Điểm danh 5 vũ khí nguy hiểm nhất của Iran mà các đối thủ nên dè chừng

Các cuộc tấn công của Iran vào 3 nước láng giềng trong khu vực đã khiến các chuyên gia chú ý đến năng lực quân sự ngày càng tăng của Tehran. Điểm danh 5 vũ khí mạnh nhất của Iran mà các đối thủ của nước này nên dè chừng.

Lực lượng Hàng không Vũ trụ của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã phóng 4 tên lửa đạn đạo Kheibar-Shekan vào các mục tiêu khủng bố cách xa hơn 1.000 km ở Idlib, Syria hôm 16/1.

Kheibar-Shekan là một trong “các hệ thống tên lửa nhiên liệu rắn tiên tiến nhất của Iran”. Các nhà quan sát cho rằng, việc tấn công bằng loại tên lửa này có ý nghĩa chiến lược. Nếu Tehran có thể sử dụng vũ khí tấn công tầm xa để nhắm vào những kẻ khủng bố ở những địa điểm xa xôi, họ cũng có thể sử dụng những vũ khó tương tự để nhắm vào Israel – đối thủ của Iran trong khu vực, hoặc bất kỳ căn cứ quân sự nào của Mỹ ở Trung Đông trong trường hợp đối phương có hành động gây hấn.

Dưới đây là 5 vũ khí được đánh giá là uy lực nhất trong kho vũ khí của Iran.

Tên lửa siêu thanh Fattah-1

Theo đánh giá của Viện Washington, Iran đang tích cực nâng cấp tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, theo đuổi các công nghệ tiên tiến mà chỉ một số cường quốc quân sự hàng đầu sở hữu, chẳng hạn như động cơ phản lực ramjet và công nghệ siêu thanh.

Tên lửa Fattah được công bố vào tháng 6/2-23. Ảnh: AP

Tên lửa Fattah được công bố vào tháng 6/2-23. Ảnh: AP

Iran đã thực hiện bước đột phá đầu tiên trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh vào tháng 6/2023, khi trình làng tên lửa Fattah-1 với tầm bắn 1.400 km và có thể tăng tốc lên tới Mach 13-15. Tên lửa có thể cơ động khi bay, cùng với tốc độ cực nhanh cho phép nó né tránh tất cả các hệ thống phòng không hiện có và trong tương lai. Fattah-1 được trang bị động cơ nhiên liệu rắn hai tầng.

Chỉ vài tháng sau khi Fattah-1 được trình làng, Iran công bố một tên lửa hành trình có đầu đạn siêu thanh được gọi là Fattah-2. Hiện chưa rõ đặc tính của tên lửa mới và cũng chưa rõ liệu loại vũ khí mới này đã được thử nghiệm hay chưa.

Tên lửa hành trình Abu Mahdi

Được công bố vào tháng 8/2020, Abu Mahdi là tên lửa hành trình dài 6 mét, rộng 0,55 mét, nặng 1.650 kg với sải cánh 3,1 mét và đầu đạn nổ nặng 410 kg. Tên lửa được trang bị động cơ phản lực Toloue do Iran sản xuất và có khả năng bay ở tốc độ cận âm khoảng 900 km/h. Tên lửa hành trình Abu Mahdi có tầm bắn hơn 1.000 km - gần gấp 3 lần so với các thế hệ tên lửa hành trình của hải quân Iran. Tên lửa này có thể được dẫn đường bằng vệ tinh, dẫn đường dựa trên radar chủ động và thụ động.

Tên lửa hành trình Abu Mahdi được trưng bày tại Parchin, Iran. Ảnh: Wikipedia

Tên lửa hành trình Abu Mahdi được trưng bày tại Parchin, Iran. Ảnh: Wikipedia

Abu Mahdi có thể phóng từ mặt đất, từ tàu chiến hoặc máy bay quân sự. Điều này đưa Iran vào nhóm nhỏ gồm các quốc gia có khả năng sản xuất tên lửa hành trình chống hạm tầm xa. Không rõ Tổ chức Công nghiệp Hàng không Iran (IAIO) đã sản xuất bao nhiêu tên lửa Abu Mahdis kể từ khi vũ khí này được đưa vào sử dụng, nhưng nếu được triển khai với số lượng lớn, chúng có thể cung cấp cho quân đội Iran quyền kiểm soát toàn bộ vùng biển của Vịnh Ba Tư, Vịnh Oman và bao phủ gần như toàn bộ Biển Arab.

