ĐHĐCĐ PTI: Bất ngờ với kế hoạch lợi nhuận sụt giảm, muốn tăng vốn lên gấp 3 lần

Ngày 24/4, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường 2024, một trong những nội dung quan trọng tại đại hội lần này của PTI là tờ trình phương án tăng vốn trong năm 2024.

Cụ thể, PTI muốn chào bán 80,396 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1. Thời gian thực hiện trong năm 2024, sau khi nhận được sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.

Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI)

Đồng thời, PTI cũng muốn phát hành thêm để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu. Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty đề xuất 2 phương án. Trong đó, PTI dự kiến phát hành 80,396 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 1:1) hoặc 40,198 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2:1).

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ chào bán gần 80,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành 80,4 triệu cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch HĐQT Phạm Minh Hương, PTI có năng lực về vốn ở mức thấp so với thị trường. Hiện, doanh nghiệp đang đứng thứ 4 về doanh thu nhưng chỉ đang xếp vị trí thứ 9 về quy mô vốn điều lệ so với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ khác. Với quy mô Vốn điều lệ nhỏ, PTI khó có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn do không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư về mức vốn điều lệ tối thiểu.

Bên cạnh đó, quy mô vốn nhỏ cũng dẫn đến việc hạn chế khả năng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Chính vì vậy, tăng vốn điều lệ giúp tăng cường năng lực tài chính, giúp PTI có cơ hội tham gia các hợp đồng bảo hiểm lớn, đặc biệt là trong đấu thầu bảo hiểm. Vốn điều lệ thấp cũng làm ảnh hưởng đến khả năng giữ lại. Khi tăng vốn điều lệ, đặc biệt là có thêm thặng dư vốn, vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên cho phép PTI tăng mức giữ lại đối với các hợp đồng/nghiệp vụ bảo hiểm có hiệu quả, giúp gia tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, PTI có biên khả năng thanh toán theo quy định của Bộ Tài chính năm 2023 là 190%, đảm bảo mức yêu cầu theo quy định. Tuy nhiên, biên khả năng thanh toán của PTI vẫn thấp hơn một số đối thủ cạnh tranh như BIC (241%) và Pjico (208%).

Trong những năm vừa qua, HĐQT PTI thường trình cổ đông các kế hoạch tăng vốn mạnh. Tuy nhiên với tỷ lệ sở hữu 37,32% vốn điều lệ, cổ đông Hàn Quốc là DB Insurance luôn phủ quyết các tờ trình tăng vốn này. Ví dụ như tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, DB Insurance đã bác đề xuất chào bán 80,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Đại diện của DB Insurance là ông Park Ki Huyn cho biết, năm 2022, do chương trình Vững Tâm An, PTI chịu nhiều tổn thất và báo lỗ lớn. Chính vì vậy, theo luật chứng khoán, công ty muốn tăng vốn cũng không thể thực hiện được.

Theo ông Park, kế hoạch kinh doanh năm 2023 công ty đặt ra là có lợi nhuận, qua đó đủ điều kiện tăng vốn, nhưng khi cân nhắc các vấn đề liên quan tới pháp luật thì việc đề xuất tăng vốn này có thể khiến PTI vẫn gặp những rắc rối về pháp lý.

Về kết quả thực hiện trong năm 2023, hầu hết doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm của PTI đều tăng trưởng âm so với năm 2022 do PTI chủ động đánh giá lại cơ cấu sản phẩm, áp dụng chính sách nghiệp vụ chặt chẽ và tập trung đẩy mạnh các dòng sản phẩm có hiệu quả với chi phí phân phối thấp thay vì chỉ tập trung vào việc tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá.

Cụ thể, doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc năm 2023 đạt 5.077 tỷ đồng, giảm 18,98% so với năm 2022 và giảm 13,01% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2023 là 253 tỷ đồng, hoàn thành 225,8% kế hoạch (cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế của PTI là -347 tỷ đồng).

Lợi nhuận năm 2023 vượt nhiều so với kế hoạch do các nguyên nhân: Hoạt động đầu tư năm 2023 của PTI đạt kết quả ấn tượng: các hoạt động đầu tư tiền gửi, đầu tư trái phiếu đều mang lại hiệu quả tối ưu. Năm 2023 danh mục đầu đầu tư của PTI tập trung vào các tài sản thanh khoản cao là Tiền gửi và trái phiếu – chiếm tỷ trọng trên 90% tổng danh mục với định hướng đầu tư “An toàn thận trọng và tận dụng cơ hội tối ưu hiệu quả”.

Mặc dù tổng nguồn vốn đầu tư giảm, doanh thu hoạt động tài chính năm 2023 đạt 460,294 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022 và cao nhất trong 5 năm gần đây; tổng chi bồi thường bảo hiểm là 2.188 tỷ đồng, giảm 3,3%; chi phí quản lý doanh nghiệp là 208 tỷ đồng, giảm 17,5%.

Việc tối ưu hóa chi phí kinh doanh, chi phí quản lý, kiểm soát tốt tỷ lệ bồi thường đã làm cho tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2023 của PTI giảm 14,68%, tương ứng đạt 4.568 tỷ đồng, đã đóng góp vào việc tăng lợi nhuận của Công ty.

Kết thúc năm 2023, PTI tạm thời đứng thứ 4 về thị phần trong tổng số các công ty bảo hiểm Phi nhân thọ trên thị trường năm 2023. Hãng bảo hiểm đã từng nhiều năm giữ vị trí thứ 3 về thị phần trên thị trường cho biết, với mục tiêu chiến lược là kiện toàn về quản trị, kiện toàn về con người, không đặt ra bài toán tăng trưởng về doanh số trong giai đoạn này.

Về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024, HĐQT PTI lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 của PTI ở mức 220 tỷ đồng, giảm 31,6% so với kết quả thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ở mức 175 tỷ đồng.

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI được kỳ vọng ở mức 5.353 tỷ đồng, cao hơn 9,7% so với năm 2023. Doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính dự kiến đạt 279,2 tỷ đồng, tăng 7,1%.

Theo Kinh tế Chứng khoán

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/dhdcd-pti-bat-ngo-voi-ke-hoach-loi-nhuan-sut-giam-muon-tang-von-len-gap-3-lan-122290.html