Điểm báo: Sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần - Tạo hành lang pháp lý rõ ràng

Sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần: Tạo hành lang pháp lý rõ ràng; Đề xuất tăng phí, giải cứu 49 dự án BOT thua lỗ: Nên hay không?; Đề xuất lùi thời hạn thu hồi chứng chỉ đối với đăng kiểm viên hưởng án treo; Làm gì để không lỡ nhịp cuộc đua thu hút FDI? … là những tin có trong điểm báo sáng 30/3.

SINH VIÊN LÀM THÊM KHÔNG QUÁ 20 GIỜ/TUẦN: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ RÕ RÀNG

Dự thảo quy định sinh viên chỉ được làm thêm không quá 20 giờ/tuần của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Thông tin đáng chú ý trên báo Giáo dục và Thời đại cuối tuần sáng nay.

Sinh viên làm thêm để rèn luyện kỹ năng mềm, tìm hiểu thị trường lao động, yêu cầu của môi trường làm việc với ngành mình học và để có kinh phí trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình... là nhu cầu chính đáng. Việc đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học là hợp lý. Người tuyển dụng hay sinh viên đi xin việc sẽ có trách nhiệm với quyết định của mình. Các chuyên gia nhận định khi luật được áp dụng thì cần có chế tài để kiểm soát, quản lý những đơn vị tuyển dụng người lao động làm bán thời gian là sinh viên. Nếu để tình trạng sinh viên làm việc quá tải như hiện nay thì dù có đề xuất quy định học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần thì vẫn khó khả thi.

ĐỀ XUẤT TĂNG PHÍ, GIẢI CỨU 49 DỰ ÁN BOT THUA LỖ: NÊN HAY KHÔNG?

Trên báo Tiền phong có bài viết, ngoài 8 dự án BOT (xây dựng – khai thác – chuyển giao) giao thông thua lỗ đã được Bộ GTVT đề xuất Nhà nước mua lại, qua phản ánh của nhà đầu tư Bộ GTVT vừa rà soát và phát hiện thêm đến 41 dự án BOT đang có doanh thu âm.

Để giải cứu, Bộ đang đưa ra phương án tăng phí và tiếp tục đề xuất Chính phủ “bơm vốn” vào các dự án. 4 dự án BOT đang có mức doanh thu dưới 30% được nêu tên gồm: Dự án xây đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp quốc lộ 3; Dự án quốc lộ 1 đoạn tránh Cai Lậy tỉnh Tiền Giang; Dự án cầu Thái Hà; Dự án quốc lộ 10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (Thái Bình). Nguyên nhân giảm doanh thu, không đạt phương án tài chính là: Tăng trưởng kinh tế mấy năm vừa qua thấp, ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhiều năm qua, các dự án BOT không được phép tăng phí theo lộ trình... Theo các chuyên gia, mục tiêu “xã hội hóa” đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT là giảm gánh nặng cho ngân sách, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Nay với các dự án có trạm thu phí đặt sai vị trí hoặc làm trên đường hiện hữu mà Nhà nước lại phải chi ngân sách ra mua lại liệu có đi ngược chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông theo hình thức BOT?

ĐỀ XUẤT LÙI THỜI HẠN THU HỒI CHỨNG CHỈ ĐỐI VỚI ĐĂNG KIỂM VIÊN HƯỞNG ÁN TREO

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép lựa chọn một số đăng kiểm viên đang bị xử lý kỷ luật để ký hợp đồng làm công tác chuyên môn tại các trung tâm đăng kiểm, cho tới khi tòa án đưa ra xét xử.

Cụ thể, nội dung này sẽ thực hiện từ ngày 1/1/2026 để cho phép các đăng kiểm viên hưởng án treo, không bị nghiêm cấm hành nghề tiếp tục làm việc, các trung tâm đăng kiểm được tiếp tục hoạt động phục vụ người dân cho đến hết ngày 31/12/2025.

Báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay, cả nước có 277/293 trung tâm đăng kiểm với 519/545 dây chuyền kiểm định đang hoạt động đủ đáp ứng nhu cầu kiểm định. Tuy nhiên, việc phân bổ mật độ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều, dẫn đến có nơi thiếu, nơi thừa. Tới đây, theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, khoảng 70 trung tâm đăng kiểm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động, sẽ gây ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương này nếu không chủ động có phương án tháo gỡ.

LÀM GÌ ĐỂ KHÔNG LỠ NHỊP CUỘC ĐUA THU HÚT FDI?

Để có thể đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về một nền công vụ minh bạch, trách nhiệm công bằng.

Theo báo Công Thương, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Theo các chuyên gia, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp. Đi kèm với đó, là nâng cao tiềm lực nội sinh để khu vực kinh tế FDI có tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, phương thức quản trị doanh nghiệp…; hoàn thành việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân trong nước… Trong thời gian tới cần có chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như chính sách về phân loại xanh, ưu đãi xanh, gói đầu tư xanh… xây dựng hệ sinh thái xanh, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho dự án xanh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-sinh-vien-lam-them-khong-qua-20-gio-tuan-tao-hanh-lang-phap-ly-ro-rang-216294.htm