Dịch COVID-19: Nghiên cứu phản ứng miễn dịch từ mũi tiêm tăng cường

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer BioNTech tại Privas, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

* Tìm kiếm cách thức mới để thay đổi vaccine chống các biến thể

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Đại học College London (UCLH), việc tiêm mũi thứ 3 đã tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh trong vòng 3 tháng.

Trong nghiên cứu mang tên COV-BOOST, các nhà khoa học thuộc UCLH đã tiến hành so sánh phản ứng miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm mũi tiêm thứ 3 bằng các loại vắc xin được Anh cấp phép sử dụng, ở người đã tiêm 2 mũi vắc xin ban đầu của AstraZeneca hoặc của Pfizer.

Kết quả nghiên cứu, được đăng tải trực tuyến trên tạp chí Journal of Infection, cho thấy hệ miễn dịch có phản ứng mạnh 84 ngày sau khi tiêm mũi vắc xin thứ 3 với 5 loại vắc xin được cấp phép sử dụng tại Anh gồm vắc xin của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Janssen và Novavax.

Ba trong số các vắc xin này (Pfizer, Moderna và AstraZeneca) đang được sử dụng trong chương trình tiêm vắc xin tăng cường ở Anh.

Trong số 2.883 người (tất cả đều từ 30 tuổi trở nên) tham gia nghiên cứu, 2.422 người không mắc COVID-19. Kết quả cho thấy ở những người đã tiêm 2 mũi vắc xin đầu tiên của AstraZeneca, Pfizer và Moderna, việc tiêm mũi vắc xin thứ ba đã tạo ra lượng kháng thể cao nhất, ức chế sự xâm nhập của protein gai vào ngày thứ 84 sau khi tiêm.

Ở những người đã tiêm 2 mũi cơ bản vắc xin của Pfizer, không có sự khác biệt đáng kể vào ngày thứ 84 nếu so với những người tiêm mũi vắc xin thứ ba của AstraZeneca hoặc Pfizer.

Còn những người được tiêm mũi thứ ba vắc xin của hãng Jansen sau 2 mũi tiêm ban đầu vắc xin của Pfizer, thì phản ứng kháng thể ức chế sự xâm nhập của protein gai thậm chí còn mạnh hơn vào ngày thứ 84 sau khi tiêm mũi thứ ba.

Theo các nhà khoa học, điều quan trọng là tỉ lệ phản ứng miễn dịch ở tế bào suy giảm dần sau mũi tiêm vắc xin thứ 3 tương tự như ở những người tiêm các mũi vắc xin kết hợp trong số các loại vắc xin trên. Giáo sư Vincenzo Libri, người đứng đầu nghiên cứu này cho biết, phát hiện trên là những thông tin rất quan trọng về loại vắc xin nào vẫn tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh vào thời gian 3 tháng sau mũi vắc xin thứ 3.

* Mặc dù vắc xin phòng COVID-19 ban đầu cung cấp "lá chắn" bảo vệ mạnh mẽ, đặc biệt là sau mũi tăng cường, các công ty dược phẩm đã bắt đầu thử nghiệm các phương pháp tiếp cận mới như kết hợp các loại vắc xin hoặc các loại vắc xin dạng xịt, dạng nhỏ giọt để có thể bắt kịp với những đột biến của virus corona.

Hiện hai hãng dược Moderna và Pfizer của Mỹ đang thử nghiệm vắc xin "2 trong 1" với kỳ vọng có thể tung ra thị trường vào mùa Thu này. Mỗi mũi vắc xin này sẽ kết hợp vắc xin gốc đã được kiểm chứng với phiên bản vắc xin chống biến thể Omicron.

Ngoài ra, Moderna mới đây thông báo đã nghiên cứu một mũi vắc xin tăng cường chống biến thể Beta cũng như virus corona gốc và mũi tăng cường này đã tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn chống lại một số biến thể của virus SARS-CoV-2 bao gồm cả Omicron. Moderna nhấn mạnh kết quả này là một dấu hiệu tốt cho việc bào chế và sản xuất các mũi vắc xin chống 2 biến thể trong tương lai.

Hồi tháng 3, BioNTech cho biết hãng này đã mở rộng một chương trình thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra để phát triển các loại vắc xin nhằm cải thiện "lá chắn" miễn dịch trước biến thể Omicron đang chiếm ưu thế.

Thật khó để một mũi tiêm vào cánh tay hình thành nhiều kháng thể chống lại virus bên trong mũi nơi virus corona ẩn náu. Tuy nhiên, vắc xin đường hô hấp (dạng xịt, dạng nhỏ giọt) có thể đưa ra một chiến lược mới để ngăn ngừa sự lây nhiễm vốn làm gián đoạn cuộc sống hằng ngày ngay cả người mắc bị các triệu chứng nhẹ.

Thực tế cho thấy vắc xin đường hô hấp phòng COVID-19 rất khó phát triển và không rõ thời điểm nào loại vắc xin này sẽ có mặt trên thị trường. Hiện một số loại vắc xin đường hô hấp đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng.

Công ty Bharat Biotech của Ấn Độ đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối một loại vắc xin đường hô hấp, sử dụng virus cảm lạnh ở tinh tinh để có được một bản sao vô hại của protein gai của virus corona đối với niêm mạc mũi.

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/274697/dich-covid-19--nghien-cuu-phan-ung-mien-dich-tu-mui-tiem-tang-cuong.html