Đề xuất giải pháp, thúc đẩy 'chuyển đổi xanh' trong ngành du lịch Việt Nam

Sáng 12/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn ' Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững'. Với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch và môi trường, diễn đàn nhằm mục đích đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự chuyển đổi xanh trong ngành du lịch của Việt Nam.

Các phiên thảo luận đã tập trung vào nhận thức về chuyển đổi xanh, giải pháp và mô hình thực tiễn cũng như vai trò của các bên liên quan. Sự kiện này không chỉ là cơ hội để chia sẻ kiến thức mà còn để tạo ra kế hoạch hành động cụ thể, đưa du lịch Việt Nam vào hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Định hướng thế nào?

Tham gia diễn đàn, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện, UNDP Việt Nam nhận định, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, theo báo cáo dự kiến sẽ đóng góp khoảng hơn 6,4% cho Tổng sản phẩm kinh tế quốc nội (GDP) trong năm nay. Du lịch Việt Nam đạt được những thành công này cũng nhờ rất nhiều vào việc sở hữu những vẻ đẹp thiên nhiên và di sản văn hóa đa dạng, giàu bản sắc.

Các phiên thảo luận đã tập trung vào nhận thức về chuyển đổi xanh, giải pháp và mô hình thực tiễn cũng như vai trò của các bên liên quan (ảnh: BTC)

Tuy nhiên, đối mặt với những thách thức hiện nay như tình trạng mất cân bằng đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang hướng phát triển bền vững là một điều tất yếu. Chuyển đổi xanh trong du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và giúp thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học mà còn nâng cao cuộc sống cho các cộng đồng phụ thuộc vào du lịch và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện, UNDP Việt Nam cho rằng, quá trình chuyển đổi xanh trong du lịch ở Việt Nam cần tập trung vào một số vấn đề như: Quy hoạch xanh, quản lý điểm đến hiệu quả, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên.

Ở Việt Nam, vẫn còn có nhiều việc phải làm để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý điểm đến du lịch. Việc quản lý điểm đến là một quá trình cần có sự vào cuộc và dẫn dắt bởi các cấp chính quyền địa phương, có sự phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân và cộng đồng địa phương. Bằng cách thực hiện các biện pháp quản lý điểm đến hiệu quả, có thể đưa ra các quy định quan trọng về hạn chế rác thải nhựa và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến du lịch tại mỗi địa phương một cách toàn diện.

Ông Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện, UNDP Việt Nam nhận định, du lịch đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam (ảnh BTC)

Theo Phó Trưởng đại diện, UNDP Việt Nam, trong cam kết hướng tới một tương lai xanh hơn, cần bắt tay vào hành trình hướng tới một môi trường du lịch không có rác thải nhựa và carbon thấp. Nhiều địa phương tại Việt Nam đã bắt đầu quá trình “xanh hóa” du lịch từ nhiều năm nay. Ví dụ phải kể đến là phố cổ Hội An, Quảng Nam và huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh, những nơi đang tích cực giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, thể hiện cam kết mạnh về quản lý môi trường của địa phương.

Thêm vào đó, giao thông xanh cũng có tiềm năng lớn để thúc đẩy du lịch xanh. Khuyến khích giao thông xanh trong du lịch sẽ cung cấp thêm các phương tiện giao thông linh hoạt và thân thiện với môi trường cho khách du lịch khi đến các điểm đến.

Việt Nam có một diện tích rất lớn các khu bảo tồn trên đất liền và trên biển, là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, là lĩnh vực có sự giao thoa giữa văn hóa bản địa, bảo tồn đa dạng sinh học và tăng trưởng kinh tế nông thôn, miền núi.

Việc triển khai du lịch dựa vào thiên nhiên một cách bền vững sẽ đòi hỏi việc lập kế hoạch tỉ mỉ và cân nhắc kỹ lưỡng. Điều này bao gồm việc đánh giá các tác động tiềm ẩn đối với các hệ sinh thái mong manh trong các khu bảo tồn, đảm bảo rằng mọi hoạt động du lịch đều phù hợp với mục tiêu bảo tồn và tích cực thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định nhằm thúc đẩy cả bảo tồn môi trường và phát triển kinh tế xã hội.

