Đi chợ thời QR code

Thay vì lỉnh kỉnh nhét tiền túi nọ ví kia, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại, việc thanh toán đã không còn gây khó khăn cho những người nội trợ, kể cả người già.

Phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt

Bà Trần Thị Thu Hiền, 74 tuổi (Hà Nội) cho biết 1 năm trở lại đây, bà gần như đi chợ không mang theo tiền. “Lúc đầu cũng bỡ ngỡ và lóng ngóng, nhưng rồi quen thì tiện lắm. Chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR code là thanh toán được tiền, dù chỉ món nhỏ như nắm hành, quả chanh. Thực sự quá tiện lợi, không phải cảnh lục hết túi nọ ví kia, đổ tung, rơi vãi cả đồ đạc và tiền bạc. Đã thế, cũng không phải ngại khi đi mua cá, mua thịt nhận lại tiền thừa mất vệ sinh nữa”, bà Hiền cho biết.

Thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi cho người tiêu dùng.

Thanh toán không dùng tiền mặt tiện lợi cho người tiêu dùng.

Cũng hầu như không có tiền mặt trong ví, chị Nguyễn Thương, một nhân viên văn phòng chia sẻ việc “nghiện” mua hàng online của mình. “Hầu như ngày nào tôi cũng có đơn hàng từ các trang web thương mại điện tử, từ quần áo thời trang cho đến các nhu yếu phẩm tôi đều có thể mua qua mạng, thanh toán qua mạng nên không dùng tiền mặt. Còn đi ăn sáng, trưa, hay café thì cũng chỉ cần chuyển khoản qua QR code là xong, rất tiện lợi và văn minh”, chị Thương hào hứng.

Thực vậy, nếu như trước đây cảnh rồng rắn xếp hàng trước các máy ATM để rút tiền mặt luôn diễn ra vào mỗi kỳ lĩnh lương hoặc dịp lễ, Tết, thì hiện nay, nhu cầu rút tiền đã giảm hẳn do nhiều người đã có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Điều này được phổ cập không chỉ ở thành phố, mà ngay cả vùng thôn quê. Bà Chu Thị Thơm, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) cho biết, năm 2023 là năm rất khó khăn về tăng trưởng tín dụng, thế nhưng, chi nhánh vẫn đạt được thành tích kinh doanh tốt trên toàn hệ thống do đã sớm chuyển hướng sang các dịch vụ khác. Một trong nhưng mũi nhọn của chi nhánh năm qua là phổ cập thói quen TTKDTM cho người dân. “Chúng tôi đến từng chợ dân sinh, từ chợ huyện tới chợ làng, giúp bà con hiểu và thực hiện TTKDTM qua QR code. Bây giờ, ngay cả đi chợ quê, chợ làng, bà con cũng đã ít sử dụng tiền mặt khi thanh toán”, bà Thơm cho biết.

Ông Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Na (NAPAS) cho biết năm 2023, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022. Riêng giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, đến nay tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS. Con số trên phản ánh rõ nét nhu cầu rút tiền mặt của người dân ngày càng giảm và được thay thế bởi các dịch vụ thanh toán tiện lợi hơn như chuyển tiền nhanh NAPAS 247, thanh toán quét mã QR. Trong khi đó, chia sẻ về các hình thức TTKDTM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, các sản phẩm thanh toán tiện ích như cà thẻ, quét mã QR, thanh toán một chạm bằng nhận diện khuôn mặt (Facepay)... vẫn gắn liền với tài khoản ngân hàng, người dân và doanh nghiệp vẫn mở tài khoản ngân hàng. Các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại mang lại tiện lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả người bán hàng và mua hàng. Sản phẩm thanh toán của ngân hàng và các trung gian thanh toán đa dạng còn góp phần vào thúc đẩy doanh số, doanh thu cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong những mùa cao điểm mua sắm như lễ, tết.

Cảnh giác các chiêu trò lừa đảo thanh toán

Tiện lợi là thế, tuy nhiên, cũng có những trường hợp việc không mang tiền mặt gây một vài rắc rối, đó là khi những điểm bán hàng nhỏ chưa cập nhật mã QR code, hoặc vì lý do điện thoai hết pin, mất song, hoặc hết dung lượng. Một số độc giả đã bức xúc chia sẻ việc trong giờ cao điểm, một cô gái đã loay hoay mất 5 phút vẫn không thanh toán được tiền đổ xăng qua điện thoại, khiến cho tất cả mọi người đằng sau phải xếp hàng chờ đợi vừa mất thời gian vừa ảnh hưởng tâm lý. Các chuyên gia nhận định để phát triển TTKDTM, cần 3 trụ cột quan trọng đó là khuôn khổ pháp lí, hạ tầng công nghệ, truyền thông giáo dục tài chính để tạo nền tảng. Nếu một trong 3 điều này không đảm bảo, thì sẽ khó có thể thúc đẩy quá trình TTKDTM. Chưa kể, việc TTKDTM đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để trục lợi. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có cảnh báo về tình trạng lừa đảo bằng mã QR được ghi nhận tăng mạnh trên thế giới và Việt Nam trong thời gian qua, với thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt tiền, tài sản, như lợi dụng việc quét mã QR bằng điện thoại, kẻ gian thực hiện các chiêu trò lừa đảo, dụ người dùng truy cập đường link độc hại. Đáng chú ý, bên cạnh tình trạng mã QR thanh toán tại các cửa hàng bị dán đè khiến tiền chuyển về tài khoản kẻ gian, còn có hiện tượng mã QR độc hại bị phát tán dễ dàng trong các bài viết, hình ảnh thông qua các ứng dụng nhắn tin, diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, đặc biệt là trong các màn phát sóng trực tiếp (livestream)... Một số ngân hàng đã phát cảnh báo tình trạng lừa đảo thẻ tín dụng thông qua mã QR như kẻ gian sau khi kết bạn qua mạng xã hội để trao đổi với nạn nhân sẽ gửi mã QR để người dùng quét. Mã này dẫn tới các website giả mạo ngân hàng, trong đó yêu cầu người dùng nhập thông tin họ tên, số căn cước công dân, tài khoản, mã bí mật hoặc OTP, từ đó, người dùng bị chiếm tài khoản.

Đối mặt với tình trạng lừa đảo bằng mã QR được ghi nhận có chiều hướng ngày càng gia tăng, Cục An toàn thông tin khuyến cáo cho người dùng thận trọng trước khi quét mã QR code, đặc biệt cảnh giác với các mã QR được dán hoặc chia sẻ ở những nơi công cộng hoặc gửi qua mạng xã hội, email; xác định và kiểm tra kỹ càng thông tin tài khoản người trao đổi mã QR. Đồng thời, xem xét kỹ nội dung trang web mà mã QR đưa tới; kiểm tra đường link xem có bắt đầu với https và có phải tên miền quen thuộc không. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân như tài khoản đăng nhập ngân hàng, tài khoản mạng xã hội; sử dụng trình quản lý mật khẩu, xác thực hai yếu tố và các phương thức bảo vệ khác cho tài khoản…

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/di-cho-thoi-qr-code-i721617/