Điểm đến của tài phiệt Nga trong cuộc trốn chạy lệnh trừng phạt

Trong khi hàng loạt quốc gia siết chặt trừng phạt Nga và cá nhân liên quan sau cuộc tấn công vào Ukraine, Dubai (UAE) trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà tài phiệt nước này.

Trải dài Vịnh Ba Tư từ những bãi biển và tòa nhà chọc trời của Dubai là một quần đảo nhân tạo với hình dáng giống như một cây cọ bạt ngàn. Tọa lạc ở đó là khách sạn, căn hộ và biệt thự sang trọng.

Trong số những chủ nhân của chúng, có trên 20 thân tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin, gồm một cựu thống đốc và giám đốc nhà máy điện hạt nhân, một ông trùm ngành xây dựng và cựu thượng nghị sĩ, và một ông trùm thuốc lá Belarus, theo New York Times.

Ít nhất 38 doanh nhân hoặc quan chức có liên hệ với ông Putin sở hữu hàng chục bất động sản ở Dubai với tổng giá trị hơn 314 triệu USD, theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến. Sáu trong số những chủ sở hữu đó đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU).

Kể từ khi Nga tấn công Ukraine, phần lớn thế giới đã áp đặt biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với các tổ chức tài chính Nga và những người được cho là thân cận với ông Putin. Thậm chí các quốc gia với hệ thống ngân hàng bí mật nổi tiếng như Thụy Sĩ, Monaco và quần đảo Cayman cũng đã bắt đầu đóng băng tài khoản, tịch thu dinh thự và du thuyền của những người này.

Dubai - khu nghỉ dưỡng quốc tế và trung tâm tài chính của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) - đứng ngoài cuộc khi tiếp tục chào đón các nhà tài phiệt Nga. Dù là đối tác thân thiết của Washington trong các vấn đề an ninh Trung Đông, vùng đất giàu dầu mỏ này trong những năm gần đây cũng trở thành “sân chơi” phổ biến của giới thượng lưu Nga.

Sự “hiếu khách” của Dubai

Adam M. Smith, luật sư và cựu cố vấn của văn phòng Bộ Tài chính Mỹ, cho biết UAE đang áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga yếu nhất so với các nước và khu vực khác.

Người Nga ở Dubai nói rằng họ đánh giá cao sự hiếu khách. “Những người có hộ chiếu Nga hoặc tiền Nga bây giờ rất khó khăn. Không ai muốn tiếp nhận chúng tôi, ngoại trừ những nơi như Dubai. Không có vấn đề gì khi là người Nga ở Dubai”, một doanh nhân Nga giấu tên, nói.

 May bay rải khói theo màu cờ Nga nhân chuyến thăm của ông Putin tới Abu Dhabi, UAE, năm 2019. Ảnh: Reuters.

May bay rải khói theo màu cờ Nga nhân chuyến thăm của ông Putin tới Abu Dhabi, UAE, năm 2019. Ảnh: Reuters.

Một doanh nhân Arab cho thuê căn hộ cao cấp ở Dubai đã mô tả “nhu cầu đáng kinh ngạc” từ người Nga kể từ chiến dịch quân sự. Một gia đình thuê vô thời hạn căn hộ 3 phòng ngủ ven sông với giá 15.000 USD/tháng. Hơn 50 cá nhân hoặc gia đình khác đang tìm chỗ ở.

Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Nâng cao - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington chuyên thu thập dữ liệu về các cuộc xung đột toàn cầu - phát hiện các đồng minh của ông Putin sở hữu ít nhất 76 bất động sản ở Dubai, trực tiếp hoặc đứng tên một người thân. Tổ chức này nói rằng con số này thực tế có thể cao hơn.

Những người Nga bị châu Âu và Mỹ trừng phạt có tài sản ở Dubai được tổ chức trên nêu tên gồm: Aleksandr Borodai, một thành viên quốc hội Nga từng đứng đầu một tỉnh ly khai khỏi Ukraine vào năm 2014; Bekkhan Agaev, thành viên quốc hội có gia đình sở hữu một công ty xăng dầu; Aliaksey Aleksin, ông trùm thuốc lá Belarus. Một số ít các nhà tài phiệt trong danh sách sở hữu nhà trị giá hơn 25 triệu USD mỗi căn.

Hồ sơ hàng hải cho thấy trong những ngày gần đây, du thuyền của nhà tài phiệt Andrei Skoch, ông trùm ngành thép và là thành viên quốc hội Nga nằm trong danh sách bị trừng phạt của phương Tây, đã được thả neo ở ngoài khơi Dubai.

Máy bay phản lực thương mại Bombardier của tỷ phú Arkady Rotenberg đã hạ cánh xuống Dubai hôm 4/3. Phương tiện của ít nhất ba nhà tài phiệt khác đang cập cảng Dubai.

Con tàu dài 67 m của một ông trùm kim loại Nga dường như đang trên đường đến từ Seychelles. Chiếc Boeing 787 Dreamliner của Roman Abramovich, chủ sở hữu của đội bóng đá Chelsea, đã cất cánh hôm 4/3. Siêu du thuyền dài 140 m của một nhà tài phiệt khác - vừa được thêm vào danh sách bị trừng phạt hôm 2/3 - đã ra khơi cùng ngày.

 Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc gặp với Thái tử UAE Mohammed bin Zayed. Ảnh: TASS.

Tổng thống Vladimir Putin trong một cuộc gặp với Thái tử UAE Mohammed bin Zayed. Ảnh: TASS.

Căng thẳng với Mỹ lộ rõ

Lập trường của UAE đang làm bộc lộ căng thẳng giữa Mỹ và một số đồng minh Arab thân cận nhất của họ.

Khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine nổ ra, UAE, Saudi Arabia và Ai Cập ưu tiên quan hệ với Moscow. UAE và Saudi Arabia đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ về việc tăng nguồn cung dầu để xoa dịu thị trường năng lượng, trong khi Ai Cập bỏ qua những chỉ trích về cuộc tấn công Ukraine của Nga, đồng ý cho nước này vay 25 tỷ USD để tài trợ cho một nhà máy điện hạt nhân.

UAE đang giữ một ghế luân phiên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và đã bỏ phiếu trắng trước nghị quyết lên án chiến dịch quân sự của Nga nhắm vào Ukraine, đồng thời từ chối chỉ trích Moscow. Các quan chức của họ cũng nói rằng sẽ không thực thi các biện pháp trừng phạt Nga trừ khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết. Là một ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo An, Moscow có quyền phủ quyết chống lại điều đó.

Abdulkhaleq Abdulla, nhà phân tích chính trị thân cận với giới cầm quyền UAE, cho biết: “Nếu chúng tôi không vi phạm bất kỳ luật quốc tế nào, thì không ai nên đổ lỗi cho Dubai, UAE, hoặc mọi quốc gia nào khác vì cố gắng thu hút bất kỳ ai đến một cách hợp pháp. Tôi không hiểu vì sao phương Tây lại phàn nàn”, ông nói.

“(Washington) D.C. kỳ vọng Arab Saudi bây giờ phải nhảy vào cuộc và cô lập Nga như họ đang làm”, Ali Shihabi, một nhà phân tích chính trị Arab Saudi thân cận với hoàng gia, nói và giải thích rằng họ không thể “thiêu rụi” quan hệ với Nga chỉ để làm hài lòng Nhà Trắng.

“Chúng tôi có quan hệ với Mỹ, nhưng đó không phải là mối quan hệ rất thân cận, vì người Mỹ không đáng tin cậy”, ông nói.

 Ông Kirill Dmitriev (phải) giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, cùng giám đốc Quỹ đầu tư công của Arab Saudi và giám đốc điều hành của Mubadala, năm 2018. Ảnh: AP.

Ông Kirill Dmitriev (phải) giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, cùng giám đốc Quỹ đầu tư công của Arab Saudi và giám đốc điều hành của Mubadala, năm 2018. Ảnh: AP.

Những người khác lưu ý rằng mối quan hệ với Điện Kremlin đã mang lại cho các quốc gia Arab nhiều “đòn bẩy” hơn. Mustapha Al-Sayyid, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cairo, nói: “Sẽ rất hữu ích cho các quốc gia Arab nếu ở lập trường này (trung lập)”.

Nga đã bán vũ khí cho cả ba nước. Một số sĩ quan quân đội Arab Saudi đã bắt đầu được đào tạo ở Nga. Ai Cập và UAE đã hợp tác với Nga trong vài năm ở Libya, nơi cả ba đều ủng hộ một phe ở miền Đông Libya trong cuộc xung đột với chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận. Ai Cập cung cấp các căn cứ gần biên giới, trong khi UAE gửi máy bay chiến đấu và Nga triển khai lính đánh thuê.

Thái tử Mohammed bin Zayed của UAE đã đến thăm Moscow ít nhất 6 lần từ năm 2013 đến năm 2018. Khi ông Putin đến thăm thủ đô Abu Dhabi của UAE vào năm 2019, thành phố thắp sáng các địa danh trong màu cờ Nga và sơn lại xe cảnh sát của họ với các biểu ngữ tiếng Nga và chữ viết Cyrillic.

Cuộc nội chiến đang diễn ra ở Yemen - trong đó Arab Saudi và UAE ủng hộ các đảng phái đối lập với phe được Iran hậu thuẫn - cũng thể hiện phần nào mối quan hệ của các nước Arab với Nga.

Trong một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tuần trước, Nga bất ngờ ủng hộ một nghị quyết của UAE về việc xem các chiến binh do Iran hậu thuẫn ở Yemen là “khủng bố”.

Nga cũng đã sử dụng các mối quan hệ tài chính để kéo các nước Arab vùng Vịnh xích lại gần họ hơn, một phần thông qua Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga do nhà nước kiểm soát. Giám đốc điều hành của quỹ này, ông Kirill Dmitriev, tuần trước đã bị thêm vào danh sách trừng phạt của phương Tây.

Hồng Ngọc

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-den-cua-tai-phiet-nga-trong-cuoc-tron-chay-lenh-trung-phat-post1301499.html