Đền thờ Nông Thống Lệnh

Đền thờ Nông Thống Lệnh nằm trên địa phận tổ dân phố 3, trung tâm thị trấn Trà Lĩnh (Trùng Khánh). Ngôi đền từ xưa có diện tích nhỏ, xung quanh trình bằng đất, lợp ngói âm dương, sau đó được thay bằng tấm lợp phi brô xi măng, giữa đền đặt 2 bát bằng sứ để nhân dân đến dâng hương. Mặt tiền của đền quay về hướng Bắc và chỉ có một cửa chính. Ngôi đền tuy nhỏ nhưng có tiếng là linh nghiệm, đến thăm đền du khách sẽ được người dân địa phương kể về câu chuyện huyền thoại của đại tướng Nông Thống Lệnh chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi quốc gia.

Tục truyền kể rằng, Nông Thống Lệnh là con trai cả của một gia đình nông dân thuần túy, sống chan hòa, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư tại xóm Pò Khao, thị trấn Trà Lĩnh. Sau Nông Thống Lệnh còn có 2 em là Nông Thống Lang và Nông Thị Vưu đều là những người con yêu quê hương, đất nước, có công chống giặc phương Bắc hoành hành, giữ vững biên cương Tổ quốc. Hồi nhỏ, Lệnh là một cậu bé thông minh, nhanh nhẹn, có hiếu với cha mẹ, biết chăm sóc các em và tôn trọng mọi người trong xóm. Đến khi trưởng thành, Lệnh là chàng thanh niên cao lớn, tuấn tú, sức khỏe phi thường, Lệnh rất chăm chỉ ôn luyện võ nghệ, có tài khinh công, chạy nhanh như gió lốc. Hằng ngày, ngoài việc đồng áng, chăm sóc cha mẹ già, vun vén gia đình trong ấm, ngoài êm, Lệnh còn tập hợp thanh niên trai tráng trong vùng rèn gươm, giáo, luyện tập võ nghệ để bảo vệ dân lành, quê hương. Bọn phỉ quanh vùng nghe tiếng không dám bén mảng đến quậy phá, bà con nơi đây có cuộc sống yên bình.

Một lần, Lệnh bị ốm nặng phải nằm liệt giường, phó thác số mệnh cho lang y cứu chữa. Cả nhà lo lắng, mẹ già và các em sớm tối chầu trực bên giường bệnh. Thương Lệnh lâm bệnh ngày càng nặng, bà con trong vùng đến ân cần hỏi thăm.

