Đi chợ tết

Trong không khí náo nức chuẩn bị cho tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có một thú vui mà có lẽ bất cứ ai cũng đều yêu thích: Đi chợ tết.

Chị em rộn ràng mua hoa chưng tết trong những ngày cuối năm tại chợ Phường 7 (TP Tuy Hòa). Ảnh: THÁI HÀ

Đặc sắc chợ quê

Cũng là nơi mua bán hàng hóa, nhưng chợ quê, đặc biệt là những phiên chợ cuối năm luôn có đặc trưng riêng, khác biệt với chợ nơi phố thị. Bởi ngoài mua sắm phục vụ nhu cầu ngày tết, chợ quê còn là nơi lưu giữ văn hóa truyền thống, là nơi mỗi người có thể cảm nhận rõ ràng không khí của mùa xuân mới, mùa lễ hội.

Khác với các buổi chợ ngày thường, đi chợ vào những ngày cuối năm có thể cảm nhận rõ ràng hồn cốt của đất và người vẫn được lưu giữ trong từng đổi thay của ngôi chợ. Để mỗi người có thể tìm về và cảm nhận sâu sắc hơn sự nhọc nhằn của những người dân quê chăm chút từng luống rau, từng giàn khổ qua, nuôi từng con gà, con vịt và mang tất cả bày ra ở phiên chợ cuối năm hay sự gắn bó với cộng đồng; những đặc sắc của phong tục địa phương; sự giao hòa của đất trời, vạn vật khi tết đến, xuân đang về trên khắp quê hương.

Còn nhớ ngày còn bé, tết nào tôi cũng dậy thật sớm, ra vườn soi đèn hái rau, dưa, đỗ và cắt hoa lay ơn cùng má. Hai má con sẽ gói ghém tất cả và đến chợ lúc trời còn tờ mờ sáng. Rồi má trải tấm ni lông ngồi ở hàng rau; còn tôi ôm hoa đi khắp chợ. Trong chợ, bao nhiêu là đứa bạn trong xóm cũng ôm hoa, cũng chào mời. Chúng tôi gặp nhau hỏi han đủ thứ chuyện. Vừa nói, vừa bán cho đến khi nào bán xong hết. Số tiền có được từ bán rau hoa mấy ngày tết, má sẽ mua ký thịt heo, vài chục bánh tráng, một ít bánh tết và mua cho tôi đôi dép mới. Tết cứ thế vỡ òa cùng niềm vui con trẻ.

Cho nên, về sau này, không hẳn mỗi lần đi chợ tết là để mua bán mà chí ít với tôi hay với bọn trẻ làng tôi ngày ấy, đến chợ là để được hòa trong không khí thân thuộc, náo nhiệt, mang đầy âm hưởng của mùa xuân. Kể cả khi xóm làng đổi thay, những người lớn tuổi không còn đủ sức trồng rau hoa, lứa trẻ lớn lên đi tứ xứ làm việc, cảnh trẻ con ôm hoa bán tết không còn nữa thì chợ tết quê là dịp chúng tôi tìm về một chút ký ức tuổi thơ của những ngày tết hãy còn nhiều háo hức.

Chị Lý Tú Quyên (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa) lấy chồng và cả gia đình nhỏ, gia đình lớn đều chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Dù vậy, năm nào, đại gia đình chị cũng về quê, trước là thăm mộ ông bà, sau nữa là sửa sang, quét dọn nhà cửa để ăn tết trong ngôi nhà cũ. Trong những ngày, dù tất bật với việc nhà, mỗi ngày chị Quyên đều tranh thủ đi chợ mấy bận. “Gần tết, chợ mới bán cả ngày còn bình thường chỉ buổi sáng. Ở chợ, cả người bán, người mua đều là người quen, cả năm tôi mới gặp một lần. Thậm chí có người cả chục năm mới gặp lại. Chúng tôi vừa mua bán, vừa hỏi thăm nhau, tiếng cười nói vui vẻ vang khắp chợ. Nên có năm nào đó con còn nhỏ, không về được tự nhiên thấy lòng trống trải”, chị Quyên chia sẻ.

