Di tích, di sản và các nhà máy cũ phải di dời

Cuối tháng 11, đầu tháng 12-2023, tháp nước Hàng Đậu là một trong những điểm tham quan thu hút đặc biệt đối với du khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội. Du khách nườm nượp xếp thành từng hàng dài, kiên nhẫn chờ đợi để được vào khám phá công trình đã có 129 năm tuổi, nằm im lìm, lạnh lẽo suốt nhiều năm, đến nay mới được mở cửa cho cộng đồng.

Những ai vào được tháp nước Hàng Đậu đều thấy thích thú vì công trình công nghiệp cũ được thổi hồn bởi những công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại rất cuốn hút. Chắc phải là những người yêu Hà Nội lắm mới phát hiện ra, có ý tưởng, rồi từ đó làm sống dậy những công trình như tháp nước Hàng Đậu.

 Đông đảo người dân tham quan trong ngày mở cửa Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: THÁI HƯNG/qdnd.vn

Đông đảo người dân tham quan trong ngày mở cửa Tháp nước Hàng Đậu. Ảnh: THÁI HƯNG/qdnd.vn

Câu chuyện thú vị về tháp nước Hàng Đậu cho thấy, dường như chúng ta đang bỏ phí nhiều không gian di tích, không gian di sản, không gian dành cho sáng tạo để thu hút khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội, cũng như đến các địa phương trên cả nước.

Tại Hà Nội, có hàng chục nhà máy, cơ sở công nghiệp cũ. Trong đó, nhiều cơ sở đã di dời toàn bộ, nhường lại phần đất để từ đó mọc lên một số khu đô thị mới. Điều này để lại sự tiếc nuối, bởi giá như trong những nhà máy đã bị dỡ bỏ, di dời ấy giữ lại được những công trình có giá trị di tích, văn hóa, lịch sử làm địa điểm tham quan, du lịch. Chúng ta đều thấy hiệu quả của việc giữ lại một phần Nhà tù Hỏa Lò để làm địa điểm tham quan, du lịch, giáo dục truyền thống.

Thời gian tới, 9 cơ sở phải di dời khỏi khu vực nội đô Hà Nội gồm: Nhà máy Bia Hà Nội, Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, Công ty Thuốc lá Thăng Long, Công ty In và Thương mại Thông tấn xã Việt Nam, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm; Tổng kho xăng dầu Đức Giang, Công ty In báo Nhân Dân, Công ty In báo Hà Nội Mới, Nhà xuất bản Nông nghiệp.

Trong đó, có những nhà máy đã có hơn 100 năm tuổi là dấu ấn của ngành công nghiệp nhẹ, gắn với sự phát triển Thủ đô. Ví dụ như Nhà máy Bia Hà Nội, tiền thân là Nhà máy Bia Hommel của chủ người Pháp có lịch sử từ năm 1890. Trước Cách mạng Tháng Tám, đây là cơ sở hoạt động, hội họp bí mật của Hội Công nhân cứu quốc. Đây là một trong những cơ sở công nghiệp đầu tiên của miền Bắc hoạt động trở lại giai đoạn sau năm 1954. Trong khuôn viên Nhà máy có rất nhiều công trình có giá trị lịch sử, giá trị di tích, di sản có thể trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn. Sẽ rất lãng phí nếu không biết cách gìn giữ và phát huy những công trình ấy.

Do đó, khi di dời các khu công nghiệp lâu năm cần phải có sự khảo sát, đánh giá thận trọng các công trình trong đó, để giữ lại những công trình có giá trị lịch sử, giá trị di tích, di sản. Nếu làm tốt, Hà Nội sẽ lại có thêm nhiều địa điểm tham quan, du lịch hấp dẫn, giúp du khách thêm hiểu về truyền thống, lịch sử và đời sống của người dân Thủ đô.

Di tích và những công trình có giá trị di sản chỉ phát huy giá trị khi chúng ta nhận ra nó, trân trọng nó, từ đó gìn giữ, bảo tồn.

HỒ QUANG PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/di-tich-di-san-va-cac-nha-may-cu-phai-di-doi-757729