Đi bộ qua đường trái luật sẽ bị xử phạt

Việc người đi bộ qua đường tùy tiện không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân mà còn ảnh hưởng đến những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Nhiều người đi bộ mạo hiểm băng qua đường tại các điểm không dành cho người đi bộ, nơi phương tiện di chuyển tốc độ cao, chỉ để tránh việc đi xa, hay chờ đợi lâu. Chi phí xây dụng các đường hầm, cầu vượt bộ hành lên đến cả chục tỉ đồng, nhưng vắng bóng người đi, trong khi người đi bộ vi phạm luật giao thông có xu hướng tăng cao.

Các đường hầm, cầu vượt bộ hành vắng bóng người đi.

Các đường hầm, cầu vượt bộ hành vắng bóng người đi.

Theo quy định tại Điều 9, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt 80.000 đồng, nhưng nhiều người vi phạm luật giao thông tỏ ra bất ngờ khi bị lực lượng chức năng xử lý.

Có nhiều lời bào chữa khi bị xử phạt. “Bất ngờ luôn! Tại vì không biết là như nào. Mọi khi mình đi trên cầu, nhưng nay vội vàng nên phải chạy qua đường thôi”, anh Trần Mạnh Hùng (quận Đống Đa, Hà Nội) biện bạch.

Nhiều người mạo hiểm cả tính mạng khi băng qua đường tại các điểm không dành cho người đi bộ.

Nhiều người mạo hiểm cả tính mạng khi băng qua đường tại các điểm không dành cho người đi bộ.

Nguyễn Tùng Dương (quận Cầu Giấy) giải thích: “thật ra thì em đi như vậy cũng một phần là vì tiện. Bọn em canh những cái lúc mà vắng, thì bọn em qua. Qua đường bằng kinh nghiệm là chính ạ”. Ngỡ là nhanh, nhưng để đợi mật độ xe vãn, thời gian cũng chẳng ngắn đi được mấy.

Tuy nhiên, có một thực tế là người đi bộ thiếu điểm sang đường an toàn. Nhiều cầu bộ hành sau thời gian đưa vào khai thác đã bị chiếm dụng, trở thành chỗ tụ tập bán hàng bất chấp biển cấm. Có hầm đi bộ đã khóa từ lâu, bởi xung quanh không có người dân sinh sống. Còn tại khu vực Vành đai 2 Vĩnh Tuy, Ngã Tư Sở, nơi tập trung đông dân cư bậc nhất Thủ đô, lại chẳng có nổi một cầu bộ hành, 10 làn xe di chuyển với tốc độ cao, do đó việc sang đường trở nên hết sức mạo hiểm.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nêu ý kiến: “đầu tiên chúng ta phải rà soát lại xem là cái quy hoạch mạng lưới giao thông và hệ thống cầu vượt cùng cái hầm đấy đã logic, đã khoa học chưa? Thứ hai, nếu chúng ta làm hệ thống xử phạt nghiêm minh trong một thời gian nhất định, thì sẽ hình thành ý thức giao thông”.

Theo các chuyên gia, cùng với các chế tài xử phạt người vi phạm thì việc thiết lập các không gian dành cho người đi bộ cần được đầu tư. Hệ thống hầm, cầu bộ hành đảm bảo an toàn cho người đi bộ, nhưng chỉ khi chúng được xây dựng ở những nơi hợp lý, thuận tiện..

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/di-bo-qua-duong-trai-luat-se-bi-xu-phat-237453.htm