Đền Mẫu Trịnh Tường - điểm đến tâm linh

Tọa lạc đầu nguồn sông Hồng, đền Mẫu Trịnh Tường, huyện Bát Xát trở thành “cột mốc tâm linh” khu vực biên giới, thu hút nhiều người dân trong và ngoài tỉnh tới vãn cảnh và chiêm bái.

Đền Mẫu Trịnh Tường là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng ngàn - Thánh Mẫu thứ hai trong Tam tòa Thánh Mẫu, cai quản nhạc phủ, tức là cai quản vùng rừng núi, trấn giữ biên ải. Bà Trần Thị Thanh, thủ nhang đền Mẫu Trịnh Tường cho biết: Đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XX và được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2016. Trong những năm qua, huyện Bát Xát đã huy động nhiều nguồn lực để trùng tu, tôn tạo di tích, đồng thời quản lý tốt các hoạt động lễ hội. Từ ngôi đền chính là căn nhà cấp 4 nhỏ làm nơi thờ tự, đến nay đền Mẫu Trịnh Tường đã được mở rộng với các hạng mục: Nhà đền chính, nhà sắp lễ, am hóa vàng, nhà hữu vu, cổng tam quan, hồ bán nguyệt…

Bước vào đền Mẫu Trịnh Tường, khách tham quan cảm nhận được không gian tĩnh lặng, yên bình với khói nhang phảng phất, tiếng chim hót líu lo trên những tán cây cổ thụ. Mặc dù đã qua các thời kỳ tu sửa nhưng du khách vẫn được ngắm nhìn những kiến trúc cổ kính còn sót lại trên từng viên gạch, mái ngói hoặc các pho tượng thờ sơn son thiếp vàng mang dáng vẻ uy nghi, tráng lệ.

Chị Phạm Thu Hằng, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát tâm sự: Năm nào cũng vậy, vào dịp đầu xuân năm mới, tôi thường cùng gia đình đến đền thắp hương đức Thánh Mẫu. Ngôi đền uy nghi, cổ kính, sơn thủy hữu tình mang lại cho tôi cảm giác thư thái.

Hằng năm, cứ đến ngày 10/3 âm lịch sẽ diễn ra Lễ hội đền Mẫu Trịnh Tường để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái, dân an. Lễ hội được tổ chức trang trọng, đúng tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng ngàn; khai thác được những giá trị văn hóa truyền thống, tạo nên hoạt động văn hóa, tín ngưỡng dân gian đa sắc màu, hấp dẫn và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Phần lễ với nghi thức rước kiệu trang nghiêm, lễ tế, cáo yết, cầu an. Phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, như thi đấu các môn thể thao truyền thống, thi giã bánh giày, đồng diễn võ thuật dân tộc…

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đền Mẫu Trịnh Tường góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân, đồng thời quảng bá và từng bước đưa đền Mẫu Trịnh Tường trở thành điểm đến hấp dẫn trong hệ thống du lịch lịch sử - văn hóa - tâm linh của tỉnh Lào Cai.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/den-mau-trinh-tuong-diem-den-tam-linh-post381525.html