'Địa chỉ đỏ' giáo dục truyền thống cách mạng

Không chỉ là minh chứng cho tội ác đầy man rợ của thực dân Pháp đối với nhân dân ta vào những năm 1947 - 1948, Bia căm thù tại di tích Bến đò Phú Mỹ tọa lạc tại xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang còn là 'địa chỉ đỏ' để giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng.

Ngày nay, trên mảnh đất Phú Mỹ anh hùng năm xưa, phát huy truyền thống yêu nước anh hùng, bất khuất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Mỹ không ngừng ra sức thi đua, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

CHỨNG NHÂN CỦA NGÀY HÔM QUA

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Phú Mỹ, Phú Mỹ trước đây là vùng đất rừng rậm, hoang vu và có nhiều thú dữ, đây là vùng đất có người Việt đến định cư khá sớm. Vào khoảng thế kỷ XVII, ông Tổ của các dòng họ người Việt ở các tỉnh miền Trung vào khu vực ngã ba Láng Cát, nơi tương đối cao, bằng phẳng, có nhiều con rạch giao nhau, thuận lợi cho giao thông thủy để định cư và khai hoang, lập nghiệp. Năm 1808, làng Phú Mỹ chính thức được thành lập gồm 3 ấp: Phú Hữu, Phú Thạnh, Phú Xuân, sau đó có thêm ấp Phú Nhuận thuộc tổng Hưng Yên, quận Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Vùng đất Phú Mỹ đã đi qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc, phát huy truyền thống yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bia căm thù tại Di tích Bến đò Phú Mỹ là địa điểm về nguồn của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.

Bia căm thù tại Di tích Bến đò Phú Mỹ là địa điểm về nguồn của đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, đặc biệt từ năm 1946, chúng bắt đầu thực hiện việc bình định, lập đồn bót khắp nơi. Từ năm 1947, thực dân Pháp quay về bình định vùng chiếm đóng, tuyển mộ thêm ngụy quân, củng cố hệ thống đồn bót và ra sức khủng bố, tàn sát nhân dân và những người yêu nước.

Tại xã Phú Mỹ, dưới “cái mác” đội lốt tôn giáo (phái Cao Đài Tây Ninh) và được sự trợ giúp đắc lực của thực dân Pháp, bọn phản động đã trắng trợn gom dân, lập căn cứ chống phá cách mạng. Tại bến đó Phú Mỹ, thực dân Pháp cho lập đồn để kiểm soát ghe thuyền ra vào Đồng Tháp Mười, vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Mỹ Tho. Tại khu vực này, bọn chúng điên cuồng giết hại đồng bào, chiến sĩ yêu nước của nhân dân ta, những người mà chúng tình nghi có quan hệ với lực lượng kháng chiến hoặc không chịu vào lính Cao Đài. Tại bến đò và ngã ba gần bến đò, bọn chúng dựng các giàn cây để treo thịt người mà bọn chúng đã giết, có trường hợp chúng đeo đá vào cổ người dân rồi xô xuống kinh gọi là đi “mò tôm”… Trong số những tên ác nhân này, nổi cộm nhất là tên giặc Pháp Taillet có biệt danh là “Tây Búa”. Trong những năm 1948-1949, đã có hàng chục cán bộ và đồng bào bị chúng giết hại.

Tội ác man rợ của chúng khiến nhân dân ta khi đó căm phẫn tột độ. Để trả thù cho đồng bào, chiến sĩ cách mạng, một số đồng chí công an đã được phái đến để trừ gian, diệt ác. Đến năm 1948, tên giặc Pháp “Tây búa” đã bị bắn chết, trả lại bình yên cho nhân dân, tình hình khu vực dần được ổn định, người dân chăm lo sản xuất, ủng hộ kháng chiến.

PHÚ MỸ NGÀY NAY ĐÃ ĐẸP GIÀU

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên cường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với cả nước, chính quyền, nhân dân xã Phú Mỹ đã anh dũng đi qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ xâm lược đầy ngoan cường, giành trọn vẹn thắng lợi. Sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, năm 1994, tại nơi thực dân Pháp đóng đồn ở bến đò Phú Mỹ, UBND tỉnh đã cho xây dựng “Bia căm thù” với 2 mảng phù điêu mô tả tội ác giết người man rợ của bọn thực dân Pháp và bọn phản động đội lốt tôn giáo đối với đồng bào, đồng chí xã Phú Mỹ. Di tích Bến đò Phú Mỹ được xem là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, yêu nước của nhân dân Phú Mỹ anh hùng, bất khuất trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ Đào Ngọc Lưu, hiện tại xã Phú Mỹ đang củng cố, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; đồng thời cố gắng phấn đấu dự kiến năm 2025 sẽ xây dựng Phú Mỹ trở thành đô thị loại V. Trong thời gian tới, xã nhà sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực và thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Xã đoàn xã Phú Mỹ Nguyễn Hữu Phước cho biết: “Những thế hệ đoàn viên, thanh niên xã Phú Mỹ mãi tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của cha ông ta đã không tiếc máu xương, đem lại nền độc lập cho dân tộc. Là thế hệ đi sau, được sống trong hòa bình, chúng tôi nguyện ra sức học tập, thi đua, rèn luyện, phát huy thật tốt truyền thống anh hùng, cách mạng góp phần xây dựng xã nhà ngày càng thêm giàu mạnh. Di tích bến đò Phú Mỹ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ mai sau. Vào các ngày lễ lớn, trong các buổi sinh hoạt Đoàn, chúng tôi đều lồng ghép, giới thiệu lịch sử về di tích, để từ đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho lực lượng đoàn viên”.

Phát huy những truyền thống bất khuất, anh dũng năm xưa, ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, nhân dân xã Phú Mỹ đã ra sức thi đua, sản xuất, lập nhiều thành tích đáng tự hào. Năm 2016, bằng tinh thần đoàn kết, chung tay góp sức, Phú Mỹ đã xây dựng thành công Xã nông thôn mới. Diện mạo kinh tế của xã nhà cũng có nhiều đổi mới. Với trên 70% kinh tế nông nghiệp là chính, xã Phú Mỹ đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 56 triệu đồng/năm, hộ nghèo trên địa bàn xã được kéo giảm chỉ còn khoảng 1,5%, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Không dừng lại ở đó, xã còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng môi trường an toàn, xanh - sạch - đẹp và thoáng mát. Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Ngoài ra, người dân xã Phú Mỹ cũng quan tâm tham gia bảo hiểm y tế. Cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn cũng được tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Dương, một người dân ở xã Phú Mỹ chia sẻ: “So với những năm mới thành lập, Phú Mỹ đã đổi thay rất nhiều, xã không còn các tuyến đường sình bùn, lầy lội, giao thông đã thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, buôn bán”.

Vùng đất Phú Mỹ năm xưa đang hồi sinh từng ngày. Hy vọng rằng, với truyền thống cách mạng, yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên trung của con người Phú Mỹ cùng với những chủ trương đúng đắn, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Mỹ sẽ gặt hái hơn nữa các thành tích, đưa xã nhà trở nên đẹp giàu đúng như tên gọi.

V.PHƯƠNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202306/bia-cam-thu-di-tich-ben-do-phu-my-dia-chi-do-giao-duc-truyen-thong-cach-mang-981862/