Di dời Khu công nghiệp Biên Hòa 1: Tìm giải pháp việc làm cho người lao động

Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt đề án di dời Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 để chuyển đổi thành khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông Đồng Nai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc hàng loạt lao động tại các doanh nghiệp (DN) tại đây cũng cần được giải quyết việc làm.

Cần giải quyết việc làm cho 6.000 lao động

Cụ thể, hiện KCN Biên Hòa 1 hiện có 76 DN đang hoạt động với hơn 21.000 lao động. Trong đó, lao động làm trong DN FDI là trên 6.000 người và làm việc tại các DN trong nước hơn 15.000 người, độ tuổi của người lao động (NLĐ) chủ yếu từ 30 tuổi trở lên.

Nhiều DN cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc giải quyết việc làm cho NLĐ khi di dời KCN Biên Hòa 1.

Theo đại diện KCN Biên Hòa 1, hầu hết các DN tại đây đều đã có “thâm niên”, NLĐ cũng đã có nhiều năm làm việc nên đang có cuộc sống ổn định tại thành phố Biên Hòa. Do đó, khi DN di dời đến địa điểm mới, NLĐ không thể tiếp tục gắn bó vì đi lại không được thuận tiện. Trong trường hợp nghỉ việc, NLĐ rất khó tìm được việc làm mới do đã lớn tuổi. Đó là chưa nói đến việc trong trường hợp công nhân cũ nghỉ việc, DN phải chi một khoản tiền lương rất lớn để trả trợ cấp thôi việc đối với NLĐ. Đối với NLĐ tiếp tục làm việc, DN phải chi trả tiền lương ngừng việc trong thời gian di dời; đồng thời, khi đi vào hoạt động, để giữ chân NLĐ, các DN phải có thêm các khoản hỗ trợ nhà ở, đi lại mới có thể thu hút NLĐ tiếp tục làm việc. Từ những khó khăn trên, rất cần các chính sách để đảm bảo việc làm cho NLĐ và nguồn lực sản xuất cho DN khi chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1.

Tại Hội nghị gặp gỡ các DN hợp tác xã năm 2024, do UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức mới đây, đại diện Nhà máy Hóa chất Biên Hòa cho biết, thực hiện đề án di dời KCN Biên Hòa 1 để chuyển đổi thành khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông Đồng Nai, đơn vị gặp nhiều vướng mắc khi di dời khỏi nơi sản xuất hiện tại. Cụ thể, hàng trăm lao động đã làm việc, sinh sống ở thành phố Biên Hòa phải chuyển lên làm việc ở huyện Nhơn Trạch cách xa hàng chục cây số. “Nhiều người lao động đã lớn tuổi, có cuộc sống an cư ở thành phố Biên Hòa nên khó đi theo đến nơi mới. Nhưng nếu không đưa được lao động theo, công ty phải xây dựng bộ máy quản lý mới, tuyển và đào tạo lại nhân lực mất nhiều thời gian”, đại diện DN này cho biết thêm.

Tham mưu nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, việc di dời KCN Biên Hòa 1 cũng như các DN trong KCN này đã có nhiều kiến nghị, chủ yếu liên quan vấn đề các chính sách đi theo khi di dời. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án và giao các sở ngành liên quan xây dựng được khung chính sách và cơ chế đi theo như hỗ trợ NLĐ tại các nhà máy, chi phí liên quan hỗ trợ di dời, chính sách đào tạo lao động, hay những cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư với các DN nước ngoài phải đàm phán thương thảo để không xung đột về pháp luật… “Các chính sách cơ chế liên quan đi theo cần phải nghiên cứu, thậm chí xin ý kiến bộ, ngành Trung ương”, ông Hạ cho biết.

Cũng tại Hội nghị Gặp gỡ doanh nghiệp hợp tác xã trên địa bàn Đồng Nai, trong phần đối thoại, một số DN trong KCN Biên Hòa 1 cũng đã kiến nghị một số ý kiến liên quan đến việc giải quyết việc làm cho NLĐ. Tại đây, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan trả lời những thắc mắc, kiến nghị của DN.

Ngoài ra, để hỗ trợ NLĐ và DN khi KCN Biên Hòa 1 đi dời, UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan khác tham mưu UBND tỉnh các giải pháp liên quan chi phí hỗ trợ đời sống NLĐ và ổn định sản xuất, chi phí đào tạo nguồn nhân lực để trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét thông qua.

Được biết, KCN Biên Hòa 1 được hình thành từ năm 1963 với tên gọi Khu kỹ nghệ Biên Hòa. Sau năm 1975, đổi tên thành KCN Biên Hòa 1. Tháng 5/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phê duyệt dự án Cải tạo và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật KCN Biên Hòa 1, trong đó quy định KCN Biên Hòa 1 được tổ chức và hoạt động theo quy chế khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, lộ trình di dời các DN để thực hiện đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025.

Cụ thể, công tác di dời các doanh nghiệp tại đây sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trước tháng 12/2024, bao gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích khu 1 (hơn 75ha) nằm về phía Nam KCN Biên Hòa 1, tiếp giáp cầu An Hảo, đường Trần Quốc Toản, đường Lê Văn Duyệt, xa lộ Hà Nội và Khu Trung tâm hành chính - chính trị tỉnh. Giai đoạn 2, bao gồm các doanh nghiệp nằm trong phần diện tích còn lại sẽ hoàn thành trước tháng 12/2025.

Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành Khu đô thị thương mại dịch vụ Biên Hòa 1 có 2 dự án gồm: Dự án Khu vực trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh, quy mô diện tích khoảng 44ha và dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có diện tích hơn 286ha. Đối với dự án Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 có 2 công trình hiện hữu được đề xuất giữ lại gồm: tòa nhà Sonadezi diện tích khoảng 1,2ha và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 diện tích khoảng 2,2ha. Do đó, Khu đô thị dịch vụ Biên Hòa 1 sau khi giảm diện tích sẽ còn hơn 283ha.

Ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, việc di dời KCN Biên Hòa 1 cũng như các DN trong KCN này đã có nhiều kiến nghị, chủ yếu liên quan vấn đề các chính sách đi theo khi di dời. Hiện UBND tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đề án và giao các sở ngành liên quan xây dựng được khung chính sách và cơ chế đi theo như hỗ trợ NLĐ tại các nhà máy, chi phí liên quan hỗ trợ di dời, chính sách đào tạo lao động, hay những cam kết quốc tế về bảo hộ đầu tư với các DN nước ngoài phải đàm phán thương thảo để không xung đột về pháp luật…

Thành Đồng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/di-doi-khu-cong-nghiep-bien-hoa-1-tim-giai-phap-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-168789.html