Địa chỉ đỏ ghi dấu biệt động Sài Gòn

Khiêm tốn nằm giữa các tòa cao tầng ở phố Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP. Hồ Chí Minh là căn nhà gỗ số 113A. Đây là căn nhà do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mua và dùng làm cơ liên lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Dù ít được biết đến so với căn hầm vũ khí nổi tiếng của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn ở số 287/70, đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 nhưng căn nhà này lại là nơi ghi dấu rõ nhất quá trình hoạt động ngầm của các chiến sỹ biệt động.

Địa chỉ liên lạc của biệt động Sài Gòn

Ông Trần Văn Lai, còn được biết đến với tên gọi Mai Hồng Quế, Năm Lai, U.Som (1920-2002) là cán bộ cấp Tiểu đoàn, C trưởng biệt động, thuộc Đơn vị 159 biệt động Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, sinh ra tại xã Vũ Đông (TP. Thái Bình). Nhiệm vụ được trên giao thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là hoạt động trong lòng địch, được Bộ chỉ huy Quân khu cài vào các cơ quan đầu não của địch như: Dinh Độc Lập (Phủ Đầu Rồng), cơ quan viện trợ U.S.O.M của Mỹ, Tòa Đại sứ Mỹ… Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng các cơ sở cách mạng, vận động quần chúng tham gia ủng hộ cách mạng; trinh sát các mục tiêu theo nghề nghiệp, báo cáo thường xuyên về Bộ chỉ huy Quân khu các tin tức, tài liệu, tình hình của địch...

Trong vỏ bọc là "nhà tư sản" Mai Hồng Quế - một nhà thầu chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập, ông được cấp giấy ra vào Dinh để làm việc; tự do đi lại trong thành phố nên đã thiết lập nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài, vẽ họa đồ Dinh Độc Lập; cung cấp bản đồ đường cống ngầm của Sài Gòn cho lực lượng cách mạng tham gia chiến dịch Mậu Thân 1968. Vào thời điểm đó, tổ chức yêu cầu cần một số địa điểm để ém quân, cất giữ vũ khí, xây dựng căn cứ mật dự bị cho Sở Chỉ huy Tết Mậu Thân 1968. Và, căn nhà 113A Đặng Dung là một trong số những địa điểm do ông Năm Lai mua, giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn (1920-2010) cùng bà Nguyễn Thị Sự (1924-2000) trông coi. Thời điểm đó, vợ chồng ông Đỗ Miễn đã sử dụng căn nhà này để bán cơm tấm, cà phê nhưng thực chất là nơi cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật... ra chiến khu.

Các kỷ vật của căn nhà được lưu giữ cẩn thận

Các kỷ vật của căn nhà được lưu giữ cẩn thận

Căn nhà này cứ thế tồn tại đến tận ngày giải phóng mà chưa từng bị phát hiện. Sau khi vợ chồng ông Đỗ Miễn, bà Nguyễn Thị Sự mất, căn nhà được bà Đỗ Thị Hạnh (tức má Hai Mão, nay đã gần 70 tuổi, là con lớn của ông Đỗ Miễn) trông coi.

Lịch sử không bị lãng quên

Đã 46 năm kể từ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và Sài Gòn xưa nay là TP. Hồ Chí Minh đã trở thành nơi náo nhiệt bậc nhất cả nước với những con phố sầm uất cùng các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát. Nhiều năm nay, nhịp sống năng động của TP. Hồ Chí Minh đã cuốn nhiều người theo dòng chảy của những nỗi lo cơm áo gạo tiền, để rồi họ cũng có thể sao nhãng, lãng quên những giá trị khác của cuộc sống.

Anh Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai kể về quá trình phục dựng căn nhà lại như cu

Anh Trần Vũ Bình - con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai kể về quá trình phục dựng căn nhà lại như cu

Để căn nhà số 113A Đặng Dung không bị lãng quên, anh Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai ngày qua ngày vẫn không nguôi trăn trở, đau đáu với trách nhiệm của mình là gợi nhắc cho cộng đồng về giá trị lịch sử của mảnh đất họ đang sống. Chính vì thế, đến năm 2005, sau khi được gia đình ông Đỗ Miễn nhượng lại căn nhà, anh Bình đã bắt tay phục dựng lại nguyên trạng cho địa điểm này. Tới nay, từ căn hầm bí mật trong chiếc tủ áo, hòm thư bí mật là sự mưu trí của người chủ quán năm xưa hay toàn bộ 400 hiện vật là đồ dùng trong gia đình ở đô thành vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước đều được giữ nguyên trạng tại căn nhà số 113A Đặng Dung. Và, mỗi hiện vật đó ít nhiều đều gắn với một câu chuyện nhỏ, đóng góp cho cách mạng, được giữ gìn và kể lại từ chính những người là con, là cháu, là thế hệ sau của các chiến sỹ Biệt động Sài Gòn.

 Căn nhà nhìn từ bên ngoài vẫn còn nguyên trạng như thời kỳ trước năm 1975

Căn nhà nhìn từ bên ngoài vẫn còn nguyên trạng như thời kỳ trước năm 1975

Anh Trần Vũ Bình chia sẻ, trước khi phục dựng căn nhà này, anh đã phục dựng đưa vào hoạt động Bảo tàng Biệt động Sài Gòn ở cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn cơ sở 1 (287/72 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3); Căn nhà di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia có hầm chứa vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn (287/70 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3)… Bởi tất cả những địa điểm này từng được ông Trần Văn Lai dùng làm cơ sở cách mạng từ năm 1968 và mùa xuân năm 1975. Vì thế anh Bình cho rằng, việc phục dựng được các địa chỉ đỏ về quá trình hoạt động của cha mình là tâm huyết cả đời ông để thế hệ sau có cơ hội biết đến những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của người chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa.

Năm 2020 vừa qua, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến Khối lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đã đưa các điểm mà anh Trần Vũ Bình phục dựng vào chùm tour "Theo dấu chân Biệt động Sài Gòn". Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, tham gia tour này du khách được đi trên những chiếc ôtô hoặc xe máy cổ của chính các chiến sĩ biệt động năm xưa sử dụng. Cụ thể, du khách sẽ ghé vào trạm giao liên (113A Đặng Dung) để thưởng thức cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi có hộp thư bí mật để cất giữ những tài liệu quan trọng và căn hầm nổi áp tường để cất giấu tiền, vàng, vật lực. Tiếp đó được ghé hầm vũ khí bí mật cùng một số địa điểm khác. Kể từ khi đưa vào khai thác tới nay, chùm tour này đã thu hút rất nhiều du khách TP. Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác tới tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Thùy Dương - Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dia-chi-do-ghi-dau-biet-dong-sai-gon-156090.html