Đề xuất nâng mức trợ cấp xã hội với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội

Để đảm bảo đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ nâng mức trợ cấp xã hội đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Theo thông tin từ Bộ LĐTBXH, hiện nay cả nước có khoảng 3,7 triệu đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn ưu tiên đầu tư cho an sinh xã hội, trợ cấp xã hội. Mức chuẩn trợ giúp xã hội được quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là 360 nghìn đồng/tháng. Tổng kinh phí Nhà nước đang chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, cấp thẻ bảo hiểm y tế khoảng 28 nghìn tỷ đồng/năm.

Hiện nay đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp xã hội cao hơn mức quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP, đồng thời đã có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định tại Nghị định 20/2021/NĐ-CP.

Tuy vậy, chế độ trợ cấp hằng tháng còn thấp, mới chỉ hỗ trợ được một phần nhu cầu thiết yếu của người dân; chưa tương đồng với chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng. Mức trợ cấp xã hội hiện chỉ bằng khoảng 24% chuẩn nghèo nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 (1,5 triệu đồng/tháng), bằng 20% tiền lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để đảm bảo đời sống cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ nâng mức trợ cấp xã hội đối với nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.

Bộ LĐTBXH đang đề xuất phương án tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng, áp dụng từ ngày 1/7/2024. Mức đề xuất này tương đương 33% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Với mức chuẩn trợ cấp xã hội 500 nghìn đồng/tháng thì số kinh phí thực hiện một năm sẽ khoảng 37.113 tỷ đồng, tăng hơn so với mức quy định hiện tại là 9.465 tỷ đồng. Nếu thực hiện từ 1/7/2024 thì năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 4.700 tỷ đồng so với năm 2023.

Một phương án nữa được Bộ LĐTBXH đề xuất là nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng từ 360 nghìn đồng lên 750 nghìn đồng, tương đương 50% chuẩn nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025.

Với mức chuẩn trợ cấp xã hội là 750 nghìn đồng thì tổng kinh phí thực hiện một năm khoảng 54.000 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước bố trí tăng thêm khoảng 26.300 tỷ đồng/năm. Nếu thực hiện từ 1/7/2024 thì năm 2024 ngân sách nhà nước bố trí thêm khoảng 13.100 tỷ đồng so với năm 2023.

P.Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/de-xuat-nang-muc-tro-cap-xa-hoi-voi-nhom-doi-tuong-bao-tro-xa-hoi-170508.html