Đến khi nào người lao động mới thực sự là an toàn?

Tình trạng tai nạn lao động liên tiếp xảy ra thực sự là nỗi nhức nhối của toàn xã hội. Nguyên nhân được chỉ ra, xuất phát từ phía người sử dụng lao động còn chưa nâng cao việc đảm bảo an toàn lao động, còn người lao động thì dường như vẫn còn chủ quan, vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động.

Vụ việc tai nạn lao động nghiêm trọng tại Yên Bái khiến 7 công nhân lao động ra đi mãi mãi hiện vẫn đang khiến người dân không khỏi xót thương và bàng hoàng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sai sót trong thực hiện quy trình vận hành sửa chữa. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp trong ngành sản xuất xi măng cũng như ngành chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng.

Thực tế, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, hàng loạt các sự việc nghiêm trọng khác xảy ra như ở Công ty Than Thống Nhất, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) khiến 4 người chết, đặc biệt là vụ việc 6 người chết vì bệnh nghề nghiệp bụi phổi silic tại Nghệ An xảy ra thời gian qua… Dù hệ thống pháp luật đã quy định tương đối đầy đủ, nhưng người lao động thì chưa ý thức trong việc tự bảo vệ tính mạng mình còn người sử dụng lao động thì chưa thực sự nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn lao động.

Theo nhận định, chỉ cần người sử dụng lao động thực hiện tốt nghĩa vụ bảo đảm an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động sẽ phòng ngừa được trên 90% tai nạn lao động. Điều này phụ thuộc vào sự quan tâm, nhận thức, mức độ đầu tư của chủ doanh nghiệp. Bởi lẽ, qua thời gian sử dụng lâu dài, các dây chuyền sản xuất, máy móc, thiết bị sẽ hư hại, lạc hậu. Để đầu tư trang thiết bị mới, bảo đảm an toàn, có thể ngăn ngừa các rủi ro là cả một bài toán khó về chi phí đối với doanh nghiệp.

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Ngô Trang - Thảo Linh - Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/den-khi-nao-nguoi-lao-dong-moi-thuc-su-la-an-toan-219845.htm