Điểm báo: Giữa chiến sự, ông Zelensky sa thải toàn bộ lãnh đạo cơ quan tuyển quân địa phương

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm qua sa thải tất cả giám đốc trung tâm tuyển quân khu vực trên toàn quốc. Đây là một động thái nhằm thanh lọc hệ thống tuyển quân, sau loạt bê bối tham nhũng và hối lộ. Bên cạnh đó, đây cũng là một tín hiệu gửi tới các đồng minh phương Tây rằng Ukraine nghiêm túc trong việc trấn áp tham nhũng - vấn đề nhức nhối trong bộ máy chính quyền. Báo chí thế giới đã có 1 số bài viết về chủ đề này.

“Ukraine giải quyết tham nhũng để trở thành thành viên EU và vì một tương lai ổn định hơn” là tiêu đề của một bài phân tích được hãng euronews đăng tải. Tác giả khẳng đinh, điều mà Kiev muốn là tư cách thành viên EU và NATO. Điều này có nghĩa là Kiev cần giải quyết một trong những yêu cầu của Brussel, đó là chống tham nhũng. Bài viết cho hay, kể từ năm 2013, vị trí của Ukraine trong bảng xếp hạng chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế đã tăng lên. Điều này có được là do người dân Ukraine đã có “những thay đổi mang tính kiến tạo, theo chiều hướng tốt, và không khoan nhượng với tham nhũng”.

Một bài viết trên tờ The Guardian đã đề cập tới vấn đề chống tham nhũng tại Ukraine gắn với Hội nghị tái thiết Ukraine diễn ra vào tháng 6 vừa qua. Bài viết cho rằng, bất kỳ hội nghị tái thiết nào cũng đều có một cuộc thảo luận, với mức độ thẳng thắn khác nhau, về những điều kiện mà phương Tây đặt ra để giúp Ukraine trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhiều quan chức Ukraine còn chỉ ra rằng các cuộc xung đột thường có nguy cơ trở thành vỏ bọc cho những kẻ lợi dụng sự hỗn loạn để trục lợi. Do vậy, giới quan sát cho rằng cải cách chống tham nhũng không nên hoãn lại cho đến khi xung đột kết thúc, bởi “cuộc chiến này không chỉ về đất đai mà còn về các giá trị”.

Trang Visegrade Insight có bài viết với tiêu đề “Cuộc chiến chống tham nhũng của Ukraine cần có sự tiếp cận của các đồng minh”. Tác giả bài viết nhận định, cuộc chiến chống tham nhũng ở Ukraine là ưu tiên hàng đầu vì liên quan đến sự sống còn của đất nước trong thời kỳ xung đột. Tuy nhiên, bài viết cũng đặt ra câu hỏi rằng liệu hệ thống pháp luật của Ukraine có khả năng tiếp cận các quan chức tham nhũng và buộc họ phải chịu trách nhiệm hay không, khi mà những đối tượng này thường trốn ở nước ngoài để tránh thẩm vấn, sử dụng tiền và mối quan hệ để cản trở điều tra. Tác giả chỉ ra rằng, các đối tượng tham nhũng thường chọn châu Âu là nơi trú ẩn an toàn, một nơi để trốn tránh trách nhiệm. Do vậy, tương tự như trong cuộc xung đột, việc chống tham nhũng cũng đòi hỏi nỗ lực tập thể từ cộng đồng châu Âu, bởi nếu chỉ giải quyết vấn đề này trong phạm vi Ukraine sẽ không mang lại kết quả đáng kể. Bài viết cho rằng, điều quan trọng là bắt đầu một cuộc đối thoại giữa các quốc gia châu Âu liên quan đến việc thiết lập các chính sách và quy định có liên quan, thúc đẩy một môi trường không khoan dung đối với những nguồn tiền đáng ngờ và những người hưởng lợi. Bên cạnh đó, cần phải đưa ra cơ chế hiệu quả để ngăn các quan chức tham nhũng hưởng quyền miễn trừ ở nước ngoài.

Ngọc Anh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-giua-chien-su-ong-zelensky-sa-thai-toan-bo-lanh-dao-co-quan-tuyen-quan-dia-phuong-185992.htm