Đi du lịch Bình Chánh để nghe những điều chưa kể

Tour 'Bình Chánh - những điều chưa kể' với những hành trình tour mới sẽ đưa du khách du lịch đến điểm đến văn hóa lịch sử và gắn liền với cuộc sống nông thôn của người dân địa phương.

Video: Đi du lịch Bình Chánh để nghe những điều chưa kể

Ngày 23-12, Sở Du lịch TP.HCM cùng phối hợp UBND huyện Bình Chánh, Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt tổ chức buổi khảo sát các điểm đến của hành trình tour “Bình Chánh - những điều chưa kể”.

Ông Trần Quang Duy, CEO Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt cho biết, đây là lần khảo sát tour thứ hai của chương trình tour “Bình Chánh – những điều chưa kể” với mong muốn phát triển điểm đến mới, thú vị ở huyện phục vụ du khách trong thời gian tới.

Điểm đến du lịch đầu tiên của đoàn khảo sát là khu truyền thống cách mạng cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 có tổng diện tích 12 ha tại xã Tân Nhựt.

Tour khảo sát lần thứ nhất giúp du khách tìm hiểu về các làng nghề truyền thống, văn hóa, lịch sử và các điểm đến mang yếu tố tôn giáo như tham quan Bát Bửu Phật Đài (Chùa Phật cô đơn) thì tour thứ hai còn gắn liền đời sống nông thôn của người dân địa phương.

Với hành trình tour lần này, đoàn tham quan khu truyền thống cách mạng cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, trại nuôi cá chép Koi, vườn trồng dưa lưới Huỳnh Long công nghệ cao, làng nhang Lê Minh Xuân, làng mai vàng Bình Lợi.

Khu nuôi cá Koi thuần Việt của trại cá cảnh Tấn Phong.

Mô hình nuôi cá Koi trong ao đất, giống cá ngoại nhập với bàn tay khéo léo của nông dân, cá Koi tại đây được thuần Việt, có nhiều đặc điểm và thương hiệu riêng.

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh tham quan mô hình trồng dưa Huỳnh Long và vườn dừa.

Loại dưa có nguồn gốc từ Malaysia, đây là mô hình trồng thủy canh trong các nhà màng.

Loại dưa lưới này giòn, ngọt rất được du khách ưa chuộng. Mỗi cây dưa chủ vườn chỉ cho đậu một trái để đảm bảo chất lượng.Theo hộ kinh doanh này đến những dịp tết dường như không có đủ dưa để cung cấp thị trường.

Ông Trương Phi Hùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Bình Chánh, cho biết thông qua chương trình khảo sát, huyện muốn nắm lại chất lượng dịch vụ các điểm đến, cơ sở hạ tầng. Qua đó, huyện có những đề xuất với TP để ngày càng hoàn thiện về hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, quy hoạch cầu tàu, bến bãi nhằm mục tiêu phát triển du lịch.

"Bên cạnh đó, chúng tôi muốn kết nối các điểm tham quan, kết nối đơn vị lữ hành lại với nhau để xúc tiến tour du lịch đến với người dân trong và ngoài huyện."- ông Hùng nói.

TP.HCM có 42 sản phẩm du lịch du lịch đặc trưng tại TP Thủ Đức và các quận, huyện nằm trong chương trình "Mỗi quận, huyện có ít nhất một sản phẩm đặc trưng".

Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân có tuổi đời gần 100 năm, nằm dọc theo các tuyến đường ở xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh.

Làng nghề làm nhang Lê Minh Xuân là một trong 100 điều thú vị, được TP.HCM công nhận.

Điểm đến tham quan cuối cùng của hành trình tour du lịch là làng Mai Vàng Bình Lợi - được xem là “thủ phủ hoa mai” của khu vực Đông Nam Bộ với tổng diện tích hơn 468 ha.

Theo UBND huyện Bình Chánh, huyện còn có rất nhiều tiềm năng để phát triển các tour du lịch về văn hóa, lịch sử, sinh thái... Huyện Bình Chánh sở hữu 20 tài nguyên có thể khai thác và phục vụ du khách trong đó tập trung nhiều loại hình: du lịch sinh thái, du lịch nông thôn và du lịch tâm linh, cùng với đó là du lịch đường thủy.

Đại diện Sở Du lịch TP.HCM cho biết, để các điểm đến đón khách du lịch hấp dẫn và đón khách du lịch một cách bài bản cần nhiều điều cần hoàn thiện. Điều đầu tiên có lẽ là hệ thống nhà vệ sinh, cơ sở vật chất, hạ tầng huyện. Sau những chuyến khảo sát, sở sẽ đánh giá, góp ý để tour thứ hai "Bình Chánh - những điều chưa kể" đưa vào hoạt động.

Nguồn PLO: https://plo.vn/di-du-lich-binh-chanh-de-nghe-nhung-dieu-chua-ke-post768353.html