UAV Mohajer-10

Ngoài các tên lửa tiên tiến, Iran được biết đến với khả năng thiết kế máy bay không người lái, có thể phát triển và sản xuất tất cả các loại UAV có động cơ phản lực cánh quạt, UAV trinh sát, tấn công tầm xa, kamikaze và thậm chí cả UAV có thiết kế cánh liền thân.

Mới nhất trong số các UAV của Iran là Mohajer-10. UAV đa năng mới này được thiết kế cho các nhiệm vụ giám sát, tấn công tầm xa, tác chiến điện tử và chiếm ưu thế toàn diện.

Iran trình làng UAV Mohajer-10 vào tháng 4/2023. Nguồn: Geopolitics Live

Được đưa vào sử dụng vào mùa hè năm 2023, UAV tầm xa cỡ lớn Mohajer-10 có phạm vi hoạt động lên tới 2.000 km, thời gian hoạt động 24 giờ, trần bay 7 km và có thể đạt tốc độ lên tới 210 km/h. Mohajer-10 có tải trọng 300 kg, có thể tùy chỉnh để mang theo vũ khí hoặc thiết bị giám sát và tác chiến điện tử.

Mohajer-10 là biến thể mới nhất trong dòng UAV Mohajer có nguồn gốc từ những năm 1980 và Chiến tranh Iran-Iraq, khi quân đội Iran và IRGC lần đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của UAV trong chiến tranh hiện đại.

Hệ thống phòng không Sevom Khordad

Khả năng tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Iran sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng dễ dàng bị tiêu diệt trong cuộc tấn công đầu tiên và bất ngờ của kẻ thù. Đó là lý do tại sao Tehran tập trung vào cả radar tầm xa và tầm ngắn có khả năng phát hiện tên lửa, UAV và máy bay của đối phương, cũng như tên lửa phòng không và hệ thống tác chiến điện tử để bắn hạ chúng.

Đưa ra giả thuyết về tính hiệu quả của mạng lưới phòng không dày đặc và có tính tích hợp cao của Iran là điều dễ dàng, nhưng việc chứng minh khả năng của nước này trước sự xâm nhập của kẻ thù lại khó khăn hơn, đòi hỏi phải có những ví dụ thực tế.

Hệ thống phòng không Sevom Khordad tại một triển lãm quốc phòng của Iran năm 2019. Ảnh: Wikipedia

Hệ thống phòng không Sevom Khordad tại một triển lãm quốc phòng của Iran năm 2019. Ảnh: Wikipedia

Một trong những cơ hội để làm điều đó là ngày 20/6/2019, khi UAV do thám RQ-4A Global Hawk BAMS-D của Mỹ vô tình bay vào không phận Iran trên eo biển Hormuz. Iran đã phóng một tên lửa từ hệ thống phòng không Sevom Khordad để bắn hạ thiết bị quân sự trị giá 180 triệu USD của Mỹ.

Sevom Khordad được Iran chế tạo hoàn toàn, có các thiết bị điện tử phòng thủ hoàn toàn nội địa; tên lửa đất đối không nhiên liệu rắn, dẫn đường bằng radar Taer-2B cũng do Iran sản xuất.

Sevom Khordad được trang bị radar mảng pha chủ động băng tần X, radar giám sát mảng pha băng tần 3D S và máy tính nhắm mục tiêu có thể theo dõi đồng thời tới 100 mục tiêu ở phạm vi lên tới 350 km và tấn công 4 mục tiêu trong số đó. Tên lửa của hệ thống Sevom Khordad có tầm bắn lên tới 200 km và có thể leo lên độ cao lên tới 30 km.