Thông qua dự án “Thúc đẩy bảo tồn động vật hoang dã và du lịch dựa vào thiên nhiên có trách nhiệm vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam”, Hiện tại, UNDP và các đối tác Việt Nam bao gồm Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Bình và UBND tỉnh Ninh Thuận, đang tích cực hợp tác để hiện thực hóa tầm nhìn này.

Ông Patrick Haverman bày tỏ quan điểm rằng, UNDP sẵn sàng hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các bên liên quan khác trong quá trình chuyển biến Việt Nam trở thành một điểm đến du lịch có trách nhiệm và có tính cạnh tranh.

Mô hình du lịch xanh gắn với trách nhiệm cộng đồng

Theo ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, tình trạng xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, nhất là trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động đối với huyện đảo Cô Tô. Những ngày cao điểm mùa du lịch, huyện Cô Tô phải thu gom 20 đến 30 tấn rác thải. Trong đó, riêng lượng rác thải nhựa chiếm khoảng trên 1-2 tấn/ngày.

Các thí sinh Hoa hậu biển đảo Việt Nam tham gia nhặt rác trên bãi biển Cô Tô

Với nhu cầu của thị trường, của du khách, người dân, cộng đồng kinh doanh du lịch ở Cô Tô đã sớm nhận ra rằng, du lịch xanh là nhu cầu của sự phát triển và cũng phù hợp với lợi thế, tiềm năng của tài nguyên du lịch Cô Tô.

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đã ban hành Quyết định số 175-QĐ/HU về việc phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa”. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị, hộ dân, cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện Cô Tô không phát sinh rác thải nhựa.

Du lịch xanh được hiểu là sự cam kết của tất cả các bên liên quan đến du lịch, bao gồm cả nhà nước và tư nhân, thực hiện việc giảm thiểu chi phí và tối ưu hóa lợi ích cho môi trường tự nhiên, cộng đồng địa phương, người lao động và doanh nghiệp du lịch và được thực hiện trong một thời gian dài mà không ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên.

Từ ngày, 1/9/2022, UBND huyện đã triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lên đảo. Sau 1 năm triển khai thí điểm hiệu quả, từ tháng 9/2023 huyện áp dụng thí điểm thực hiện bắt buộc tất cả du khách không mang túi nilon và đồ nhựa dùng một lần ra đảo.

Huyện Cô Tô kêu gọi mỗi người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch trên đảo nâng cao tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa dùng một lần và thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Yêu cầu cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cộng đồng doanh nghiệp gương mẫu đi đầu thực hiện việc sử dụng túi nilon thân thiện môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy, phân loại rác tại nguồn; đi đầu trong tham gia thu gom xử lý rác thải đại dương.

Xây dựng các mô hình “Phố không rác thải nhựa”, “Khu dân cư mẫu về phân loại rác tại nguồn”, lắp hệ thống thùng rác 2 ngăn để phân loại rác tại các điểm công cộng; các hộ dân trang sắm thùng rác để phân loại rác tại nhà. 100% các nhà hàng, khách sạn, tiểu thương trên địa bàn huyện cam kết thực hiện “nói không với túi nilon, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, các hộ kinh doanh, siêu thị, cửa hàng,...nhân dân trên địa bàn chuyển sang dùng túi giấy, túi thân thiện với môi trường. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ tiểu thương bán hàng tại Trung tâm Dịch vụ Thương mại, xử lý nghiêm đối với những tiểu thương không thực hiện đúng cam kết.

