Đếm ngược đến Lễ hội Ánh sáng và lễ khánh thành kỳ quan kiến trúc mới

Diwali năm nay đến sớm. Hàng trăm triệu người Ấn Độ đang chờ đợi lễ hội lớn nhất từ trước đến nay của đất nước: Lễ hội Diwali đặc biệt sẽ được tổ chức vào ngày 22.1 tại thành phố Ayodhya thuộc bang Uttar Pradesh, đánh dấu lễ khánh thành (Pran Pratishtha) đền Shri Ram Mandir – sự kiện được chờ đợi suốt nửa thế kỷ.

Pran Pratishtha tại Đền Ram sẽ là một thời khắc quan trọng trong di sản văn hóa Ấn Độ, gắn kết mọi người trên cả nước. Đó không chỉ là một sự kiện về ngôi đền dành cho Vua Ram, vị vua anh hùng trong sử thi vĩ đại Ramayana; đó còn là lễ hội quốc gia, tượng trưng cho những giá trị chung, niềm tin, hy vọng và sự đoàn kết.

Diwali đến sớm, một thời khắc lịch sử

Mỗi dịp Diwali - Lễ hội Ánh sáng có lịch sử hơn 2.500 năm, những ngọn đèn đất sét và nến lại thắp sáng đường phố và những ngôi nhà trên khắp Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới, kỷ niệm ngày Vua Ram trở về quê hương Ayodhya sau khi giết quỷ vương ở đảo Sri Lanka, tôn vinh chiến thắng huy hoàng của cái thiện trước cái ác, của ánh sáng trước bóng tối.

Vẻ đẹp Lễ hội Ánh sáng hàng năm ở Ấn Độ. Ảnh: Flickr

Cái tên “Ayodhya” xuất phát từ từ tiếng Phạn “yudh”, có nghĩa là chiến đấu. Thêm chữ “a” làm tiền tố phủ định, ayodhya được hiểu là “bất khả chiến bại”. Ý nghĩa văn hóa của thành phố được thể hiện sắc nét qua các lễ hội lớn như Diwali. Từ năm nay, mọi người không phải chờ đến tầm tháng 10 và tháng 11 để kỷ niệm Lễ hội Ánh sáng Diwali, dịp lễ lớn nhất và quan trọng nhất trong năm ở Ấn Độ. Những ngày này, thánh địa Ayodhya cũng như nhiều thành phố và bang khác ở Ấn Độ đang chuẩn bị cho lễ khánh thành Ram Mandir (mandir trong tiếng Hindi nghĩa là ngôi đền), hay còn gọi là Ram Janmabhoomi, vốn được mong đợi sẽ trở thành một kỳ quan kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa và tín ngưỡng hàng thiên niên kỷ.

Hành trình vượt thời gian

Lịch sử của Ayodhya và Ram Janmabhoomi là một bức tranh khảm được tạo nên từ truyền thống cổ xưa và các sự kiện đã khắc sâu vào bức tranh chính trị-xã hội Ấn Độ. Vào thế kỷ thứ VI, thành Ayodhya được gọi là Saketa, một đô thị lớn, nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Các văn tự Phật giáo và Kỳ Na giáo thời kỳ đầu đề cập Đức Phật và Mahavira (người sáng lập Kỳ Na giáo) không chỉ đến thăm mà còn cư trú trong thành phố. Sự hiện diện của Đức Phật và Mahavira ở Ayodhya cho thấy tầm quan trọng của Ayodhya như một trung tâm văn hóa và tinh thần nổi bật thời kỳ đó cũng như sự phát triển trong suốt nhiều thế kỷ sau này.

Mối liên hệ của Ayodhya với thần thoại Hindu là nổi bật nhất. Theo truyền thuyết, đây là nơi sinh của Vua Ram, nhân vật trung tâm trong sử thi Ramayana, hiện thân thứ bảy của thần Vishnu, trong khi văn học Phật giáo coi Ram là một vị Bồ Tát. Điều này khiến Ayodhya trở thành địa điểm hành hương nổi tiếng. Nói ngắn gọn, thánh địa Ayodhya là tấm gương phản chiếu những câu chuyện vượt thời gian đã định hình nền văn hóa và triết học Ấn Độ.

Vậy Ayodhya tọa lạc ở đâu? Câu hỏi này không chỉ là về vị trí địa lý trên bản đồ, đó là việc khám phá một thành phố cổ, một bức tranh khảm của lịch sử, tâm linh và văn hóa.