Các khẩu đội Sevom Khordad có thể được kết nối với các hệ thống phòng không khu vực và quốc gia, đồng thời cũng có thể bắn tên lửa SAM Sayyad tầm ngắn 40-150 km trong các cuộc giao tranh chống lại máy bay và UAV.

Vụ bắn hạ Global Hawk vào tháng 6/2019 đã đưa Iran và Mỹ đến bờ vực chiến tranh. Chiếc UAV của Mỹ đã phớt lờ nhiều cảnh báo vô tuyến do lực lượng phòng không Iran gửi đi trước khi bị nhắm mục tiêu.

Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã bị các nhân vật bảo thủ trong chính quyền của ông gây áp lực phải đáp trả bằng các cuộc tấn công nhằm vào các địa điểm tên lửa của Iran. Ông Trump cuối cùng đã quyết định không thực hiện điều đó.

Tehran sau đó tiết lộ rằng họ đã liên lạc với Washington và nói rằng họ có thể dễ dàng bắn hạ một máy bay do thám Boeing P-8 Poseidon có người lái với gần 30 quân nhân trên máy bay cùng lúc bắn hạ chiếc Global Hawk, nhưng đã không làm như vậy để tránh leo thang.

IRGC nói rằng toàn bộ vụ việc đã gửi đến Washington một “thông điệp rõ ràng” rằng mặc dù Tehran không muốn xung đột với Mỹ nhưng họ luôn “sẵn sàng”.

Xe bọc thép Sayyad

Với quân đội thường trực khoảng 350.000 người và 150.000 quân tinh nhuệ của IRGC (cộng với 40.000 quân bán quân sự), Cộng hòa Hồi giáo Iran có một trong những lực lượng quân đội đang tại ngũ lớn nhất ở Trung Đông và có hơn 350.000 lính dự bị có thể huy động trong trường hợp khẩn cấp.

Một đội quân có quy mô lớn đòi hỏi phải có nhiều xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, súng cối, các loại vũ khí nhỏ và thiết bị bảo hộ. Tất cả những khí tài này Iran đã tìm cách sản xuất trong nước hoặc mua từ Nga và Trung Quốc với số lượng nhỏ hơn.

Một trong những khí tài nổi bật của lực lượng thiết giáp Iran nhưng lại ít được truyền thông chú ý đến là Sayyad, xe bọc thép bánh xích cỡ nhỏ, đa năng do Tổ chức Công nghiệp Quốc phòng (DLO) chế tạo.

Xe thiết giáp Sayyad. Ảnh: M-ATF

Xe thiết giáp Sayyad. Ảnh: M-ATF

Giống như các pháo hạm đi biển của Iran mà IRGC đã trang bị mọi thứ từ súng máy đến bệ phóng tên lửa, triết lý thiết kế đằng sau Sayyad dường như là tạo ra một phương tiện có khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt cho nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Xe bọc thép dài 4,9 mét, rộng 2,2 mét, cao 2,1 mét có thể được trang bị súng máy Moharram 12,7 mm, bệ phóng tên lửa chống tăng Toopan với tầm bắn 3,5 km và hoặc bệ phóng tên lửa 77 mm. Động cơ diesel 610 mã lực có thể chở tới 70 tấn hàng hóa với tốc độ lên tới 95 km/h trên đường cao tốc. Giống như hầu hết các loại xe thiết giáp khác do Iran sản xuất, Sayyads được thiết kế để hoạt động ở địa hình phức tạp, sa mạc và nhiệt độ cao, đồng thời có khả năng vượt chướng ngại vật dưới nước.

Sayyad được đưa vào sử dụng trong lực lượng vũ trang Iram từ năm 2010, với thiết kế dựa trên kinh nghiệm trong Chiến tranh Iran-Iraq. Iran ước tính có ít nhất 150 xe Sayyad và DLO vẫn đang tiếp tục sản xuất chúng.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo Sputnik

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/diem-danh-5-vu-khi-nguy-hiem-nhat-cua-iran-ma-cac-doi-thu-nen-de-chung-post1072463.vov