Đề xuất giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc xuất phát từ thực tế

Thực tế cho thấy, khối lượng công việc và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên mầm non hiện chưa có sự tương xứng để các cô yên tâm gắn bó với nghề.

Giáo viên mầm non thường phải đi sớm về tối, ít có thời gian dành cho gia đình nên rất cần được quan tâm hơn nữa về chế độ đãi ngộ. Ảnh: Đình Tuệ.

Nỗi vất vả không thành tên

Tại diễn đàn người lao động năm 2023 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang phối hợp với Bộ Lao động, thương binh và Xã hội xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Đồng thời, phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Thông tin này thu hút sự quan tâm của đông đảo giáo viên trên cả nước.

Công tác trong nghề đã hơn 20 năm, cô Trần Tuyết Nhung - giáo viên Trường Mầm non Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) hiểu hơn ai hết những nỗi vất vả, thiệt thòi của nhà giáo bậc học nhỏ nhất này. Ngoài nhiệm vụ giáo dục, các trường phải kiêm thêm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Mặc dù vậy, đa số giáo viên mầm non vẫn phải làm thêm nhiều đầu việc 'không tên' khác.

Ngoài giảng dạy trên lớp, các giáo viên mầm non và nhân viên nuôi dưỡng còn phải làm nhiều nhiệm vụ khác cho tới khi phụ huynh đón hết trẻ mới có thể yên tâm về nhà.

Trải qua các lớp từ nhà trẻ đến mẫu giáo lớn, cô Nhung chia sẻ để chăm sóc và giáo dục trẻ thành công đòi hỏi người giáo viên phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm và kiên trì. Mỗi trẻ có tâm lý, tính cách khác nhau nên cô cũng phải linh hoạt trong giảng dạy. Chủ yếu áp dụng dạy bằng chơi, chơi mà học để trẻ cảm thấy hứng thú hơn với bài học.

"Hàng ngày, cô thường có mặt ở trường từ 6h30, đôi khi phụ huynh đón muộn lại nhờ cô trông đến 7h tối cô mới được về nhà do trường hiện chưa áp dụng chế độ trông ngoài giờ có tính phí. Các cô dành phần lớn thời gian ở trường để chăm trẻ cũng như tham gia các hoạt động khác. Nhiều giáo viên lớn tuổi cảm thấy oải thực sự nên rất mong Nhà nước có thêm chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non", cô Nhung bày tỏ.

Cô Nguyễn Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội).

Nằm ở địa bàn vùng khó khăn, cô Lê Thị Toan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (Yên Châu, Sơn La) cho hay, các cô đi làm từ 6h30 sáng đến lớp quét dọn rồi đón trẻ, thể dục sáng, hoạt động học, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời đến vệ sinh, hoạt động tổ chức ăn trưa, dọn dẹp xong cho trẻ ngủ. Lúc đó, các cô mới tranh thủ ăn cơm trưa. Khi trẻ ngủ dậy, cô tổ chức cho trẻ ăn quà chiều và ôn kiến thức buổi sáng cho các em. Đến lúc trả trẻ cũng 5 - 6h tối.

Cô Nguyễn Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Mỹ nhấn mạnh, giáo viên mầm non lương hiện rất thấp và chưa tương xứng với khối lượng, tính chất công việc của các cô. Nhiều giáo viên phải chuyển việc khác để có thu nhập cao hơn và có thời gian chăm sóc gia đình. Do đó, đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét đưa giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, độc hại là xuất phát từ thực tế.

Mong chế độ đãi ngộ tương xứng

Trẻ tại Trường Mầm non Hoa Sen tham gia hoạt động học trên lớp.

Cô Trần Thị Minh Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (TP Phủ Lý, Hà Nam) cho rằng, dù đã được Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ, song nhiều giáo viên trẻ ngày nay sức dẻo dai không được như trước đây. Các em có nhiều lựa chọn ngành nghề khác để có thu nhập cao hơn nên rất ít người lựa chọn nghề mầm non vì quá vất vả.

"Do đó, nếu không tiếp tục quan tâm tới đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là bậc mầm non thì trong tương lai, vấn đề thiếu giáo viên sẽ còn nan giải. Hiện nay, nhiều tỉnh/thành không có đủ lực lượng giáo viên để tuyển vào, nhất là các trường công lập. Chúng tôi mong Bộ trưởng gửi kiến nghị này tới Chính phủ và các cơ quan hữu quan để Nhà nước có chính sách ưu đãi với giáo viên mầm non", cô Hồng nói.

Nhân viên nuôi dưỡng/nhà bếp đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi nhà trường, nhất là mầm non nhưng thu nhập lại đang rất thấp.

Ngoài giáo viên mầm non, lực lượng nhân viên nuôi dưỡng cũng cần được quan tâm đúng mức. Công tác tại Trường Mầm non Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội) từ năm 2014 đến nay, nhưng mức lương hàng tháng sau khi trừ BHXH của cô Lan Anh chỉ là 3,5 triệu đồng. Trong khi nhiều người làm công nhân bên ngoài thu nhập mỗi tháng cũng đạt 6 - 7 triệu đồng khiến cô không khỏi chạnh lòng.

Thời gian làm việc của cô từ 7h30 – 12h gồm giao nhận thực phẩm, sơ chế, chế biến, di chuyển thức ăn lên các lớp, hỗ trợ trẻ ăn trưa, rửa bát. Sau giờ nghỉ trưa ngắn ngủi là các cô lại tiếp tục vào bếp để nấu ca chiều cho trẻ ăn sau khi ngủ dậy. Các cô nuôi phải tiếp xúc thường xuyên với khí ga độc hại, hơi nóng nên hay bị bệnh viêm mũi, viêm xoang và chịu nhiều tiếng ồn do máy hút mùi kêu to.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã trao đổi nhiều vấn đề nóng của, trong đó có lương nhà giáo tại buổi gặp gỡ giáo viên, CBQL, nhân viên ngành Giáo dục toàn quốc ngày 15/8.

"Chúng tôi vô cùng hoan nghênh đề xuất lần này của Bộ trưởng. Bên cạnh đó, các giáo viên cũng mong muốn sẽ được thành phố xét thăng hạng thay vì phải thi để các cô yên tâm công tác. Với đội ngũ nhân viên nuôi dưỡng, kính mong lãnh đạo Bộ có những quan tâm, hỗ trợ thêm để cải thiện thu nhập cho các cô. Thực tế cho thấy, lương tháng không đủ trang trải cuộc sống khiến đội ngũ nhà bếp của nhiều trường tại Hà Nội đang bị thiếu nghiêm trọng" - cô Nguyễn Thu Hường chia sẻ.

Tại buổi gặp gỡ các nhà giáo, CBQL, nhân viên ngành Giáo dục trên toàn quốc diễn ra hôm 15/8, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội vụ làm việc, cân nhắc nâng phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non và 5% cho giáo viên tiểu học. Bộ GD&ĐT cũng sẽ gửi kiến nghị tới các cơ quan hữu quan về giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non ở mức 55, thay vì 60 tuổi...

Đình Tuệ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/de-xuat-giao-vien-mam-non-la-nganh-nghe-nang-nhoc-xuat-phat-tu-thuc-te-post650842.html