Một hôm, có tin báo khẩn cấp bọn giặc ngoại bang từ phương Bắc quấy nhiễu vùng Tổng Cọt, Nặm Nhũng đang trên đường tràn vào Trà Lĩnh, đi đến đâu chúng cũng gieo rắc đau thương, nhũng nhiễu dân lành, chém giết, cướp bóc của cải, lòng người oán thán không yên. Bọn giặc rất đông, hùng hổ tàn phá, quê hương đang đứng trước họa xâm lăng. Nghe tin “sét đánh” ấy, bỗng nhiên Lệnh khỏe lại, trong lòng bừng bừng khí thế, căm thù ngất trời, muốn đánh tan lũ cướp nước, rửa hận cho dân. Chàng vùng dậy bảo mẹ: “Mẹ ơi, mẹ hãy lấy miếng da trâu khô trên gác bếp mang đến cho con”. Người mẹ sửng sốt vừa mừng, vừa lo. Lệnh cầm miếng da trâu xé nát thành từng miếng nhỏ, như dồn hết căm thù lên lũ giặc. Chàng vươn vai cao lớn, ăn hết một chảo cháo mà mẹ nấu, cảm thấy khỏe khoắn, hào sảng vô cùng. Lập tức chàng ra trước sân nhà hú gọi các trai đinh, lực điền mang theo vũ khí, gươm, giáo đến hội bàn chống giặc ngoại xâm, thề nguyện sống chết có nhau, tất cả vì quê hương. Nghe tin ấy, nhiều thanh niên trai tráng các nơi khác cũng đến đăng ký gia nhập đội quân của Lệnh mỗi lúc một đông. Lệnh bày mưu tính kế, đón đánh địch từ xa và bí mật cho quân đi đường rừng, đường hẻm, nhanh chóng tiếp cận trận địa mai phục tại Canh Bấu, cách Trà Lĩnh khoảng 7 km; nơi địa hình hiểm trở, thuận cho chinh chiến áp đảo quân địch. Bọn giặc hung hăng táo tợn, ùn ùn kéo tới đông như kiến, khi chúng hoàn toàn rơi vào ổ phục kích của ta, Lệnh ra hiệu cho nghĩa quân nhất tề vung gươm, giáo giết giặc lập công. Bọn giặc bị bất ngờ trước đòn đánh bủa vây tứ phía của nghĩa quân, chúng lúng túng bị động giao chiến, tổn thất nặng nề. Trước tình thế đó, quân giặc tăng bo tiếp viện quân, hòng ứng cứu cho bọn chúng thoát khỏi trận địa phục kích của ta. Lệnh tiên phong dẫn đầu tả xung hữu đột, đi đến đâu giặc chết như ngả rạ. Khi giáp la cà với tướng giặc, đột nhiên kiếm chàng bị gãy, nhanh như chớp chàng nhổ một gốc tre xông lên chiến đấu dũng mãnh. Gốc tre trở thành vũ khí lợi hại vù vù bay tới, tướng giặc hết chống đỡ, giặc chết ngổn ngang, bạt vía kinh hồn. Thoáng chốc, bọn giặc chỉ còn lác đác tàn quân, chúng nhanh chóng chạy thoát thân về nước.

Đền thờ Nông Thống Lệnh.

Kết thúc chiến trận, quân ta ca khúc khải hoàn, ghi dấu chiến tích oai hùng chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương của nhân dân Trà Lĩnh. Bà con, cô bác các dân tộc mở hội mừng công và suy tôn Lệnh làm đại tướng có công lớn dẹp giặc, an dân. Mỗi khi có giặc dã tràn sang, đại tướng do dân phong đã cùng em trai là Nông Thống Lang và em gái Nông Thị Vưu chỉ huy nghĩa quân dẹp loạn, giữ yên bờ cõi, đem lại cuộc sống an lành cho nhân dân.

Khi Nông Thống Lệnh qua đời, người dân địa phương vô cùng thương tiếc và lập đền thờ ngày đêm hương khói phụng thờ, khắc ghi công lao to lớn của ông. Trước đó, 3 năm một lần, nhân dân tổ chức lễ hội vào ngày 2/2 âm lịch hằng năm. Nội dung phần lễ nêu lên công trạng to lớn của ông và làm lễ tế thần cầu mong được ngài và các vị thần linh chở che, cưu mang, ban cho sức khỏe, làm ăn phát đạt, thịnh vượng, giữ yên bờ cõi. Lễ vật cúng tế gồm: lợn, gà, xôi, hoa quả, bánh kẹo. Phần hội gồm các trò chơi dân gian tung còn, đánh yến, múa sư tử, múa lân; trai gái gần xa đến hội ngộ hát lượn giao duyên đằm thắm.

Những năm gần đây, Lễ hội đền Nông Thống Lệnh được tổ chức gọn hơn, thời gian chuyển về ngày 9/3 âm lịch hằng năm, đúng ngày hội chợ của nhân dân địa phương. Trải qua bao biến thiên lịch sử, ngôi đền nay được nhân dân và chính quyền địa phương quan tâm tu sửa, nâng cấp vào năm 1993 và năm 2005. Đền thờ Nông Thống Lệnh được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2827-QĐ/UBND/VX ngày 26/12/2011, công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Lê Chí Thanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/den-tho-nong-thong-lenh-3167131.html