Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - Biểu tượng của ý chí cách mạng kiên cường • Kỳ 4: Ghi dấu những chiến công

Bên cạnh những cuộc đấu tranh mưu trí với kẻ thù, Chi bộ nhà tù Sơn La đã tổ chức thành công cuộc vượt ngục lịch sử cho các tù nhân, nắm bắt thời cơ để lãnh đạo các phong trào cách mạng của nhân dân.

Cuộc vượt ngục lịch sử

Năm 1942, phong trào cách mạng trên cả nước đang đà lên cao, Trung ương Đảng rất cần đảng viên có kinh nghiệm lãnh đạo phong trào. Nắm bắt chủ trương của Trung ương Đảng, Chi bộ nhà tù Sơn La đã chuẩn bị đưa một số đồng chí vượt ngục về xuôi tiếp ứng phong trào. Qua 3 vòng tuyển chọn, Chi bộ nhất trí danh sách đoàn vượt ngục gồm 4 đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu và Trần Đăng Ninh. Địa hình Sơn La rất phức tạp nên cuộc vượt ngục cần có người dẫn đường là dân tộc Thái, biết thêm tiếng Mông càng tốt, khỏe mạnh, thạo địa hình Tây Bắc, được tin tưởng tuyệt đối... Và người được chọn là anh Lò Văn Giá, một thanh niên dân tộc Thái, sớm giác ngộ cách mạng.

Giáo dục truyền thống lịch sử cho chiến sĩ Trung đoàn 754.

Để cuộc vượt ngục thành công, Chi bộ đã chuẩn bị chu đáo những vật dụng cần thiết, mỗi người đều có tiền, tấm nilon vừa là chiếu, vừa làm áo mưa, dép cao su (thêm 1 bộ quai dự trữ), 1 gói muối ớt (gia vị chính trong bữa ăn có tác dụng chống rét), 1 con dao rừng và thuốc men; mua sẵn quần áo Thái, gạo, muối, diêm để cải trang thành người dân tộc đi buôn. Đặc biệt, đoàn vượt ngục còn có một tấm bản đồ quân sự tỉ mỉ để nghiên cứu trước đường đi, mỗi người còn có một thẻ căn cước của Pháp mang tên khác... Những hành trang vô cùng quý giá đó là do đồng chí Bế Nhật Huấn, người có cảm tình với cách mạng, Thư ký Tòa công sứ Pháp cung cấp.

Trong tài liệu ở Bảo tàng Sơn La ghi lại: Sáng ngày 3/8/1943, đoàn tù vượt ngục đã được Chi bộ bố trí tráo đổi với 4 tù nhân lao động tự giác, khi ra ngoài lao động đã trốn ra địa điểm hẹn với đồng chí Giá. Lịch trình đặt ra là 9 ngày đoàn phải về được Chợ Bờ - Hòa Bình. Chiều tối cùng ngày, tổ vượt ngục đã có mặt tại phố Tạ Chan bên bờ sông Đà, nhưng nước sông Đà dâng cao lại chảy xiết nên thay đổi kế hoạch đi về quốc lộ 41 (nay là quốc lộ 6). Gần đến được đường 41, tránh sự để ý của phản động địa phương, đoàn vượt ngục quyết định chia làm 2 tốp hẹn gặp nhau tại đèo Pu Luông trước khi vào Mộc Châu.

Tốp đầu có đồng chí Trân và đồng chí Hiểu thạo tiếng Thái, vẫn mặc quần áo Thái, đi trước cùng đồng chí Giá, tốp sau gồm đồng chí Bằng, sức khỏe không được tốt do bị ốm trước ngày vượt ngục nên có đồng chí Ninh trợ giúp, cả hai mặc quần áo người Kinh. Khi đến châu lỵ Yên Châu, lính canh thấy lạ mặt đã chặn lại khám xét, nhưng anh em trình được thẻ căn cước, trên danh nghĩa đi buôn trâu từ Yên Bái sang Mộc Châu và ứng phó linh hoạt nên không bị nghi ngờ.

