Điểm báo 14/4: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống, doanh nghiệp cần thêm thời gian thích ứng

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống: Doanh nghiệp cần thêm thời gian thích ứng; Du lịch Việt Nam đã tới lúc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh; Quay cuồng giữa cơn sốt vàng: Nỗi lo vàng hóa nền kinh tế; Nhiều yếu tố 'đe dọa' lạm phát... là những nội dung có trong chương trình Điểm báo ngày 14/4.

TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT VỚI NGÀNH ĐỒ UỐNG: DOANH NGHIỆP CẦN THÊM THỜI GIAN THÍCH ỨNG

Lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành đồ uồng, ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp (DN) trong ngành phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Thông tin chi tiết đăng tải trên báo VOV.

Cụ thể, các doanh nghiệp kiến nghị chính sách ban hành cần kèm theo các giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn để thực hiện được tốt, hiệu quả giúp các chính sách pháp luật có thể đi vào cuộc sống. Do đó, Chính phủ nên xem xét lùi lộ trình sửa đổi Luật Thuế TTĐB ít nhất từ năm 2025 trở đi, để tạo điều kiện giúp các DN trong ngành phục hồi, ổn định và dần phát triển trở lại. Trước đây, phương pháp thuế tương đối là phù hợp với Việt Nam vì ưu điểm là tự động điều chỉnh theo lạm phát, giảm thiểu việc điều chỉnh thuế thường xuyên; thuận lợi cho việc thu và quản lý thuế.

Tuy nhiên, thuế tương đối không mang lại hiệu quả mong muốn trong việc giảm tiêu thụ sản phẩm, có thể hướng người tiêu dùng đến việc tiêu thụ các sản phẩm chất lượng thấp, bất hợp pháp. Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, cần áp dụng thuế tuyệt đối là tốt nhất. Nhưng với điều kiện của Việt Nam, chưa nên áp dụng, vì có thể gây khó khăn cho DN nội địa, theo đó cần một bước chuyển, đó là mô hình thuế hỗn hợp và mô hình này khả thi trong điều kiện hiện nay của Việt Nam

DU LỊCH VIỆT NAM ĐÃ TỚI LÚC PHẢI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH KINH DOANH

Xu thế du lịch tự túc, sự bùng nổ của du lịch trực tuyến trên nền tảng công nghệ đã khiến cho quy mô và cấu trúc thị trường du lịch thay đổi. Chuyển đổi mô hình kinh doanh đang là yêu cầu tất yếu và cấp thiết của du lịch Việt Nam.

Theo bài viết, doanh nghiệp và điểm đến cần phải có các hoạt động nghiên cứu thị trường, thu thập thông tin, dữ liệu khách hàng để từ đó xây dựng chân dung du khách. Cuối cùng, với các điểm đến địa phương thì đây là cơ hội tận dụng lợi thế bản địa của mình. Sự bùng nổ của khách tự túc được các quốc gia trong khu vực ưu tiên và ưu thích vì xu thế này sự ủng hộ phát triển du lịch bền vững.

Khách du lịch bền vững yêu cầu tính bản địa, tính nguyên bản trong sản phẩm du lịch của địa phương, quan tâm tới sự bảo vệ môi trường cảnh quan và bảo tồn văn hóa truyền thống...

QUAY CUỒNG GIỮA CƠN SỐT VÀNG: NỖI LO VÀNG HÓA NỀN KINH TẾ

Giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục mọi thời đại trong bối cảnh làn sóng mua vào diễn ra mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, quản lý thị trường vàng càng thêm thách thức trong bối cảnh vàng và tỷ giá cùng nóng và nỗi lo vàng hóa nền kinh tế có nguy cơ quay lại.

Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm, giá vàng thế giới tăng 16%, còn giá vàng nhẫn trong nước thậm chí tăng 25%. Giao dịch vàng đang tăng mạnh những ngày gần đây. Lãi suất tiết kiệm thấp, thị trường chứng khoán trồi sụt, bất động sản chưa phục hồi, trong khi vàng tăng phi mã khiến nhà đầu tư có tâm lý sốt ruột, sợ bị bỏ lỡ. Nguồn cung vàng trên thị trường hạn chế trong bối cảnh các cơ quan chức năng dồn dập kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng càng làm vàng trở nên “nóng” hơn. Tình trạng người dân đổ xô mua vàng đang làm dấy lên lo ngại vàng hóa nền kinh tế sẽ quay lại. Các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập khẩu vàng theo hạn ngạch nhất định, đồng thời khuyến khích xuất khẩu vàng trang sức để cân đối cung - cầu ngoại tệ.

NHIỀU YẾU TỐ “ĐE DỌA” LẠM PHÁT

Năm 2024, giới phân tích cho rằng, việc kiểm soát lạm phát không gặp áp lực quá lớn song vẫn cần cẩn trọng với nhiều yếu tố khó dự đoán.

Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên biến động của giá hàng hóa trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đôla Mỹ tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.

Những yếu tố “đe dọa” lạm phát còn đến từ việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục sẽ tác động làm tăng CPI. Hay như việc EVN có thể tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu, than đều đang ở mức cao; tăng lương cơ sở sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong gia đình tăng lên... cũng sẽ tác động làm tăng CPI.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/diem-bao-14-4-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-nganh-do-uong-doanh-nghiep-can-them-thoi-gian-thich-ung-218335.htm