được yêu cầu kiểm soát giá trị đồng tiền của họ để nó duy trì ở một mức giá trị nhất định so với đồng euro.

Thụy Điển có cùng hoàn cảnh với Đan Mạch dù chưa đàm phán để được miễn tham gia đồng euro. Năm 2003, Thụy Điển tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc về việc liệu nước này có nên sử dụng đồng euro hay không. Kết quả là Thụy Điển dùng đồng krona là đồng tiền chính.

Thụy Điển là một ví dụ toàn cầu về chính sách tiền tệ độc lập, tự cung tự cấp. Đây là một trong những quốc gia tiên phong trong việc nhắm mục tiêu lạm phát và có tỷ giá hối đoái thả nổi tự do.

Tại Hungary, sau khi gia nhập EU vào năm 2004, chính phủ nước này đã lên kế hoạch sử dụng đồng euro trong một thời gian ngắn

Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách cao, mức độ lạm phát và mức nợ công cao đồng nghĩa với việc họ không thể làm được điều đó. Đồng tiền của Hungary là Forint Hungary (HUF).

Bất chấp các biện pháp thắt lưng buộc bụng được đưa ra, Hungary vẫn không thể gia nhập khu vực đồng euro. Gần đây hơn, sự ủng hộ của dân chúng đối với việc sử dụng đồng euro cũng đã giảm đi.

Một thành viên khác của EU là Ba Lan chưa bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên sử dụng đồng euro hay không. Ngoài ra, còn có nhiều ý kiến trái chiều về việc liệu nó có mang lại lợi ích hay không.

Kết quả là Ba Lan đã tránh đáp ứng các tiêu chí để quốc gia đủ điều kiện sử dụng đồng euro. Thay vào đó, họ giữ đồng tiền lịch sử của riêng mình, đồng zloty Ba Lan (PNL).

Còn tại Cộng hòa Czech, sau khi gia nhập EU vào năm 2004, ban đầu nhiều người đồng tình sử dụng đồng euro.

Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro, sự ủng hộ việc sử dụng đồng euro ở Cộng hòa Czech đã giảm đáng kể. Hiện người dân nước này sử dụng đồng koruna.

Bất chấp mức độ ủng hộ của công chúng ngày càng giảm, Bulgaria vẫn kiên trì với kế hoạch sử dụng đồng euro. Quốc gia này dự kiến sẽ đạt được mục tiêu gia nhập vào năm 2025.

Hiện tại, Bulgaria đáp ứng 4 trong số 5 tiêu chí hội tụ để gia nhập. Trong khi đó, quốc gia Đông Âu này vẫn sử dụng đồng lev Bulgaria (BGN).

Với Romania, kể từ khi gia nhập EU vào năm 2007, người dân nước này luôn ủng hộ việc sử dụng đồng euro.

Nhưng bất chấp nhiều nỗ lực, quốc gia này cho đến nay vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chí, vẫn sử dụng đồng Leu Romania (RON) và dự kiến gia nhập đồng tiền chung châu Âu vào năm 2026.

Được biết, tên gọi đồng euro ra đời tại cuộc họp của Hội đồng Châu Âu ở Madrid, Tây Ban Nha năm 1995.

Biểu tượng đồng euro, €, được lấy cảm hứng từ chữ cái Hy Lạp, ám chỉ cái nôi của nền văn minh châu Âu. Nó cũng là viết tắt của chữ cái đầu tiên của từ “châu Âu” trong bảng chữ cái Latinh. Hai đường thẳng song song chạy qua biểu tượng biểu thị sự ổn định.

Vào ngày 1-1-1999, đồng euro trở thành đồng tiền chính thức của Áo, Bỉ, Phần Lan, Pháp, Đức, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Thành viên trẻ nhất là Croatia gia nhập ngày 1-1-2023

Kể từ năm 2002, euro đã trở thành đồng tiền quan trọng thứ hai trên thế giới sau đồng đô la Mỹ. Tờ 50 euro được sử dụng nhiều nhất với 13,6 tỷ tờ tiền đang lưu hành.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/diem-mat-cac-nuoc-thanh-vien-eu-khong-su-dung-dong-euro-va-ly-do-post556565.antd