Địa danh cồn Long Ẩn và địa danh Sân Tiên

Địa danh cồn Long Ẩn hiện nay thuộc xã An Thạnh 1; địa danh Sân Tiên thuộc ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam đều thuộc huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng).

Theo di cảo của học giả Trương Vĩnh Ký thì cách nay hơn 235 năm (tức 1786), địa danh cồn Long Ẩn có liên quan đến cuộc bôn tẩu ẩn náu của chúa Nguyễn Ánh (sau lên ngôi vua năm 1802 gọi là Gia Long) trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Sử cũ ghi lại rằng: Sau khi chạy ra đảo Côn Sơn (Côn Đảo) và Phú Quốc, Nguyễn Ánh cùng đường phải sang cầu viện quân Xiêm (Thái Lan), nhưng rồi quân Xiêm cũng đại bại trước sức mạnh “thần kỳ” của quân Tây Sơn trong trận đánh Rạch Gầm Xoài Mút (ngày 19-1-1785), Nguyễn Ánh phải tìm đường trốn chạy ở nhiều nơi trong vùng đất Nam Bộ.

Vào năm 1786, Nguyễn Ánh đến làng An Thạnh Nhất ẩn náu trong một thời gian ngắn. Khi đến nơi đây, cả đoàn người đều đói khát phải nhờ sự cưu mang giúp đỡ của những người nông dân nghèo khổ đang khai hoang đất đai để mưu sinh. Lúc bấy giờ, vào mùa hạn nước biển Đông xâm nhập vào tận Đại Ngãi, Kế Sách nên binh lính không có nước ngọt để nấu ăn và uống, sức lực ngày càng suy kiệt, chúa Nguyễn Ánh phải cầu khẩn trời phật cứu giúp. Và khi chúa Nguyễn Ánh chỉ thanh gươm của mình xuống một điểm tại ngã 3 con rạch nơi Chúa cùng quân lính trú quân, ẩn náu thì lập tức một vùng nước ngọt xuất hiện trong phạm vi nhỏ có bán kính vài mét. Trong lúc đói lòng, chúa Nguyễn Ánh hái trái bần ven sông để ăn và cảm thấy vị chua, ngọt, ngon của nó, đồng thời những cành bần đung đưa trên mặt nước tựa như nhành liễu nên chúa Nguyễn Ánh đặt tên cây bần là cây thủy liễu. Nhờ đó mà chúa Nguyễn Ánh cùng binh lính vượt qua cơn hoạn nạn, lập đồn trú quân, lập xưởng đúc tiền để mua lương thực, vũ khí đối phó nhà Tây Sơn. Từ sự kiện này nên người dân địa phương đã gọi nơi đây là rạch Trường Tiền và cồn Long Ẩn.

Trên đây có những yếu tố truyền thuyết về địa danh cồn Long Ẩn và Trường Tiền cách nay 235 năm. Hiện nay, hai địa danh này không còn dấu tích cụ thể, chỉ sót lại một nền đồn đóng quân có độ cao hơn 1m so với vùng đất chung quanh.

Địa danh Sân Tiên thuộc ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung. Các cụ cao niên đã từng sinh sống vùng đất này kể rằng: Xưa kia đây là vùng đất ven biển, trải qua thời gian dài trở thành vùng nguyên sinh ngập mặn có hệ sinh thái động, thực vật rất phong phú. Bốn mùa khí hậu mát mẻ, muôn loài chim cất tiếng hót vang cả vùng.

Theo truyền thuyết thì giữa vùng cây cối um tùm, rậm bóng ánh nắng mặt trời lại có một khoảnh đất hình tròn rộng khoảng một hecta với địa thế bằng phẳng, phủ dầy một lớp cát vàng mịn, ban ngày óng ánh dưới ánh sáng mặt trời, và mỗi đêm trăng rằm những nàng tiên đến đây cùng nhau múa hát, đùa giỡn thật vui vẻ. Đặc biệt là trong lòng vòng tròn này không có cây cỏ nào sinh sống và luôn sạch đẹp, nên người dân nơi đây gọi là “Sân Tiên”.

Trong những năm trước và sau ngày giải phóng, nơi có truyền thuyết về “Sân Tiên”, có nhiều người dân từ nơi khác đến “Sân Tiên” cầu xin, cúng bái, vì họ cho là “linh ứng”, từ đó phát sinh một số tệ nạn xã hội như: mê tín dị đoan, cầu số, cầu sức khỏe, cầu làm ăn, kinh doanh buôn bán may mắn, phát đạt, phát tài... làm cho tình hình an ninh thêm phức tạp, buộc chính quyền địa phương phải can thiệp bằng biện pháp hành chính, ngăn cấm không cho người dân đến “Sân Tiên”.

“Sân Tiên” bây giờ chỉ còn sót lại một số vật dụng như: bình cắm hoa, bình cắm nhang nằm lăn lóc trên mặt cỏ hoặc dưới những gốc cây giữa các rẫy mía của người dân. Được biết, chính quyền huyện Cù Lao Dung đã có quy hoạch nơi “Sân Tiên” thành địa điểm du lịch tâm linh, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng dân gian.

LÊ TRÚC VINH

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/dia-danh-con-long-an-va-dia-danh-san-tien-53814.html