'Đi tới, như lòng Bác ước mong'

“Trời đất khéo đặt/ Non sông vốn thiêng”. Ấy là lời của nhà thơ, danh nhân Lý Tử Tấn cách đây 600 năm về Xương Giang cũng là cả tỉnh Bắc Giang - vùng đất vốn nằm trong lộ Vũ Ninh của nhà nước Văn Lang cổ đại, thuộc lộ Bắc Giang thời Lý - Trần, năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh để rồi đến ngày 10/10/1895 tách ra với tên gọi Bắc Giang ngày nay.

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ dự hội nghị về cải cách ruộng đất tại xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa), tháng 2/1955. Ảnh tư liệu.

Bắc Giang là vùng đất án ngữ phên dậu từ phía Đông Bắc Bộ với kinh thành Thăng Long, thực sự là vùng đất địa - chính trị. Nơi đây có con đường huyết mạch lên phương Bắc, không những ghi dấu chân của bao người đi sứ, lên ải Bắc mà còn là dấu vết của quân dân đất Việt đánh bại kẻ thù xâm lăng từ vùng biên viễn tràn xuống. Đây cũng là nơi tụ cư của nhiều bà con tứ xứ đến. Ở thế kỷ XVII đã có câu: “Tiểu loạn cư Thăng Long, đại loạn cư Yên Thế”. Phải, loạn nhỏ cứ ở kinh đô nhưng loạn lớn tất lên vùng Yên Thế.

Quê hương chúng ta đúng là nơi “vũ công lừng lẫy”, đã có bao cuộc khởi nghĩa kiên cường chống giặc ngoại xâm từ thời Bà Trưng - Bà Triệu, là một trong những nơi có phong trào cách mạng sớm khi Đảng ta ra đời. Không có gì lạ khi tại Hiệp Hòa ngay từ năm 1943 cùng với một số xã ở phía Nam tỉnh Thái Nguyên đã được Đảng chọn làm an toàn khu dự bị (ATK2). Bắc Giang là nơi có nhiều cuộc nổi dậy giành chính quyền năm 1945 rất sớm ở cơ sở.

Nói đôi chút về vũ công lừng lẫy quê nhà để hiểu rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Bắc Giang là lẽ tất nhiên. Người đã 5 lần về Bắc Giang: Ngày 6/5/1946 thăm thị xã Phủ Lạng Thương (thành phố Bắc Giang ngày nay); 24/1/1955 thăm công trường khôi phục cầu sông Thương (thị xã Phủ Lạng Thương); tháng 2/1955 về xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) họp hội nghị cải cách ruộng đất; 6/4/1961 thăm đồng bào tỉnh ta và bà con xã Tân An (Yên Dũng) và ngày 17/10/1963 dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ I sau khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang là Hà Bắc. Đây cũng là lần cuối cùng Bác về Bắc Giang trước lúc Người ra đi mãi mãi.

Đã 60 năm rồi Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà không được đón Bác về thăm. Những lời căn dặn của Bác năm xưa vẫn nóng hổi, vang vọng đến ngày nay. Người khẳng định: “Tỉnh ta có vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị, quân sự. Đồng bào tỉnh ta lao động cần cù và có truyền thống anh dũng trong những năm cách mạng và kháng chiến”.

Giờ học Tin học của học sinh Trường Tiểu học Bích Sơn (Việt Yên). Ảnh: Danh Lam.

Bác dạy: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Đảng ta là một Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác Lê Nin. Tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân trên hết, cao hơn hết”; “Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau cũng phải đoàn kết, nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình…”.

Thấm nhuần những lời chỉ giáo ân cần, sâu sắc của Bác kính yêu, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Từ đống tro tàn đổ nát chiến tranh, người dân Bắc Giang đã cần cù, hăng hái xây dựng quê hương. Những điều tưởng như mơ ước đã trở thành sự thực.

Nhiều làng quê hôm nay như phố, thị tứ, thị trấn. Xuất hiện ngày càng nhiều những làng khoa học, làng thủ công nghiệp, làng khuyến học, làng văn hóa… Nông nghiệp thay đổi lớn lao không chỉ là năng suất, sản lượng cao mà là cách nghĩ, cách làm của nông dân từ đưa công nghệ khoa học tiên tiến vào ruộng đồng đến biến nông sản thành hàng hóa có mặt trên thị trường trong và ngoài nước.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Hana Micron VIina (KCN Vân Trung). Ảnh: Thế Đại.

Nhiều khu, cụm công nghiệp mọc lên từ đồng bằng đến vùng núi đã đóng góp chủ yếu vào sự phát triển kinh tế tỉnh. Trường học, trạm xá khang trang. Đường trải nhựa, bê tông đã tới các bản làng. Đã qua lâu rồi thời người dân chỉ dám mơ ước được ăn no mặc ấm mà bây giờ là phải ăn ngon mặc đẹp. Chất lượng sống ngày càng cao. Bắc Giang là một trong những tỉnh phát triển nhanh nhất trong khu vực trung du, miền núi phía Bắc và ở tốp đầu trên nhiều lĩnh vực KT-XH như cải cách hành chính, thu hút đầu tư nước ngoài…

Kể sao hết bao sự thay đổi kỳ diệu của quê hương. Người xưa nói, muốn biết thực tại người dân thế nào hãy đi vào chợ và hãy nhìn gương mặt họ. Quả đúng vậy. Ngày nay, hàng hóa phong phú, đầy ắp không phải chỉ có trong chợ mà còn trong các quán xá mọi nơi và chúng ta gặp những nụ cười, những gương mặt tươi vui rạng rỡ của bao người dân. Sự thực đó đã nói lên bao điều.

60 năm qua, những lời răn dạy, chỉ bảo của Bác đã dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà có những thành tựu to lớn và hạnh phúc ngập tràn hôm nay. Chắc chắn quê hương yêu dấu chúng ta sẽ lại vượt qua những khó khăn mới, thử thách mới để làm bằng được những điều Bác ước mong,

Nhưng không phải tất cả mọi việc đã làm trọn vẹn theo lời Bác. Cho đến hôm nay vẫn còn những người nghèo dù rất ít, vẫn còn bao thứ tồn tại trong sản xuất để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ đất canh tác. Xã hội vẫn còn bao điều tệ hại như tệ nạn xã hội, chủ nghĩa thực dụng, bất công, vô cảm, vẫn còn không ít cán bộ và người dân thoái hóa biến chất, nhạt nhòa lý tưởng cách mạng, cửa quyền, tham nhũng, xa dân, nói một đằng làm một nẻo…

60 năm qua, những lời răn dạy, chỉ bảo của Bác đã dẫn dắt Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà có những thành tựu to lớn và hạnh phúc ngập tràn hôm nay. Chắc chắn quê hương yêu dấu chúng ta sẽ lại vượt qua những khó khăn mới, thử thách mới để làm bằng được những điều Bác ước mong, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã bày tỏ:

“Đời sẽ tươi hơn, xây dựng mới

Đàng hoàng to đẹp, sáng trời Đông

Tuổi xanh vững bước lên phơi phới

Đi tới, như lòng Bác ước mong”.

Giáp Nhật Nguyệt

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/413610/di-toi-nhu-long-bac-uoc-mong-.html