Đến năm 2030, diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 240.000 ha

Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030 đặt mục tiêu cụ thể tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 240.000 ha, trong đó, rừng đặc dụng 36.000 ha; rừng phòng hộ 138.000 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 66.000 ha.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 171/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030.

 Theo Cục Lâm nghiệp, hiện nay cả nước có 2,394 triệu ha rừng đặc dụng và được chia thành 167 khu. Ảnh minh họa

Theo Cục Lâm nghiệp, hiện nay cả nước có 2,394 triệu ha rừng đặc dụng và được chia thành 167 khu. Ảnh minh họa

Đề án đặt mục tiêu cụ thể tổng diện tích rừng được nâng cao chất lượng là 240.000 ha, trong đó, rừng đặc dụng 36.000 ha; rừng phòng hộ 138.000 ha; rừng sản xuất là rừng tự nhiên 66.000 ha.

Chất lượng rừng tự nhiên là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và rừng chưa có trữ lượng được cải thiện về trữ lượng rừng, đa dạng tổ thành loài cây và cấu trúc rừng đáp ứng yêu cầu về bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng chống thiên tai.

Đề án được triển khai, thực hiện trên phạm vi của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thuộc khu vực trung du và miền núi thường xảy ra thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, có diện tích rừng cần nâng cao chất lượng góp phần bảo tồn hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai thuộc 03 vùng kinh tế - xã hội, bao gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Khuyến khích các địa phương khác có điều kiện phù hợp thực hiện các nội dung của Đề án này.

Đối với việc nâng cao chất lượng rừng ven biển (bao gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) thì thực hiện theo Đề án Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2021.

Một trong các nhiệm vụ của Đề án là rà soát hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng rừng cần nâng cao chất lượng rừng.

Theo đó, rà soát cụ thể hiện trạng, xác định cụ thể diện tích, vị trí, ranh giới đối tượng từng loại rừng cần nâng cao chất lượng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với đặc điểm, hiện trạng về trữ lượng, cấu trúc tổ thành loài cây, cấu trúc từng loại rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo chủ quản lý rừng theo hướng sau:

Rừng đặc dụng: rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng thuộc khu vực đại diện cho hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc trưng còn diện tích ít, bị suy giảm về đa dạng sinh học.

Rừng phòng hộ: rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng, rừng trồng chất lượng thấp thuộc khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn; lưu vực của con sông, hồ lớn, đập thủy điện, thủy lợi; nơi có độ dốc lớn, nguy cơ sạt lở cao.

Rừng sản xuất là rừng tự nhiên: rừng tự nhiên có trữ lượng nghèo, nghèo kiệt, rừng chưa có trữ lượng; ưu tiên đối với khu vực có địa hình dốc, nguy cơ sạt lở cao, lưu vực của sông, hồ, đập thủy điện, thủy lợi.

Theo Cục Lâm nghiệp, hiện nay cả nước có 2,394 triệu ha rừng đặc dụng và được chia thành 167 khu. Còn rừng phòng hộ có 5,512 triệu ha, trong đó diện tích đất có rừng là 4,646 triệu ha.

Trong năm 2023, lực lượng kiểm lâm và chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng đã tổ chức trên 99.800 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng phát hiện, thu giữ và xử lý được 892 vụ vi phạm các quy định pháp luật về lâm nghiệp. Trong đó, lực lượng chức năng đã xử lý hình sự 45 vụ, xử lý hành chính 689 vụ; còn 158 vụ vi phạm chưa được xử lý.

Cơ quan chức năng đã hỗ trợ 1.212 thôn/bản vùng đệm với tổng kinh phí trên 51 tỷ đồng. Tổ chức trồng được 1.465ha rừng đặc dụng (tăng 130% so với năm 2022); rừng phòng hộ là 3.485ha (giảm 5,7% so với năm 2022).

Các ban quản lý khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên được 26.340ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được 2.159ha. Đối với hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, cả nước có 228 ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được nhận kinh phí với diện tích chi trả trên 4,3 triệu ha, tương ứng với số tiền là trên 1.663 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ chiếm gần 50% tổng diện tích rừng trên toàn quốc, hầu hết là rừng tự nhiên.

Quốc Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/den-nam-2030-dien-tich-rung-duoc-nang-cao-chat-luong-la-240000-ha-post284103.html