Địa phương nào có các ngọn núi đặt tên theo Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ?

Năm ngọn núi đặc biệt tại đây được đặt tên theo 5 yếu tố của tự nhiên, bao gồm: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn.

1. Đây là địa phương nào?

Điện Biên
Thanh Hóa
Đà Nẵng
Lâm Đồng

Chính xác

Hiện tại, 5 ngọn núi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn thuộc phường Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Lê Quang Định, một công thần nhà Nguyễn từng ghi trong sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí: “Phía đông bến đò xã Hoàn Ký Đông có núi Ngũ Hành Sơn, năm tòa núi chia làm Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”.

2. Vị vua nhà Nguyễn nào đặt tên gọi chính thức cho các ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn?

Vua Gia Long
Vua Minh Mạng
Vua Thiệu Trị
Vua Tự Đức

Chính xác

Năm 1825, vua Minh Mạng lần đầu đến chơi núi Ngũ Hành Sơn. Đến năm 1837, vua chính thức đặt tên cho các ngọn núi trong vùng.

Sách Đại Nam dư địa chí ước biên chép: “Ngũ Hành Sơn ở huyện Diên Phước. Năm Minh Mạng thứ 18, vua có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía đông bắc là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía Tây Nam là Mộc Sơn, núi Dương Hỏa và núi Âm Hỏa. Hai ngọn núi phía Tây là Thổ Sơn, Kim Sơn, đồng thời cho khắc tên lên núi đá”.

3. Ngũ Hành Sơn còn được gọi với tên khác là gì?

Núi Bài Thơ
Núi Non Nước
Núi Sơn Trà
Núi Hồng Lĩnh

Chính xác

Tên gọi núi Non Nước xuất hiện rất nhiều trong thơ văn, ca dao Việt Nam.

"Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

Sấm rền Non Nước trời đà chuyển mưa".

Sau khi được vua Lê Thế Tông cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho vẽ Giáp Ngọ bình Nam đồ, chỉ đường đi từ Chiêm Thành tới đất Chân Lạp, trong đó có nhắc địa danh núi Non Nước.

Tác phẩm Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đạo Phủ soạn năm 1686, vẽ đường đi từ Thăng Long tới Chiêm Thành cũng có ghi địa danh “Non Nước Sơn tam đỉnh” bằng chữ Nôm.

4. Núi Ngũ Hành Sơn được tạo nên bởi loại đá nào?

Đá cẩm thạch
Đá hoa cương
Đá Granite
Đá vôi

Chính xác

Cuối thế kỷ XIX, Albert Sallet, một nhà nghiên cứu người Pháp đã dựa vào phân loại chất liệu đá để đặt tên cho núi Ngũ Hành Sơn. Theo đó, ngọn núi này có tên “Les montagnes de marbre” hay “Những ngọn núi đá cẩm thạch”.

Dưới chân núi Thủy Sơn cũng có các làng nghề thủ công chuyên điêu khắc đá. Tuổi của các làng nghề này có thể lên đến 400 năm. Sau khi có quy định về việc cấm khai thác đá trên núi Ngũ Hành Sơn nhằm bảo vệ danh lam thắng cảnh, nhân dân trong vùng đã mang đá từ những địa phương khác về để duy trì làng nghề.

5. Núi Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa vào năm nào?

1980
1990
2010
2020

Chính xác

Năm 1980, Ngũ Hành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc Gia.

Trong đó, Thủy Sơn hay Tam Thai là ngọn núi to, đẹp và thu hút nhiều khách tham quan nhất. Núi nằm trên bãi đất trống, rộng khoảng 15ha, cao 160m. Do núi có 3 đỉnh, giống 3 ngôi sao Tam Thai ở chòm sao Đại Hùng nên được nhân dân đặt tên như vậy.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dia-phuong-nao-co-cac-ngon-nui-dat-ten-theo-kim-moc-thuy-hoa-tho-2137544.html