'Dệt cổ tích' cho những thân phận bất hạnh

Ở ngôi làng nhỏ của những người dân quanh năm quăng quật mưu sinh nơi đầm phá (xã Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa), suốt gần 30 năm nay có một ngôi chùa trở thành mái ấm, nơi hồi sinh của những đứa trẻ bị bỏ rơi, những thân bất hạnh, tật nguyền.

Cổ tích từ yêu thương

Ngôi chùa đặc biệt ấy là chùa Thanh Sơn (thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, Cam Lâm, Khánh Hòa). Từ những năm 1995-1996, chùa không chỉ là nơi tu hành nổi tiếng của các nhà sư mà cánh cửa chùa cũng rộng mở ra đón nhân những cuộc đời bất hạnh.

Mỗi thân phận được chùa đưa về cưu mang, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh… như một cuốn phim đầy ám ảnh nhưng luôn lấp lánh niềm tin, hy vọng.

Thầy Thích Trừng Hạnh cùng những người được cưu mang, nuôi nấng, chăm lo ở chùa.

Thầy Thích Trừng Hạnh cùng những người được cưu mang, nuôi nấng, chăm lo ở chùa.

Gắn bó, thấu cảm, trăn trở với đời sống của những thân phận này nhiều nhất là sư trụ trì Thích Thanh Quang (được Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa bổ nhiệm trụ trì chùa từ năm 1996).

Người hiểu, cảm phục gọi ông là "bụt của thân phận thiệt thòi". Người thờ ơ gọi ông là "nhà sư cõng đá tảng trên lưng"… Tất thảy điều ấy, trôi qua như một làn khói mỏng manh. Neo bền trong tâm trí ông là mỗi ngày sống là một ngày lo toan, tu hành, nuôi dưỡng người khác bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy, bị ngẩn ngơ, tật nguyền…

Theo trụ trì Thích Thanh Quang, hiện tại chùa có 60 em là trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Nhiều em bị bỏ rơi khi mới một ngày tuổi. Có những trẻ sơ sinh bị sinh non hoặc bệnh tật từ khi lọt lòng nên nuôi nấng rất cơ cực, nhưng các em đã hồi sinh như cổ tích vậy. Ngoài ra còn có nhiều người già neo đơn, tật nguyền…

Sát cánh trợ giúp sư Quang, từng ngày chăm lo cho người bất hạnh ở chùa Thanh Sơn là sư Thích Trừng Hạnh.

Đã bao đêm giông gió không dám chợp mắt khi những đứa trẻ đổ bệnh hay những ngày dài nắng cháy đôn đáo khắp nơi chữa trị cho các em, các nhà sư nhớ không nổi. Sự gắng gượng phải tính từng ngày, có hôm mệt quá các nhà sư lại tự nhủ hãy vượt lên vì các em. Có đứa trẻ bé xíu bị bỏ rơi trước cửa chùa, đờ đẫn nhưng khi được các nhà sư đưa vào chăm sóc qua cơn nguy kịch, vỗ về, ánh mắt lại lấp lánh lên.

Mỗi em mang một thân phận nhưng đã được các nhà sư "hồi sinh".

Mỗi em mang một thân phận nhưng đã được các nhà sư "hồi sinh".

Giữa tiếng chuông chùa réo rắt, ngước nhìn về phía các em nhỏ mồ côi, bị người thân lạnh nhạt, sư Thích Trừng Hạnh đọc vanh vách tên từng em. Nhà sư bảo rằng: Sau những giờ làm nhiệm vụ của người tu hành thì dốc hết tâm sức cho các em. Có những cái tên đọc xong, mắt nhà sư rưng rưng đầy xúc cảm như: Chế Hoàng Trang; Chế Kỳ Hà; Chế Trường Sang; Chế Kiến Phát… Mỗi em đều có một thân phận với chất chồng những điều kém may mắn, điển hình như Chế Kỳ Hà. Chế Hoàng Trang.

