Địa chỉ đỏ mang tên 915

'Từ khi được tôn tạo, nâng cấp (tháng 12-2018) đến nay, Khu Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đã đón 2.246 đoàn với gần 195.000 lượt nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ TNXP. Riêng năm 2020, Khu di tích đón 541 đoàn với gần 43.000 lượt nhân dân, du khách'. Bà Vũ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông T.P Thái Nguyên thông tin.

Nhân dân cùng du khách thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915. Ảnh: TL

Nhân dân cùng du khách thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915. Ảnh: TL

Tôi cúi đầu trước điện thờ anh linh các Anh hùng liệt sĩ TNXP, nghe tiếng chuông ru hồn ngân nga, vọng vào mênh mang của đất, trời Thái Nguyên một niềm hoài cảm. Vâng! Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng câu chuyện về đêm Noel bi tráng, hùng oanh của 60 TNXP của hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn năm nào vẫn vẹn nguyên dưới sắc cờ Tổ quốc. Từng đôi mắt các anh, các chị hiền khô, đọng lại tuổi đôi mươi và mãi ngời sáng niềm tin chân lý.

Tháng 6-1972, Đại đội TNXP 915 được thành lập, đóng quân tại xã Linh Sơn (huyện Đồng Hỷ, nay thuộc T.P Thái Nguyên). Đó cũng là những ngày máy bay Mỹ điên cuồng “rải” bom ở các tỉnh miền Bắc. Thái Nguyên là một trong những điểm bị đánh phá ác liệt. Ngay sau thành lập, cán bộ, đội viên của Đại đội đã bám sát nhiệm vụ, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt. Nhiều lần đơn vị bị máy bay địch đánh bom, có đồng chí hy sinh ngay trên công trường, nhiều đồng chí bị thương, nhưng cả khi vết thương chưa lành, các anh, các chị đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Rồi một ngày bất khuất đến. Hôm ấy, từ sáng sớm ngày 24/12/1972, hơn 60 cán bộ, đội viên của Đại đội được lệnh tập hợp, ăn sáng vội vã rồi hành quân từ Linh Sơn đến ga Lưu Xá (phường Gia Sàng) phối hợp cũng các đại đội, lực lượng khác làm nhiệm vụ bốc dỡ, giải tỏa hàng hóa. Bà Lương Thị Hội, cựu TNXP Đại đội 915 nhớ lại: Khi đến sân ga, chúng tôi thấy lương thực, thực phẩm, thuốc men xếp thành nhiều đống lớn cạnh đường ray, cả trên các toa tàu cũng còn rất nhiều hàng hóa. Lãnh đạo cấp trên động viên: Việc giải tỏa gần 20.000 tấn lương thực, hàng hóa quốc phòng tại khu vực sân ga đều trông cậy vào trách nhiệm của các đồng chí.

Khẩu hiệu“Tất cả vì miền Nam ruột thịt” hóa thành sức mạnh cho mỗi cán bộ, đội viên TNXP. Ai nấy hăng hái, hăm hở khênh, vác, chẳng ai kịp nghỉ tay hay bận tâm đến tiết lạnh trời Đông. Lúc bóng tối dần bao trùm xuống sân ga, các anh chị mới í ới gọi nhau nghỉ ngơi, ăn cơm, lấy sức tiếp tục làm nhiệm vụ… Để hình dung đầy đủ hơn về cái ngày không nên có ấy, tôi ngược đường lên tỉnh Bắc Kạn, về huyện Chợ Đồn, tìm gặp lại những chứng nhân lịch sử. Cụ thể hơn, đó là các đội viên TNXP Đại đội 915 trở về từ đống đổ nát do bom thù gây ra.

Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thiếu nhi tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915.

Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thiếu nhi tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915.

Ông Hoàng Văn Thắng, thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng thủ thỉ như nói một mình: Lúc chờ cơm, tôi nghe thấy có nữ thanh niên cất lên câu hát cọi, thấy nhớ nhà mà lòng nhẹ tênh. Giọng đằm lắm, nhưng… còi báo động rú lên, chúng tôi vội vã xuống hầm trú ẩn. Từng tiếng nổ lộng lên kinh hãi làm nhà đổ, hầm sập. Trận bom ấy cướp đi của tôi một con mắt; một nữ TNXP cùng Đại đội tôi yêu. Dịp 24-12 cũng chính là ngày giỗ của cô ấy.