Nằm bên bờ sông Sarayu thanh bình, “thành phố của những ngôi đền”, tên gọi khác của Ayodhya, là biểu tượng của di sản phong phú và đa dạng của Ấn Độ, là nhân chứng thầm lặng của nhiều thời đại khác nhau trong lịch sử Ấn Độ. Thời triều đại Gupta, thời kỳ hoàng kim của nền văn minh Ấn Độ, Ayodhya bắt đầu được ghi chép trong nhiều văn bản lịch sử và các tác phẩm văn học cổ. Theo kinh Ấn Độ giáo “Garuda Purana”, Ayodhya có ý nghĩa quan trọng như một trong bảy địa điểm linh thiêng để đạt được “Moksha” - sự giải thoát linh hồn khỏi vòng luân hồi.

Lịch sử của Ayodhya chứng kiến bước ngoặt trong triều đại Mughal khi vào thế kỷ XVI, thành đường Hồi giáo Babri Masjid được xây dựng ở Ram Janmabhoomi ngay trung tâm thành phố, vùng đất được cho nơi sinh của Vua Ram. Điều này làm dấy lên cuộc tranh luận kéo dài nhiều thế kỷ. Sang thế kỷ XX, xung đột tôn giáo leo thang, với nhiều bên liên quan đưa ra các yêu sách đối với địa điểm này. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào năm 1992 khi Babri Masjid bị đám đông phá hủy. Sau đó là các cuộc chiến pháp lý, kết thúc với phán quyết lịch sử của Tòa án Tối cao Ấn Độ vào năm 2019 - ủng hộ việc xây dựng Đền Ram tại địa điểm tranh chấp. Phán quyết này được đưa ra nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài và mở đường cho sự hòa hợp giữa các cộng đồng tôn giáo ở vùng đất lịch sử này.

Là một thành phố lịch sử, sự tồn tại của Ayodhya vượt xa ranh giới về thời gian và không gian. Di sản này đã trường tồn qua thử thách của thời gian, tiếp tục thu hút những người hành hương, những người đam mê lịch sử và những du khách tò mò từ khắp nơi trên thế giới. Khi Ayodhya xây dựng Đền Ram, nó được coi là biểu tượng của niềm tin và hy vọng, của sự thống nhất trong đa dạng, gói gọn di sản văn hóa phong phú của Ấn Độ.

Đồng hồ đang điểm ngược, Ayodhya một lần nữa đã sẵn sàng làm nên lịch sử. Khi cánh cửa của Đền Ram mở ra vào ngày 22.1, thế giới sẽ không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc bằng đá của thế kỷ XXI, họ sẽ thấy một minh chứng cho sự kiên cường của con người, một sự hiện diện vĩnh cửu không bị diệt vong cũng như không thể bị xóa bỏ.

Tính biểu tượng của công trình lịch sử

Thiết kế của đền Shri Ram Mandir dựa theo phong cách kiến trúc Nagar truyền thống, một trong hai phong cách kiến trúc chính của đền thờ Ấn Độ giáo, được đặc trưng bởi những tòa tháp cao, hình kim tự tháp, được gọi là shikhara.

Ngôi đền được làm từ đá sa thạch hồng và không sử dụng sắt thép. Ảnh đồ họa: Shri Ram Janmabhoomi Teerth Kshetra Trust

Chiều dài của Đền Ram (bắt đầu từ Đông sang Tây) là 380 feet (115,8m), rộng 250 feet (76,2m) và cao 161 feet (49m) tính chiều cao của tháp chính của đền. Ngôi đền có cấu trúc ba tầng, mỗi tầng có chiều cao 20 feet (0,67m). Tổng cộng có 392 cột trụ được trang trí bằng các bức tượng chạm khắc các vị thần trong đời sống văn hóa Ấn Độ cũng như trong sử thi Ramayana. Công trình kiến trúc khổng lô này có 44 cửa ra vào; bao quanh đền là bức tường dài 73m.

Ngôi đền được xây bằng đá sa thạch hồng khai thác từ Rajasthan và nền móng được xây bằng đá granit. Điều đáng chú ý là sắt thép không được sử dụng để xây đền. Một cột đá granit cao 21 feet đã được dựng lên để bảo vệ ngôi đền khỏi độ ẩm của đất. Chi phí ước tính của toàn bộ dự án, bao gồm cả việc xây dựng ngôi đền và mở rộng khu vực xung quanh, vào khoảng 147 triệu USD.

Lễ khánh thành Đền Ram sẽ được truyền hình trực tiếp tại Quảng trường Thời đại (Times Square) mang tính biểu tượng ở New York, Mỹ, vào ngày 22.1.2024.

Ni Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/dem-nguoc-den-le-hoi-anh-sang-va-le-khanh-thanh-ky-quan-kien-truc-moi-i358085/