Đêm nay, nhìn lên sẽ thấy sự kỳ ảo của bầu trời

Đêm nay, trên bầu trời sẽ xuất hiện nhiều sao băng, với tần suất lên đến khoảng 100 sao băng/giờ, nó có thể mang đến những thời khắc khó quên trong quãng đời quan sát bầu trời đêm của chúng ta.

Mưa sao băng là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mà ai cũng muốn thấy một lần trong đời.

Mưa sao băng là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mà ai cũng muốn thấy một lần trong đời.

Theo Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), đêm nay (12/8) sẽ xuất hiện mưa sao băng Perseids, còn gọi là Anh Tiên, là một trong ba mưa sao băng lớn, nổi tiếng nhất của năm, quan sát được thuận lợi ở Việt Nam (Perseids trong tháng 8, Leonids tháng 11, Geminid tháng 12).

Với tần suất lên đến khoảng 100 sao băng/giờ khi đỉnh điểm ở vùng quan sát lý tưởng, Perseids có thể mang đến những thời khắc khó quên trong quãng đời quan sát bầu trời đêm của chúng ta.

Mưa sao băng Perseids có nguồn gốc từ các tàn dư băng và bụi của sao chổi 109P/Swift-Tuttle. Mỗi năm quỹ đạo của Trái Đất cắt ngang quĩ đạo của tàn dư sao chổi 109P/Swift-Tuttle vào tầm giữa tháng 7 đến đầu tháng chín, là nguồn gốc của các sao băng có vùng xuất phát từ chòm sao Anh Tiên (Perseus).

Đặc biệt các đêm 12, 13/8 thường là đêm diễn ra cực điểm mưa sao băng Anh Tiên. Ở các vùng nông thôn, trời đẹp có thể quan sát được với số lượng sao băng khá lớn, trung bình 50-70 sao băng/giờ.

Hội viên HAAC quan sát sao trên trời bằng kính thiên văn.

Hội viên HAAC quan sát sao trên trời bằng kính thiên văn.

Nhiều người còn cho rằng, khi sao băng xuất hiện, hãy thử ước điều mình muốn để mong trở thành hiện thực. Không biết điều này có ứng nghiệm không, nhưng chỉ cần quan sát được hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này cũng là đủ là một ước nguyện rồi.

Năm nay, thời điểm dự báo diễn ra cực điểm mưa sao băng Perseids (các đêm 12-13/8) rơi vào các ngày cuối tuần, và cực kì thuận lợi, khi Mặt trăng (là vật thể cản trở xem sao băng) đang ở trong những ngày cuối tuần trăng, nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến độ tối của bầu trời.

Thời điểm quan sát mưa sao băng Anh Tiên thuận lợi là sau nửa đêm đến rạng sáng, khi chòm sao Anh Tiên đã lên cao khỏi chân trời Đông Bắc

Các sao băng của trận mưa sao băng Anh Tiên sẽ có hướng của tia sao băng xuất phát từ chòm Anh Tiên (Perseus), tuy nhiên thời điểm sao băng sáng lên để các bạn có thể nhận thấy có thể nó đã ra xa khỏi chòm sao này. Vì thế cách quan sát tốt nhất là nhìn bao quát cả bầu trời lân cận chòm sao Anh Tiên.

Sau nửa đêm chòm sao Anh Tiên sẽ cao dần dần theo thời gian từ chân trời Đông Bắc, bạn nên nằm ngửa quay mặt về phía Đông Bắc, quan sát bao quát từ chân trời lên đến đỉnh đầu là lời khuyên tốt nhất.

Sao băng có thể nhìn thấy bằng mắt thường, bay vắt qua bầu trời khá nhanh, nếu sử dụng ống nhòm hay kính thiên văn chỉ làm giảm đi khả năng thấy được sao băng của bạn mà thôi.

Mây mưa, Mặt trăng và ô nhiễm ánh sáng là "kẻ thù" của sao băng, vì vậy khả năng quan sát sao băng ở các thành phố lớn là khá khó khăn, hãy về các vùng quê, nơi tối đèn để quan sát sao băng.

Nếu bầu trời nhiều mây không thấy được các sao thì khả năng quan sát được sao băng cũng rất thấp, vì chỉ có những sao băng lớn (fireball) mới có đủ khả năng thấy được qua lớp mây mỏng.

Muốn quan sát mưa sao băng tốt nhất nên tìm những địa điểm trên cao, ít ánh đèn.

Muốn quan sát mưa sao băng tốt nhất nên tìm những địa điểm trên cao, ít ánh đèn.

Điều may mắn là Mặt trăng vào ngày 12-13/8 ở pha cuối hạ huyền nên mọc trễ và độ sáng thấp, sẽ không ảnh hưởng nhiều đến quan sát sao băng.

Perseids hay rơi vào những ngày mưa gió ở miền Nam, nên hãy tỉnh táo, nếu trời mây nhiều thì nên đi ngủ nhé các bạn! Tuy nhiên, tại TP.HCM ngày hôm nay trời nắng nóng, không mưa, hy vọng tối nay cũng không mưa và không có mây.

Bầu trời đêm luôn mang đến nhiều kỳ ảo, khiến cho rất nhiều người say mê.

Bầu trời đêm luôn mang đến nhiều kỳ ảo, khiến cho rất nhiều người say mê.

Vào sáng ngày mai (13/8), HAAC sẽ tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề định kỳ tháng 8 với chủ đề: "Mưa sao băng và những điều cần biết" với mục đích chia sẻ cùng thành viên và những người yêu thích thiên văn học các nội dung về: Mưa sao băng là gì, nguồn gốc, tên gọi; các trận mưa sao băng chính hàng năm; cực điểm của mưa sao băng là gì? Có phải cực điểm là thời điểm có thể quan sát được nhiều sao băng nhất không? Hướng dẫn quan sát mưa sao băng; vì sao lại quan sát được nhiều sao băng hơn từ lúc sau nửa đêm.

Như Ngọc

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-hay/dem-nay-nhin-len-se-thay-su-ky-ao-cua-bau-troi-c17a58316.html