Điểm chuẩn học bạ cao chót vót, thí sinh cần làm gì để trúng tuyển?

Hiện nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn học bạ. Với mức điểm cao nhất đang là 30/30 điểm, thí sinh băn khoăn về việc làm thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển?

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có 20 phương thức tuyển sinh cùng tồn tại, tuy nhiên hai phương thức chính giúp các trường đại học tuyển nhiều chỉ tiêu nhất là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT.

Điểm chuẩn học bạ cao nhất 30 điểm

Trường ĐH Luật Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển trình độ đại học chính quy theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT (xét tuyển học bạ). Theo đó, điểm chuẩn trúng tuyển tất cả các ngành học của trường ĐH Luật Hà Nội đào tạo tại cơ sở chính Hà Nội năm 2024 đều từ mức 26,76 trở lên. Ngành học có điểm chuẩn cao nhất là Luật Kinh tế (đào tạo tại cơ sở Hà Nội). Riêng 2 tổ hợp xét tuyển A00 và A01 có điểm trúng tuyển cao nhất vào ngành học này, đạt tới mức 30 điểm.

Ngành Luật đào tạo tại phân hiệu Đắk Lắk có mức điểm chuẩn thấp nhất, dao động từ 22,51 đến 23,14 tùy từng tổ hợp. Những mức điểm này đã bao gồm điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Điểm chuẩn học bạ của Trường ĐH Luật Hà Nội năm 2024 như sau:

Lý giải về điểm chuẩn học bạ của trường năm nay lên đến 30 điểm, ông Phạm Hoài Điệp - Phó trưởng phòng Đào tạo đại học Trường ĐH Luật Hà Nội cho biết, năm 2024, đối với việc xét tuyển sớm theo phương thức xét kết quả học tập bậc THPT (xét học bạ), nhà trường cho phép các thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng với nhiều ngành, nhiều tổ hợp xét tuyển khác nhau. Do vậy, trường đã tạo điều kiện để các thí sinh có được nhiều cơ hội để được xét tuyển theo các phương thức xét tuyển này.

"Với việc triển khai sớm xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả học tập THPT và số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm tăng cao nên số thí sinh có kết quả học tập bậc THPT tốt, nhiều thí sinh có nhiều thành tích học tập cao đã đăng ký xét tuyển vào trường. Đây cũng là lý do khiến điểm xét tuyển của các ngành/các tổ hợp xét tuyển vào trường rất cao".

Trước đó, nhiều trường đại học cũng đã công bố điểm chuẩn học bạ THPT năm 2024 dao động từ 18-27 điểm như: Học viện Hàng không Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải...

Thí sinh cần làm gì để trúng tuyển đại học bằng xét học bạ?

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), khi thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển sớm (có điều kiện) vào các nguyện vọng xét tuyển sớm của các trường thì đây chưa phải là kết quả trúng tuyển chính thức. Kết quả xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. Kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, điều kiện tiên quyết để được xét tuyển học bạ đó là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.

Thí sinh sau khi đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm của các trường sẽ phải nhập nguyện vọng đã trúng tuyển sớm lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.

Bên cạnh đó, điều kiện xét tuyển học bạ của mỗi trường sẽ khác nhau, về cơ bản có các hình thức xét tuyển như sau: Xét học bạ dựa trên kết quả học tập năm lớp 12; Xét học bạ dựa trên điểm trung bình học tập của cả 3 năm học THPT của thí sinh; Xét học bạ dựa trên tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đại học; Xét học bạ dựa trên điểm trung bình cả 3 năm học THPT của từng môn trong tổ hợp xét tuyển đại học; Xét học bạ dựa trên 5 học kỳ THPT.

Bộ GD&ĐT lưu ý, các trường chỉ xét tuyển sớm với các phương thức không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT phải có phương án để không tuyển vượt số lượng chỉ tiêu đã dự kiến, chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT thông báo. Ngoài ra, các trường phải thông báo cho thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển để thí sinh có đủ thông tin và chủ động trong việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.

Đặc biệt, các trường không được yêu cầu hoặc thỏa thuận với thí sinh việc cam kết, xác nhận nhập học sớm dưới bất kỳ hình thức nào (nộp kinh phí giữ chỗ, thu giữ các hồ sơ…). Tất cả các thí sinh trúng tuyển sớm phải được cơ sở đào tạo thông báo kết quả xét tuyển và đưa lên hệ thống để thí sinh chủ động lựa chọn thứ tự nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Trước thắc mắc về thứ tự nguyện vọng xét tuyển sớm đặt càng cao có càng được ưu tiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học khẳng định mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển 1 nguyện vọng. Những vị trí còn lại sẽ dành cho thí sinh khác. Nếu thí sinh muốn nhập học trường nào đầu tiên thì đặt tên ngành và trường lên nguyện vọng số 1.

Năm 2024 sẽ có tất cả 20 phương thức xét tuyển đại học.

Năm 2024 sẽ có tất cả 20 phương thức xét tuyển đại học.

"Nếu thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm và đăng ký ngành và trường trúng tuyển sớm nguyện vọng 1 lên hệ thống của Bộ thì chắc chắn sẽ đỗ. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau. Nếu các ngành thí sinh thích không đủ điều kiện trúng tuyển thì hệ thống sẽ vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).

Thí sinh cần nhớ phải cập nhật lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT tất cả những dữ liệu có thể phục vụ việc xét tuyển như điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành".

Để hạn chế rủi ro trong xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhắc thí sinh phải có chiến thuật sắp xếp các nguyện vọng của mình. "Việc thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nên "đừng bỏ hết trứng vào một giỏ", không dồn tất cả các nguyện vọng vào các trường top đầu, ngành "hot" cạnh tranh cao".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/diem-chuan-hoc-ba-cao-chot-vot-thi-sinh-can-lam-gi-de-trung-tuyen-169240521093033457.htm