Dệt 'mạng' logistics cho ngành bán lẻ

Đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc ngày càng rút ngắn thời gian và chi phí giao hàng quốc tế. Điều này buộc cả nhà bán lẻ và doanh nghiệp logistics trong nước phải chuyển mình để tối ưu hóa vận hành.

Với lợi thế về quy mô và kinh nghiệm, doanh nghiệp logistics dễ dàng trong việc tối ưu hóa chi phí vận hành với quy trình quản lý thông minh.Ảnh minh họa: DNCC

Nguyễn Trung Hiệp (32 tuổi, TPHCM), chủ một nhãn hiệu giày dép bán khoảng hơn 1.000 đơn hàng mỗi tháng trên khắp cả nước mà không có bất kỳ cửa hàng hay kho bãi nào của riêng mình. Doanh nghiệp của anh cũng không có nhân viên làm toàn thời gian.

Giày dép được anh Hiệp thiết kế và thuê xưởng sản xuất tại Trung Quốc, sau đó chuyển về TPHCM. Các công việc khai thuế, hải quan, kế toán và cả bán hàng anh thực hiện với sự trợ giúp của người vợ. Toàn bộ quá trình vận chuyển từ nhà xưởng, đóng gói hàng hóa và giao đến tận tay người dùng đều được thuê ngoài. Có những lô hàng anh Hiệp thậm chí chưa kịp chạm tay đã bán hết.

Trước đây, khi mở một cửa hàng kiêm nhà kho 15m2 ở vị trí không mấy đắc địa, anh mất ít nhất 15 triệu đồng mỗi tháng chi trả mặt bằng và nhân sự cho việc quản lý đóng gói sản phẩm. Đó là chưa kể khoản tiền anh phải trả cho các đối tác vận chuyển giao sản phẩm đến tay khách hàng cuối cùng. Anh Hiệp thường tính phí này vào giá bán dưới danh nghĩa “free ship” (miễn phí vận chuyển) để tăng sức hấp dẫn.

Cạnh tranh với Trung Quốc

“Nếu cứ thuê mặt bằng như cũ, doanh nghiệp tôi không thể cạnh tranh được với đội ngũ bán lẻ từ Trung Quốc”, anh Hiệp nói. Ngày nay, các mặt hàng tiêu dùng từ Trung Quốc về Việt Nam rất dễ dàng. Một đơn hàng bán lẻ từ Trung Quốc chỉ mất từ 3-5 ngày kể từ khi đặt hàng đến khi tới tay người tiêu dùng Việt Nam, với mức phí siêu rẻ từ 17.000-25.000 đồng. Chỉ riêng tiền vận chuyển, một đơn hàng từ TPHCM ra Hà Nội, trung bình anh Hiệp cần bỏ ra 18.000 đồng với thời gian giao hàng tương tự.

Các doanh nghiệp logistics Trung Quốc đang dần thiết lập tiêu chuẩn mới cho ngành này. Nửa cuối năm 2023, Cainiao – trụ cột logistics của Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba – công bố dịch vụ giao hàng quốc tế trong vòng năm ngày. Theo lãnh đạo đơn vị này, thời gian đã được giảm 30% so với quy chuẩn thông thường của ngành. Để đảm bảo giao đúng thời gian đó, Cainiao phải tìm cách tối ưu hóa việc nhận hàng ở chặng đầu tiên, vận chuyển tuyến đường, phân phối ở nước ngoài và giao hàng ở chặng cuối.

Riêng Việt Nam, với đặc thù là nước láng giềng có biên giới đường bộ trải dài gần 1.500 ki lô mét và cách trung tâm hàng hóa Quảng Châu và Thâm Quyến hơn 1.000 ki lô mét, thời gian vận chuyển hàng hóa thậm chí chỉ còn ba ngày.

Ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Việt Logistics, nói rằng thị trường Trung Quốc với số lượng hàng hóa luân chuyển mỗi ngày lớn giúp doanh nghiệp tận dụng được lợi thế về quy mô, hỗ trợ cho việc giảm giá thành. Quy mô lớn cũng giúp doanh nghiệp logistics dễ dàng đóng kiện, ghép chuyến nhanh chóng khi vận chuyển trên các tuyến đường. Nếu đủ hàng hóa cho một chuyến bay, đường hàng không giúp giảm đáng kể thời gian giao hàng.

Phía Trung Quốc cũng xây dựng nhiều kho ngoại quan gần biên giới và cả trong đất liền Việt Nam, hỗ trợ cho việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Về lý thuyết, hàng hóa khi chưa thông quan tại các khoa ngoại quan này vẫn được mang chỉ dấu là hàng tại nước ngoài.

Từng ký gửi hàng hóa tại các kho Trung Quốc và chỉ chuyển hàng về nước khi có đơn hàng, anh Hiệp chia sẻ một điểm khác khiến doanh nghiệp logistics nước này rút ngắn được thời gian giao hàng là lợi thế từ các kho thông minh. Hầu hết nhà kho được quản lý bằng Hệ thống quản lý kho hàng (Warehouse Management System – WMS) và các robot xếp dỡ giúp thời gian lấy hàng và đóng gói nhanh chóng hơn.