Trong cái ngày định mệnh ấy, lúc cấp dưỡng gánh cơm ra công trường, hơn 60 con người đang làm việc ở khu vực ga đều chưa kịp ăn bữa tối nhưng đã hy sinh. Bà Liêu Thị Ly, thôn Bản Cưa, xã Phong Huân (Chợ Đồn) nói hồn nhiên: Bom nổ, gió thổi thành luồng, hất tung tôi lên cao. Tỉnh lại tôi thấy mình nằm trong Bệnh viện. Còn bà Bùi Thị Loan, thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn) kể: Sau trận bom ấy, tôi hoảng sợ, hai tháng sau mới được thủ trưởng đơn vị tìm thấy, đón về, đưa đi bệnh viện điều trị. Khi khỏi lại tiếp tục trở về làm nhiệm vụ của người TNXP…

Hồn nhiên, mộc mạc đến từng câu, nhưng nước mắt người nghe chúng tôi cứ ầng ậc, vón lại thành cục chặn ngang lồng ngực. Rồi mỗi lần vào thăm Khu di tích, chị Lê Thị Hồng, hướng dẫn viên nức nở: Các cô, các bác có biết không, đêm Noel năm 1972, khi ở nước Mỹ, người ta đang chúc tụng, dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất của cuộc sống thì ở sân ga Lưu Xá, đế quốc Mỹ đã ném xuống những quả bom hạng nặng, tiếng nổ váng óc, từng quầng lửa bùng lên, nhà sập, cây đổ, người chết. Nát tươm. Đây, cái nồi quân dụng nấu cơm được đồng đội gom xương thịt đồng chí mình, rồi chia ra cho các thi thể…

Chiếc nồi quân dụng là một trong hơn 200 hiện vật của Đại đội 915 đang được trưng bày tại Khu di tích. Đây chiếc bát ăn cơm bị văng vào giữa đổ nát bê tông; đây tấm chăn mỏng có mảnh vá; bộ tư trang sờn chỉ… của các anh, các chị là những di vật thiêng liêng chất chứa một niềm đau thương. Nhiều du khách bật khóc trong lúc đi tham quan khu trưng bày. Và lặng đi vì xúc cảm linh thiêng ùa về khi đứng trước di ảnh các anh, các chị. Vâng! Tôi lặng đi: Các anh, các chị đã làm nên một huyền thoại Việt Nam ngay giữa lòng Thành phố Thép - một huyền thoại oai hùng, bi tráng, muôn đời lưu vào sử xanh. Và nơi các anh, các chị ngã xuống từ lâu đã trở thành một Khu di tích lịch sử, một địa chỉ đỏ cách mạng mang tên 915.

Ông Hà Huy Lanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh Thái Nguyên kể: Hồi bấy giờ, tôi làm giáo viên của Đội 91 nên thường có dịp gặp anh Hà Văn Ly, người xã Mai Lạp, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn). Anh Ly là giáo viên dạy văn hóa cho cán bộ, đội viên Đại đội 915. Thầy Ly mê các tác phẩm: “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Nga Mikhail Aleksandrovich Sholokhov; “Thép đã tôi thế đấy” của Nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky; “Ruồi trâu” của nhà văn Ethel Lilian Voynich… Thầy thường nói với các đồng chí mình: “Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người” trong “Thép đã tôi thế đấy”. Qua câu chuyện, lý tưởng sống của người Cộng sản thấm đẫm vào tâm hồn người TNXP. Và mỗi ngày trên công trường, các anh, các chị đã nói với nhau: Không ai muốn phải hy sinh, nhưng Tổ quốc cần thì xin nguyện hiến dâng. “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất”…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng lý tưởng sống, chiến đấu và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc của các anh, các chị TNXP chưa một phút giây lạt màu, mà luôn thắm như sắc cờ Tổ quốc…

Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/chinh-tri/dia-chi-do-mang-ten-915-278862-97.html