Tháng 3/2024, Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô có văn bản yêu cầu tất cả các cơ sở lưu trú du lịch, các công ty du lịch thực hiện không dùng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần trong hoạt động du lịch, đồng thời, tổ chức cho du khách tham gia nhặt rác tại các bãi biển. Không khuyến khích người dân phát triển các dịch vụ du lịch bình dân và các tour du lịch giá rẻ nhằm hạn chế việc tác động xấu đến môi trường và quá tải cho hạ tầng kỹ thuật. …

Đến thời điểm hiện tại đã có 5/5 công ty du lịch trên địa bàn đăng ký và tổ chức các Tour du lịch xanh, các cơ sở lưu trú đã và đang thực hiện không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tạo dựng thương hiệu từ “Du lịch xanh”

Ông Trần Thái Do, Tổng giám đốc Silk Sense Hoi An river resort chia sẻ kinh nghiệm, sau nhiều năm áp dụng triệt để các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa thì đến năm 2023, khách sạn đã giảm thiểu hơn 80,000 chai nhựa dùng một lần và hơn 10 tấn rác thải nhựa ra môi trường.

Cũng theo ông Trần Thái Do, với việc loại bỏ hoặc giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tái sử dụng… đã giúp khách sạn tiết kiệm chi phí trong việc mua sắm và quản lý rác thải, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo trì. Việc tổ chức các buổi đào tạo, chia sẻ về ý nghĩa của việc không dùng nhựa một lần cũng như đưa ra các giải pháp thay thế đã giúp lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến với tập thể người lao động. Nhân viên không còn sử dụng chai/ ly nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, thói quen hạn chế sử dụng nhựa một lần cũng được người lao động áp dụng tại nhà và trong cộng đồng, góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường.

“Khi thực hiện các chính sách về bền vững và không rác thải nhựa, khách sạn cũng đã quan ngại về những bất tiện hoặc gặp phản ứng từ khách hàng, tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khách hàng đến lưu trú tại Silk Sense Hoi An River Resort rất sẵn sàng thực hiện các chính sách về môi trường về chính sách không rác thải nhựa do khách sạn đưa ra với tinh thần hợp tác và vui vẻ. 100% khách hàng hài lòng, có phản hồi tích cực và quan tâm đến các sản phẩm du lịch xanh, các chính sách về bảo vệ môi trường, cụ thể là chính sách thực hiện khách sạn không rác thải nhựa của Khu nghỉ dưỡng”- ông Trần Thái Do nói.

Có thể thấy rằng, việc thực hiện Du lịch xanh và áp dụng “khách sạn không rác thải nhựa” không chỉ là đòn bẩy cho phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, mà còn là chìa khóa mở ra cơ hội định vị thương hiệu.

Thực hiện du lịch xanh tạo ra cơ hội tăng cường trải nghiệm và giá trị cho du khách nhất là sau Covid, du lịch bền vững, quan tâm đến môi trường và sức khỏe đang là xu hướng quan trọng.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam:

Phát triển kinh tế xanh trên cơ sở phát triển sản phẩm du lịch xanh

Để thúc đẩy phát triển Du lịch xanh, từng bước đưa Du lịch xanh vào cuộc sống, tại Hội chợ VITM Hà Nội 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chọn chủ đề “Du lịch xanh” , hướng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo 4 nội dung: Phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; Xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp,...): Phát triển Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn; Vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch…

Ngoài ra, từ năm 2018, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước hưởng ứng nhiều doanh nghiệp, địa phương đã đạt được thành tích cao trong giảm thiểu rác thải nhựa.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch chủ động vận động các doanh nghiệp du lịch cả nước, thực hiện chuyển đổi xanh để chung tay bảo vệ mội trường, đảm bảo phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế xanh trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch xanh, dịch vụ xanh và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống các doanh nghiệp du lịch Việt Nam theo hướng chuyển đổi xanh để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả. Hành động cụ thể của Hiệp hội Du lịch Việt Nam là tổ chức Hội chợ VITM Hà Nội 2024 với chủ đề là “Du lịch Việt Nam – Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/de-xuat-giai-phap-thuc-day-chuyen-doi-xanh-trong-nganh-du-lich-viet-nam-post573172.antd