Tốp đầu đã đi đến điểm hẹn, dừng chân tại một bản người Mèo ở chân đèo để đợi tốp sau. Nhưng phản động địa phương phát hiện lạ mặt và báo cho tên đội quản Mèo. Đúng lúc đó có công văn mật của công xứ Sơn La, do tên quản Mèo không biết chữ nên nhờ anh Giá đọc giúp. Anh Giá đọc to để ngầm báo cho 2 anh em trong đoàn để chuẩn bị đối phó. Các đồng chí bình tĩnh trả lời rất hợp lý trước sự căn vặn của tên quản Mèo. Hắn đối chiếu với công lệnh truy nã thấy không có gì khả nghi đã để cho anh em đi tiếp. Lịch trình trải qua 9 ngày giam gian khổ và nguy hiểm, anh em đã vượt được suối Rút - Hòa Bình an toàn.

Chiều ngày 13/8/1943, đoàn vượt ngục đã về đến Hà Đông nhanh chóng bắt liên lạc với Thành ủy Hà Nội và cơ quan liên lạc Trung ương Đảng. Anh Lò Văn Giá sau khi quay lại Sơn La bị thực dân Pháp bắt và bí mật thủ tiêu trong rừng. Năm 1994, anh Lò Văn Giá được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đoạn tỉnh lộ qua bản Cọ và trường học ở quê hương anh được mang tên Lò Văn Giá.

Gây dựng phong trào cách mạng

Bước sang năm 1945, nắm bắt cục diện chiến tranh thế giới II thay đổi, với sự nhạy bén chính trị của những người tù cộng sản, Chi bộ Nhà tù Sơn La tăng cường chuẩn bị lương thực, luyện tập quân sự, vận động bà con, binh lính, gây áp lực với cai ngục. Khi thực dân Pháp ở Sơn La thấy nguy cơ khó chống cự với phát xít Nhật, ngày 17/3, chúng di chuyển tù nhân sang Nghĩa Lộ. Trên đường đi, nghe tin tại trại giam Nghĩa Lộ, tù nhân đã phá căng, tự giải thoát, tên Giám ngục và binh lính đã bỏ chạy để cho đoàn tù hoàn toàn tự do. Ban lãnh đạo thông báo cho anh em vẫn giữ nguyên đội ngũ như lúc đầu để đi về Nghĩa Lộ, thành lập các nhóm tìm mọi cách bắt liên lạc với Xứ ủy và tổ chức Đảng ở các địa phương để hoạt động. Thuyết phục binh lính bỏ hàng ngũ địch theo cách mạng. Nhà tù Sơn La giải phóng đã cung cấp cho phong trào nhiều cốt cán có uy tín, góp phần cho thắng lợi cách mạng tháng Tám của toàn Đảng toàn quân toàn dân ta.

Còn ở Sơn La, nhờ có chủ trương đúng đắn, kịp thời của Chi bộ nhà tù Sơn La, sau một thời gian ngắn các tổ chức cách mạng đã được củng cố và phát triển rộng rãi ở nhiều vùng Sơn La. Nếu năm 1943 mới chỉ có hai tổ chức Thanh niên Thái cứu quốc tại Tỉnh lỵ và Mường La, thì đến cuối năm 1944, đầu năm 1945, đã phát triển thành 60 cơ sở cách mạng trong toàn tỉnh.

Cùng với sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng, những người dân yêu nước Sơn La đã khởi nghĩa vũ trang, vùng lên giành chính quyền trong toàn tỉnh và ngày 23/8/1945, quân ta tiến công bao vây đồi Khau Cả - trung tâm đầu não của chính quyền thực dân Pháp trước đây, đang có một đại đội quân Nhật và một đại đội lính bảo an vẫn chiếm đóng, buộc chúng đầu hàng. Ngày 26/8, Sơn La giành chính quyền về tay nhân dân.

(Còn nữa)

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/di-tich-quoc-gia-dac-biet-nha-tu-son-la---bieu-tuong-cua-y-chi-cach-mang-kien-cuong--ky-4-ghi-dau-nhung-chien-cong-46274