Đề xuất quy định dao là vũ khí thô sơ

Đây là một trong những quy định mới được Bộ Công an đề xuất trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (VK, VLN và CCHT) sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Công an tỉnh tổ chức tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ảnh: Tố Tâm

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT sửa đổi gồm 8 chương, 74 điều (sửa đổi, bổ sung 55 điều so với Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT năm 2017) quy định nhiều nội dung quan trọng liên quan đến VK, VLN và CCHT.

* Sử dụng dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao

Theo Bộ Công an, trong 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT năm 2017, có gần 17 ngàn vụ các đối tượng sử dụng dao để gây án giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng trong số gần 29 ngàn vụ có đối tượng sử dụng trái phép VK, VLN và CCHT gây án… Thậm chí, trong một số vụ án, các đối tượng sử dụng dao có tính sát thương cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) để giết người với tính chất rất manh động, dã man, gây bức xúc trong dư luận.

Các loại dao luôn có sẵn trong cuộc sống hàng ngày để phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt. Khi phát sinh mâu thuẫn, các đối tượng gây án sẵn sàng sử dụng dao để tấn công nạn nhân. Cụ thể, vào ngày 16-1, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh tuyên phạt bị cáo Đoàn Quang Pháp (40 tuổi, ngụ xã Bình Sơn, huyện Long Thành) 13 năm tù về tội giết người.

Theo thiếu tướng PHÙNG ĐỨC THẮNG, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT sửa đổi có quy định dao là vũ khí thô sơ, nhưng cũng tùy vào bối cảnh sử dụng. Nếu tàng trữ, sử dụng dao vào mục đích vi phạm pháp luật thì dao là vũ khí thô sơ hoặc nếu sử dụng để gây nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của người khác trái pháp luật thì dao là vũ khí quân dụng. Còn khi người dân sử dụng vào mục đích phục vụ cho đời sống hàng ngày, lao động sản xuất thì dao chỉ là công cụ, không vi phạm pháp luật.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (VKSND), ngày 12-9-2022, sau khi uống rượu, hát karaoke chung tại quán S.N. (xã Bình Sơn, huyện Long Thành), Cao Văn Bình (36 tuổi, ngụ xã Bình An, huyện Long Thành) và Đoàn Quang Phi (ngụ xã Bình Sơn) xảy ra mâu thuẫn và được mọi người can ngăn. Nhưng sau đó, Bình xách dao đến nhà Phi đâm Phi một nhát khiến anh này bị thương tật tỷ lệ 14%. Nghe tin Phi bị đâm, Pháp xách dao đến nhà Phi “nói chuyện” với Bình. Trong lúc hai bên giằng co, Pháp đã đâm Bình một nhát gây thủng cơ hoành, thủng dạ dày, đứt tụy, rách gan, khiến nạn nhân tử vong.

Không ít đối tượng thanh thiếu niên còn mang dao bên mình để “thủ thân”, khi xảy ra mâu thuẫn thì sẵn sàng mang dao ra để “giải quyết”. Điển hình như ngày 23-10-2023, T.Q.N. (18 tuổi) và H.T.H. (14 tuổi), cùng ngụ xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom), sau khi nhậu ra đứng trước cửa nhà thuộc ấp 3, xã Sông Trầu thì thấy 3 thanh niên đi trên 2 xe máy chạy ngang qua, trong đó có anh T.T.K. (18 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom). Nghi các thanh niên này nhìn đểu mình, N. và H. đã dùng xe đuổi theo để chặn đánh. Khi đuổi kịp, H. dùng tay đánh và N. lấy trong túi quần một con dao bấm đâm liên tiếp vào vùng ngực, cổ, đầu, lưng và tay anh K., khiến nạn nhân tử vong.

* Dao có tính sát thương cao, cần được xem là vũ khí thô sơ

Tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 2-4, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho hay, qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT năm 2017, bên cạnh kết quả đạt được cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, việc xây dựng Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT sửa đổi là cần thiết.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT sửa đổi có nhiều quy định mới đáng chú ý như: cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về VK, VLN, CCHT; cho phép tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ…

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thực tế hiện nay, tội phạm sử dụng các loại dao để gây án chiếm tỷ lệ rất cao và nguy hiểm. Tuy nhiên, luật hiện hành không quy định dao là vũ khí, hành vi sử dụng dao chỉ bị xử lý khi nghi phạm phạm tội hình sự (giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích…), không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ. Khi đối tượng sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì được xác định là vũ khí quân dụng nhằm mục đích điều chỉnh nhận thức, hành vi của đối tượng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dao vốn là công cụ được sử dụng trong đời sống hàng ngày, hầu hết các gia đình đều có dao trong nhà thì việc xem dao là vũ khí thô sơ là điều chưa hợp lý.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, cho biết việc sử dụng dao khi gây án về bản chất là do con người sử dụng chứ không phải là do dao. Nếu có ý giết người hoặc đánh nhau thì các loại hung khí khác như: gạch, đá, gậy gộc, rựa… vẫn có thể mang tính sát thương. Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ khi sử dụng dao gây án với từng chế tài cụ thể. Đơn cử như cầm dao đến nơi công cộng và gây rối thì bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng; dùng dao gây tổn hại sức khỏe cho người khác thì sẽ bị truy tố về tội giết người, cố ý gây thương tích…

Theo Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 6-9-2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, dao là hung khí nguy hiểm. Nếu sử dụng dao gây án sẽ phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định các đối tượng sử dụng dao gây án dù chỉ gây thương tích không dẫn đến chết người vẫn bị truy tố về tội giết người.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202404/de-xuat-quy-dinh-dao-la-vu-khi-tho-so-6f967bc/