Điểm danh BOT khó khăn kiến nghị dùng ngân sách mua lại

Những tồn tại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết dẫn đến một số dự án BOT giao thông lâm vào tình cảnh khó khăn, bế tắc.

Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án BOT đường bộ. (Trong ảnh là dự án hầm đường bộ qua đèo Cả được khởi công từ tháng 11/2012, với tổng mức đầu tư được điều chỉnh là 11.378 tỷ đồng, với tổng chiều dài toàn tuyến 13,19 km. Nguồn ảnh Zing).

Văn bản của VARSI gửi Thủ tướng đề cập đến 9 dự án BOT giao thông gặp khó khăn, bế tắc kéo dài gồm: Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, dự án quốc lộ 1 tránh TP Thanh Hóa, dự án BOT đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp quốc lộ 3, dự án BOT nâng cấp quốc lộ 91,… (Hình ảnh trạm thu phí được đặt phía bắc cửa hầm đèo Cả).

Dự án BOT mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738 + 148 đến km 1.763 + 610 (Đắk Lắk), dự án cầu Thái Hà vượt sông Hồng (Thái Bình), dự án BOT cầu Bình Lợi, dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. (Nguồn ảnh Zing).

Theo VARSI, thực tiễn triển khai các dự án đối tác công tư (PPP) thời gian qua vẫn còn những tồn tại kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết, khiến các nhà đầu tư một số dự án BOT giao thông lâm vào tình cảnh khó khăn, bế tắc. Do đó, VARSI kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết 3 vấn đề. (Trong ảnh là dự án đường tránh phía Tây thành phố Thanh Hóa có chiều dài hơn 6 km, tổng mức đầu tư 1.014 tỷ đồng, chiều rộng mỗi bên đường chỉ rộng hơn 1 làn xe. Ảnh báo Tiền Phong).

Đó là thành lập tổ chức do Bộ Giao thông Vận tải làm đầu mối nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết đối với từng dự án cụ thể, báo cáo kết quả cho Chính phủ chậm nhất vào ngày 30/12/2022. (Trong ảnh là BOT Thái Nguyên - Chợ Mới. Ảnh: Lao Động).

Kế đến, VARSI kiến nghị giao Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với UBND cấp tỉnh nơi có dự án BOT đi qua đánh giá các nguyên nhân dẫn đến các vướng mắc, bất cập của từng dự án. (QL91: Nguồn ảnh báo Sài Gòn Giải Phóng).

Đặc biệt, cần đánh giá kỹ các dự án đã có ý kiến của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến tổng mức đầu tư, phương án đặt trạm, phương án thu phí, hiệu quả đầu tư. Trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư PPP trong thời gian tới. (Trong ảnh là dự án BOT nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km 1.738 – km 1.763 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk: Nguồn ảnh: Nhà đầu tư).

Cuối cùng, VARSI kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành có liên quan xem xét, giải quyết dứt điểm các bất cập tại các dự án BOT gặp bất cập, vướng mắc do các cam kết của phía Nhà nước không được thực hiện hoặc không thể triển khai thu phí bởi người dân phản đối. (Trạm thu phí BOT cầu Thái Hà: Nguồn báo Đầu Tư).

Cụ thể, VARSI đề xuất phương án bố trí ngân sách nhà nước thay thế cho quyền thu phí hoàn vốn dự án, chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn, cơ cấu lại nợ của dự án và bố trí vốn ngân sách nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư dự án. (Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì hoàn thành tháng 10/2018 với tổng chi phí đầu tư 1.088 tỷ đồng. Ảnh: Nguyệt Minh).

Được biết, ngoại trừ dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, 8 dự án BOT còn lại đã được Bộ GTVT đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án để chấm dứt sớm hợp đồng BOT. (Trạm thu phí trên cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn. Ảnh: TTXVN).

Khánh Hoài (T/H)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/diem-danh-bot-kho-khan-kien-nghi-dung-ngan-sach-mua-lai-1774403.html