Đề xuất tăng 10% giá bốc dỡ container cảng biển

Bộ GTVT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam.

Tăng 10% giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container tại cảng nước sâu

Dự thảo Thông tư mới đề xuất tăng 10% giá tối thiểu dịch vụ bốc dỡ container nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển tại nhóm cảng biển số 1, 4, 5, trong đó có cảng nước sâu (khu vực Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải).

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container tại một số nhóm cảng biển, trong đó có hai cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải (Ảnh minh họa).

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 54/2018 đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container tại một số nhóm cảng biển, trong đó có hai cảng nước sâu Lạch Huyện và Cái Mép - Thị Vải (Ảnh minh họa).

Cụ thể với nhóm cảng biển nước sâu (Lạch Huyện và Cái Mép – Thị Vải), dự thảo Thông tư đề xuất tăng 10% khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, trung chuyển.

Theo Cục Hàng hải VN, đây là hai cảng loại đặc biệt duy nhất của Việt Nam. Với xu thế tàu container ngày càng lớn, cảng biển đón được tàu container trọng tải lớn thành lợi thế cạnh tranh có yếu tố sống còn trong khai thác cảng. Hiện nay, Việt Nam có tên trong danh sách các quốc gia có cảng container mớn nước sâu lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, mức giá bốc dỡ container khu vực cảng nước sâu của Việt Nam thấp hơn so với mức giá trung bình của khu vực ASEAN và các nước lân cận (bằng 59%), thậm chí chỉ bằng 85% mức giá bốc dỡ của cảng Phnompenh, Campuchia (cảng sông với mức đầu tư thấp hơn nhiều). Trong khi, chất lượng dịch vụ cảng nước sâu của Việt Nam tương đương các nước trong khu vực. Cảng đón được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới đi thẳng thị trường Châu Âu, Châu Mỹ, tiết kiệm chi phí và thời gian cho chủ tàu, chủ hàng.

"Với vai trò cảng đặc biệt của quốc gia, cảng cần được đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ để đón được tàu có trọng tải ngày càng lớn ra vào hoạt động. Do đó, điều chỉnh tăng giá dịch vụ bốc dỡ container nhóm cảng biển nước sâu là phù hợp và cần thiết để bảo đảm nguồn vốn tái đầu tư cho cảng, duy trì và nâng cao chất lượng dịch vụ", đại diện Cục Hàng hải VN nói và cho rằng mức điều chỉnh đề xuất tăng 10% để sau khi điều chỉnh, giá dịch vụ tại khu vực này vẫn thấp hơn 30-35% so với mức giá trung bình của khu vực, không mất sự cạnh tranh của cảng Việt Nam so với thế giới. Nếu mức tăng lớn hơn từ 20- 30% sẽ làm biến động mức giá quá lớn, ảnh hưởng tới chi phí của chủ tàu và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Cần lộ trình điều chỉnh phù hợp

Các chuyên gia nhận định, việc điều chỉnh giá thực sự quan trọng, cấp thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước, nâng tầm thế và lực cho các cảng cửa ngõ, bù đắp một phần nguồn thu hợp lý cho cảng mà không làm ảnh hưởng đến chi phí logistics quốc gia và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước.

Cùng việc nâng giá bốc dỡ container, các doanh nghiệp cảng cũng phải đầu tư nhiều hơn để nâng chất lượng dịch vụ. Các cảng cần đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, trang thiết bị phải lớn, hiện đại hơn để kịp xu thế tăng kích cỡ tàu. Từ đó, nâng cao năng suất làm hàng, rút ngắn thời gian tàu nằm cầu, giảm chi phí thực tế.

Ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cảng quốc tế Gemalink (khu vực Cái Mép – Thị Vải), từ khi được xây dựng đến nay, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải luôn giữ vững vị thế cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và thuộc danh sách các cảng nước sâu có mức tăng trưởng ấn tượng trên thế giới.

"Đặc thù là cảng nước sâu với chi phí đầu tư cao, chất lượng dịch vụ cần đáp ứng tốt các tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời sở hữu lợi thế với vị trí đắc địa nằm trên tuyến luồng hàng hải quốc tế nên mức điều chỉnh của khung giá trong dự thảo Thông tư mới chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và vị thế của cụm cảng nước sâu hàng đầu thế giới", lãnh đạo cảng Gemalink nhận định và đề xuất cơ quan quản lý tiếp tục xem xét, điều chỉnh để giá sàn dịch vụ bốc dỡ container bằng ít nhất 70% mức giá bình quân của khu vực (giá sau điều chỉnh đạt khoảng 70 USD/Teu).

Đồng thời, đề xuất Thông tư mới sớm có hiệu lực để các cảng kịp thời có cơ sở đàm phán ký kết hợp đồng với các hãng tàu, sau đó tiếp tục có lộ trình điều chỉnh tăng tối thiểu 10%/ năm nhằm đưa mức giá của các cảng nước sâu tiệm cận với giá bình quân của khu vực, bù đắp được giá thành của cảng và mức lạm phát hàng năm.

Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải VN (Visaba) Phạm Quốc Long cho rằng, cần ưu tiên sớm điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ khu vực cảng nước sâu. Sau đó, mỗi năm có lộ trình điều chỉnh khung giá thêm 15-20% cho phù hợp.

Theo ông Long, hiện nay, giá bốc xếp của Việt Nam thấp nhất thế giới và khu vực, trong khi trang thiết bị, chất lượng dịch vụ ngang tầm thế giới. Các cảng cũng không có điều kiện để tái đầu tư do chi phí đầu tư cảng nước sâu rất lớn và các cảng đều đang phải hoạt động dưới giá thành.

Cùng đó, giá bốc xếp là thành tố trong cước vận tải các hãng tàu nước ngoài trả chào cho khách hàng.

"Với tập quán mua CIF, bán FOB, điều chỉnh giá bốc xếp không ảnh hưởng tới chủ hàng Việt Nam", Chủ tịch Visaba nói và cho rằng các hãng tàu nước ngoài đang hưởng lợi hàng triệu USD từ việc thu THC (Phí điều hành bên bãi) cao nhưng trả cho cảng thấp.

Đối với đề xuất tăng 10% giá dịch vụ bốc dỡ container, ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN cho rằng, mức đề xuất tương đối hợp lý, dù các cảng đều mong muốn có mức giá tiệm cận với giá xếp dỡ trung bình trong khu vực.

"Tuy nhiên, lộ trình điều chỉnh nên ngắn lại để mức giá luôn hợp lý, thay vì 5 năm mới điều chỉnh một lần", ông Hoàng chia sẻ.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/de-xuat-tang-10-gia-boc-do-container-cang-bien-19223090819003215.htm