Khi chi phí logistics và thời gian cho một sản phẩm bán lẻ (bao gồm lưu kho, đóng gói, vận chuyển, giao hàng chặng cuối) giữa Trung Quốc và Việt Nam chênh lệch không đáng kể, vậy tại sao khách hàng phải mua sản phẩm cùng chủng loại có mặt trong nước? Không ít đơn vị kinh doanh như anh Hiệp nghĩ tới việc ký gửi hàng hóa tại Trung Quốc và chuyển từng đơn bán lẻ về Việt Nam khi khách có nhu cầu.

Tuy nhiên anh Hiệp cho rằng, kho ở quá xa khách hàng tiêu dùng cuối khiến nhà bán lẻ gặp không ít bất lợi, dù cho quá trình vận chuyển có nhanh lẹ tới đâu. Đầu tiên, nhà bán lẻ khó khăn trong việc thực hiện yêu cầu đổi trả hàng của khách. Hàng hóa đã nhập cảnh không thể đưa trở lại về kho mẹ tại nước ngoài.

Bên cạnh đó, nếu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, nhà bán lẻ phải tuân thủ quy tắc về thời gian xác nhận đơn và bàn giao hàng hóa cho đơn vị vận chuyển (phổ biến là trong vòng hai ngày). Quá trình này rất dễ “tắc nghẽn” do bất đồng văn hóa, ngôn ngữ giữa nhà bán lẻ trong nước và quản lý kho tại Trung Quốc, chưa kể những rủi ro như đình công hay thay đổi chính sách tại nước bạn. Sau một thời gian thử nghiệm, anh Hiệp quyết định đưa hàng hóa tập trung tại nhà kho nội địa trước khi phân phối đến tay người tiêu dùng.

Việc kho hàng gần với người mua nhất có thể là điều cần thiết trong phân phối hàng hóa. Cainiao cho biết, để tăng cường năng lực hậu cần bên ngoài Trung Quốc, doanh nghiệp đặt mục tiêu thành lập một đến hai trung tâm phân phối và kho bãi địa phương mỗi năm tại châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á.

Sự lên ngôi của kho chia sẻ

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành logistics Trung Quốc với thời gian giao hàng nhanh và chi phí rẻ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam (ở cả nhà bán lẻ và doanh nghiệp logistics) bước vào một cuộc cạnh tranh mới nhằm tối ưu hóa vận hành.

Kho chia sẻ phát triển đã hỗ trợ cho những nhà bán lẻ vừa và nhỏ trong guồng xoáy cạnh tranh này. Thay vì phải thuê mặt bằng, xây dựng hệ thống quản lý, doanh nghiệp bán lẻ có thể thuê lại một phần từ đơn vị logistics cung cấp dịch vụ chuyên biệt với những nhà kho mang đặc điểm thích hợp cho các nhà bán lẻ. Đơn vị logistics sẽ cung cấp trọn gói dịch vụ fulfillment – dịch vụ hoàn tất đơn hàng, bao gồm các hoạt động từ lấy hàng, lưu kho cho đến đóng gói, vận chuyển hàng hóa. Thậm chí việc kiểm kê và báo cáo hàng tồn cũng do doanh nghiệp logistics phụ trách. Anh Hiệp như nói ở phần đầu đã vận hành một doanh nghiệp thương mại mà không cần nhân viên.

So với việc thuê một cửa hàng nhỏ 15 mét vuông, nếu chỉ bán online, tính ra, anh Hiệp phải chi gần 15.000 đồng để lưu kho và đóng gói cho mỗi đơn hàng bán lẻ, nay chỉ cần trả 6.000 đồng cho kho fulfillment. Như vậy, cộng cả chi phí giao hàng chặng cuối, mỗi khách hàng chỉ cần trả 24.000-25.000 đồng/đơn hàng, tương đương giá vận chuyển của Trung Quốc.

Theo tính toán của ông Lê Thành Vinh, khách hàng, có thể tiết kiệm từ 30-40% chi phí so với thông thường khi ký gửi hàng hóa tại kho chia sẻ, chưa kể lợi ích dịch vụ hậu mãi. Nếu quản lý thiếu sót dẫn đến mất mát hay thiếu hụt hàng hóa, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm thanh toán 100% cho khách hàng. Mô hình kho chia sẻ này cũng giúp tối ưu hóa thời gian đầy hàng của kho.

Mục tiêu của Nhất Việt là tổ chức mạng lưới 100 kho chia sẻ mini cho các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ kí gửi hàng hóa đặt ở Hà Nội, TPHCM và các trung tâm lưu chuyển hàng hóa khác. Diện tích mỗi kho vào khoảng 700-1.500 mét vuông.

“Với lợi thế về quy mô và kinh nghiệm, doanh nghiệp logistics dễ dàng trong việc tối ưu hóa chi phí vận hành với quy trình quản lý thông minh. Ngược lại, nếu khách hàng tự xây kho và tự quản lý, sẽ phải tự tính khấu hao tài sản, thuế và không khai thác hết sẽ gây lãng phí”, ông Vinh nói. Mỗi kho không lớn nhưng mật độ dày đặc sẽ tạo thành một mạng lưới – ông Vinh gọi vui là “dệt mạng nhện”. Khách hàng ở khu vực nào sẽ nhận hàng phân bổ ở kho gần nhất, nâng cao tính cạnh tranh trong giao nhận hàng hóa.

Tâm Phạm

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/det-mang-logistics-cho-nganh-ban-le/