Tôi không xa quê như nhiều bạn cùng lứa nên chợ quê không lạ lẫm. Dù vậy, tôi vẫn rất thích ra chợ vào những ngày này để được ngắm các anh chị, các em mưu sinh khắp nơi về quê ăn tết. Họ mang theo sự tươi mới, lạ lẫm và hơi thở của thành phố. Những đứa bé ở xa về cũng trắng trẻo và mập mạp. Chúng nói tiếng miền Nam, miền Bắc. Có đứa còn nói tiếng nước ngoài vì từ lúc sinh ra, lần đầu tiên chúng được đặt chân về quê. Thành ra, cái chợ quê nhỏ xíu trên một gò đất trống, đượm hương đồng gió nội bỗng được thổi một luồng sinh khí mới sống động. Tất cả làm nên những điều không thể gọi tên nhưng chứa chan tình cảm quê hương, tạo nên hồn cốt quê nhà bám rễ sâu trong tâm hồn mỗi người con xa xứ.

Rộn ràng chợ phố

Ngày nay, nhịp sống số đã giúp các bà nội trợ ở thành phố có thể đi chợ online bất kể ở đâu, làm gì. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh là những hàng hóa cần thiết đều được mang đến tận nhà. Tuy nhiên, tiện ích đó chỉ được ưa chuộng trong cuộc sống đời thường. Chợ tết với những nếp sinh hoạt truyền thống vẫn có sức hấp dẫn kỳ lạ.

Ở thành thị, chợ tết vẫn là những mặt hàng phục vụ tết như: Thực phẩm, đồ uống, nông sản và đồ trang trí tràn ngập màu sắc... Có điều, chợ ở phố mặt hàng tết phong phú, cao cấp; không gian chợ hiện đại hơn. Bên cạnh phục vụ nhu yếu phẩm, quà tặng, đồ trang trí, chợ tết ở thành thị còn có thêm nhiều hoạt động văn hóa, khu trò chơi cho trẻ con, khu chợ hoa mỗi năm chỉ có một lần được người dân từ các huyện đổ về thưởng hoa, mua sắm. Tất cả cộng hưởng thành một bức tranh xuân đầy màu sắc.

Phố còn có những khu chợ mở xuyên đêm, vui tươi, nhộn nhịp và có phần độc đáo. “Chợ tết mỗi năm chỉ có một lần và lần nào tôi cũng háo hức chờ đón. Dù ở nhà đã mua sắm đầy đủ nhưng tôi vẫn thích lang thang ở các chợ lớn hay chợ hoa xuân để xem bà con đi chợ. Người khắp nơi đổ về các chợ đêm tham quan, mua sắm, chụp ảnh làm cho không khí náo nhiệt, sầm uất”, chị Hồ Thị Thanh (TP Tuy Hòa) chia sẻ.

Dù ở phố hay ở quê, sau tất cả những rộn ràng, những phiên chợ tết sẽ kết thúc vào trước giờ ngọ đêm giao thừa. Để rồi sáng mùng 1 đầu năm, dường như tất cả những lo toan thường nhật, suy tính mưu sinh đã tạm lắng, chỉ còn lại phố thị, làng quê bình yên. Người người, nhà nhà sẽ quay về quây quần bên gia đình, trong không gian riêng bên mâm cơm đoàn viên, để kết nối tình thân và chuẩn bị tâm thế cho những dự định, kế hoạch mới, hướng đến một năm mới tốt đẹp hơn.

“Đất thì lầy lội, người thì đông, chen chúc xô đẩy ồn ào, mình mệt đứt hơi mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo, lắm lúc muốn thở hắt ra đi về. Nhưng nghĩ thế mà thôi, chứ chợ tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem... chợ tết”.

“Thương nhớ mười hai” - Vũ Bằng

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/313018/di-cho-tet.html