Điểm báo: Bệnh viện công lập khó khăn về cơ chế tài chính

Sắp 'hết cửa' khai thấp giá bán nhà đất trong giao dịch bất động sản; Nhức nhối nạn hàng giả, gian lận thương mại; Bộ công Thương: Áp giá hai thành phần có thể tiết kiệm tiền điện; Bệnh viện công lập khó khăn về cơ chế tài chính; ... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 21/1.

SẮP “HẾT CỬA” KHAI THẤP GIÁ BÁN NHÀ ĐẤT TRONG GIAO DỊCH BẤT ĐỘNG SẢN

Sắp “hết cửa” khai thấp giá bán nhà đất trong giao dịch bất động sản, tiêu đề bài viết đáng chú ý trên Thời báo Tài chính Việt Nam. Điều 159 Luật Đất đai (sửa đổi) nêu rõ, hằng năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 1/1 của năm tiếp theo. Với quy định này, hứa hẹn sẽ “dẹp nạn” khai giá thấp nhằm trốn thuế khi bán bất động sản, giúp tăng ngân sách hàng ngàn tỷ đồng từ thuế thu nhập chuyển nhượng bất động sản. Vấn nạn “khai giá thấp khi bán nhà đất” xuất phát từ khi áp dụng Luật thuế thu nhập cá nhân đối với người chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá bán bất động sản và giá bán thường căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng bất động sản (công chứng).

NHỨC NHỐI NẠN HÀNG GIẢ, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI

Cùng với xu thế hội nhập quốc tế và sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, nước ta đã trở thành điểm đến, là thị trường hấp dẫn cho nhiều thương hiệu, sản phẩm và hàng hóa trong và ngoài nước...

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Theo báo điện tử VOV, Trong năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 14.600 vụ việc vi phạm, với trị giá hàng hóa ước tính 11.520 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 166 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước là 474 tỷ đồng. Trước những ảnh hưởng bất lợi, các doanh nghiệp đều mong muốn các cơ quan chức năng tích cực vào cuộc, nâng cao công tác phối hợp giữa các đơn vị và với các doanh nghiệp để phát hiện, ngăn chặn. Đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái.

BỘ CÔNG THƯƠNG: ÁP GIÁ HAI THÀNH PHẦN CÓ THỂ TIẾT KIỆM TIỀN ĐIỆN

Theo Bộ Công Thương, giá bán điện hai thành phần, tức theo công suất và điện năng tiêu thụ, sẽ phản ánh đúng, đủ chi phí tới khách hàng và tiết kiệm tiền điện, thông tin đáng chú ý trên báo điện tử Vnxpress. Hiện, Việt Nam áp dụng giá điện một thành phần, tức tính theo lượng điện tiêu thụ trong tháng. Biểu giá này chỉ bù đắp chi phí biến đổi (tiền mua nhiên liệu, vật tư...) cho nhà máy phát điện. Đây cũng là bất cập tồn tại lâu nay trong cơ cấu biểu giá điện. Vì thế, Bộ Công Thương giao EVN nghiên cứu giá điện hai thành phần, gồm công suất và điện năng tiêu thụ. Thực tế, về nguyên lý, ngoài bù đắp chi phí biến đổi, giá hai thành phần sẽ bổ sung thêm khoản để bù chi phí cố định của đơn vị phát điện, như khấu hao, nhân công, sửa chữa...

BỆNH VIỆN CÔNG LẬP KHÓ KHĂN VỀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH

Chia sẻ thông tin về tình hình tài chính tự chủ khi thực hiện theo các quy định đã được ban hành trước đó, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM - cho rằng, giá áp dụng cho các bệnh nhân BHYT và bệnh nhân không có BHYT hiện đang ở mức rất thấp. bài viết trên báo Lao động. Dẫn chứng về sự chênh lệch giá giữa các loại bệnh viện: tiền công khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy là 42.000 đồng/lượt, trong khi ở bệnh viện tư nhân ở TPHCM lại là 200.000 đồng, cao gấp 4,75 lần. Đối với chi phí phẫu thuật nội soi, giá tại bệnh viện công chỉ hơn 3 triệu đồng, trong khi bệnh viện tư nhân đặt giá là 40 triệu đồng, cao gấp 11 lần. Cũng theo bài viết, Giá cả
hiện nay đang được đưa ra là cố định, không cập nhật kịp thời theo biến động giá nguyên liệu đầu vào. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý chi phí, đặc biệt khi giá thuốc và vật tư tăng cao.

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-benh-vien-cong-lap-kho-khan-ve-co-che-tai-chinh-207868.htm