Đề xuất thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông bền vững

Đề xuất quy hoạch thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu vực mỏ cát trên sông Hậu (đoạn thuộc thành phố Châu Đốc). Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Khu vực mỏ cát trên sông Hậu (đoạn thuộc thành phố Châu Đốc). Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Đồng bằng sông Cửu Long được xem là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện rõ hàng năm với mức gia tăng nhiệt độ trong không khí, xâm nhập mặn, sụt lún, ngập lụt đô thị, lượng mưa thấp dần… Đáng chú ý, hiện tượng sạt lở bờ sông, sụt lún địa hình tại khu vực ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Trước thực tế trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Địa chất Việt Nam chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội”.

Theo Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam Trần Bình Trọng: Đề án nhằm đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá và phân vùng nguy cơ tai biến địa chất (sụt lún, sạt lở bờ sông) do ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và tác động của hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông gây ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, Đề án đề xuất quy hoạch thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, thời gian tới, Cục Địa chất Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp hiện trạng và quy hoạch thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; điều tra xác định tài nguyên, dự báo cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đánh giá tài nguyên cát, cuội, sỏi lòng sông tại các khu vực có triển vọng, khoanh định các diện tích đủ điều kiện chuyển giao thăm dò, khai thác.

Bên cạnh đó, Cục Địa chất Việt Nam điều tra, đánh giá đặc điểm địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo, tai biến địa chất (lòng sông cổ, sụt lún, sạt lở bờ sông); xây dựng các mô hình xu thế xói lở, bồi tụ và cảnh báo nguy cơ tai biến địa chất (sụt lún, sạt lở bờ sông) có tính đến ảnh hưởng do hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông gây ra.

Đồng thời, Cục Địa chất Việt Nam sẽ xây dựng, trình ban hành quy trình kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông theo công nghệ hiện đại; cập nhật kết quả xác định tài nguyên, trữ lượng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào cơ sở dữ liệu địa chất khoáng sản thuộc cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia.

Đề án được hoàn thành sẽ là cơ sở để khoanh định diện tích tiềm năng cát, cuội, sỏi trên các sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách về cát (xây dựng, san lấp,..) cung cấp cho các Dự án, công trình trọng điểm quốc gia (cao tốc, cảng, khu công nghiệp,…) và đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ổn định, bền vững trong khu vực.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành, Đề án sẽ góp phần đánh giá cơ chế bồi tụ, xói mòn liên quan đến việc khai thác cát, cuội, sỏi, từ đó xây dựng các giải pháp khai thác hợp lý, bền vững; đồng thời xây dựng quy trình công nghệ giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thăm dò, khai thác cát, cuội, sỏi lòng sông cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Diệu Thúy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/de-xuat-tham-do-khai-thac-cat-cuoi-soi-long-song-ben-vung-20240517104053252.htm