Bước vào tuổi 18 nhưng đôi tay, chân Hà vẫn co quắp lại dẫu đã được các nhà sư đi chữa trị, phẫu thuật khắp nơi. Khi Hà lọt lòng bị vứt bỏ trong bọc vải giữa một ngày mưa gió ầm ào, thân hình nhỏ thó, toàn thân tím tái, hơi thở yếu ớt. Ở giữa lằn ranh sống chết, bàn tay các nhà sư ở chùa Thanh Sơn chìa ra cứu vớt, thu nhận về. Năm tháng trôi qua, những căn bệnh từ bẩm sinh bám riết lấy Hà, có lúc chân em không đứng được, Trụ trì Thích Thanh Quang lại lo phục hồi sức khỏe, tìm đến nhiều cơ sở y tế để chữa cho Hà.

Em Chế Hoàng Trang cũng bị vứt bỏ ở cổng chùa đúng vào ngày 30 Tết. Dần lớn lên, có lúc trĩu buồn nhưng nghĩ về các nhà sư cưu mang mình, Trang lại gạt mọi tâm trạng u uẩn, quyết học tập tốt.

Niềm tin luôn được thắp lên

Dẫu tật nguyền, bị bỏ rơi từ lọt lòng nhưng Chế Kỳ Hà không bao giờ tuyệt vọng, luôn vươn lên.

Dẫu tật nguyền, bị bỏ rơi từ lọt lòng nhưng Chế Kỳ Hà không bao giờ tuyệt vọng, luôn vươn lên.

Không chỉ bị bỏ rơi từ lọt lòng mà nhiều đứa trẻ được cưu mang về chùa Thanh Sơn còn bệnh tật đầy mình. Có em hẹp hậu môn, vệ sinh khó khăn; có em què quặt, có em bị tim bẩm sinh, cứ vài tháng lại đau yếu; có em lại thiểu năng… thương các em đến quặn lòng, sư Quang, sư Hạnh lại đôn đáo lo toan.

Sư Thích Trừng Hạnh bộc bạch: "Gần đây sư phụ trụ trì sức khỏe cũng giảm sút nhiều, lại mang trọng bệnh nhưng lòng trăn trở về các em thì không ngày nào dừng lại. Như bản thân tôi để đỡ đần trụ trì, dốc sức vì các em nên cũng đã học lên đại học ngành công tác xã hội, học thêm nhiều kiến thức về y tế, cách chăm trẻ sơ sinh… để lo cho các em tốt hơn.

Ở đây, Trạm Y tế xã, chính quyền địa phương cũng có nhiều hỗ trợ. Có những em người cứ oặt đi như cọng bún từ nhỏ, chăm rất cực. Có em lúc bị vứt bỏ ngất lịm khi giúp các em phục hồi sức khỏe lại thì níu lấy tay các nhà sư. Những lúc như vậy chúng tôi lại bừng lên ý nghĩ hãy sống như như sông, như biển, hãy từng ngày, từng giờ rộng lòng chở che, bồi đắp cho những con người bấy bớt này vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần".

Chuẩn bị bữa cơm cho các em mồ côi, bất hạnh ở chùa Thanh Sơn.

Chuẩn bị bữa cơm cho các em mồ côi, bất hạnh ở chùa Thanh Sơn.

Không chỉ cứu chữa, nuôi dạy mà các nhà sư ở chùa Thanh Sơn còn "thổi" vào tâm hồn những thân phận bất hạnh niềm tin yêu vào cuộc sống, tương lai. Vậy nên đã có những em học lên thành bác sĩ như Bi Ron, Bi Ranh. Có em thì theo học ngành ngân hàng, kinh tế. Lại có những em theo nghiệp tu hành như sư cô Thích Nữ Huệ Thơ; Thích Nữ Huệ Lợi...

Nghĩ về những thế hệ anh, chị của mình đã trưởng thành, Chế Kỳ Hà với đôi tay run rẩy, bộc bạch: "Em tật nguyền thế này nhưng chưa bao giờ tuyệt vọng. Các em cũng thương các thầy lắm. Hàng ngày các thầy còng lưng từ tinh mơ đến đêm khuya để nuôi nấng và dạy dỗ các em".

Mồ côi từ tấm bé, đến nay đã bước vào tuổi trưởng thành, em Nguyễn Nhật Quang cũng thổ lộ rằng: "Đối với chúng em, ngôi chùa này là mái ấm đặc biệt. Nếu sau này không theo đuổi được ngành nghề nào thì sẽ ở lại chùa, phụ giúp các thầy chăm lo cho những em bất hạnh nhỏ hơn mình".

Hà Văn Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//det-co-tich-cho-nhung-than-phan-bat-hanh-169220405214906307.htm