ĐỀ XUẤT BỔ SUNG TRÁCH NHIỆM CỦA CHA MẸ, NGƯỜI GIÁM HỘ TRONG VIỆC SỬ DỤNG, QUẢN LÝ THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN CHO NGƯỜI DƯỚI 14 TUỔI

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước cho đầy đủ, đảm bảo căn cước được sử dụng đúng mục đích, an toàn.

Dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là một trong những dự án Luật quan trọng, có tác động lớn đến xã hội được Quốc hội chọn xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 này.

Một trong những điểm mới được đưa vào dự án Luật là việc bổ sung định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của các đại biểu biểu Quốc hội (ĐBQH) tại kỳ họp này. Theo đó, nhiều ĐBQH đồng thuận với quy định mới này vì phù hợp với xu thế chuyển đổi số, giảm các loại giấy tờ và thuận tiện cho người dân trong các nhu cầu dân sinh. Tuy nhiên, để quy định này thực sự hiệu quả, các ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước cho đầy đủ, đảm bảo căn cước được sử dụng đúng mục đích, an toàn.

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, việc bổ sung quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi vào dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là hợp lý và đảm bảo tính khả thi. Bởi việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong những tình huống phải thường xuyên sử dụng giấy khai sinh của người dưới 14 tuổi vào các nhu cầu đi lại, học tập, khám, chữa bệnh và các giao dịch khác. Tuy thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi không thay thế việc cấp giấy khai sinh nhưng được sử dụng thay thế giấy khai sinh một cách tiện lợi hơn và do căn cước cho người dưới 14 tuổi được cấp theo nhu cầu, nghĩa là người dân thấy thật sự cần thiết thì đề nghị cấp nên cũng không gây phiền hà, rắc rối cho người dân.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện cấp hộ chiếu thị thực cho trẻ em, trẻ em mới sinh có ảnh chụp khuôn mặt và nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cũng đã quy định về cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Để việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thuận tiện, đảm bảo an toàn, đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm: Tại khoản 1 Điều 24 dự thảo luật quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước là "người dưới 14 tuổi hoặc cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 14 tuổi có quyền đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước". Như vậy, trong các quy định này, bên cạnh người bị mất năng lực hành vi dân sự còn đề cập đến những người chưa thành niên, người có khó khăn trong nhận thức, trong làm chủ hành vi. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần bổ sung các đối tượng trên vào khoản 4 Điều 5 của dự thảo luật để đảm bảo đầy đủ và thống nhất.

Còn tại khoản 2 Điều 20 dự thảo luật quy định người được cấp thẻ căn cước quy định: "Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước, người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu, người cấp thẻ căn cước cùng người trên 14 tuổi là bắt buộc, người dưới 14 tuổi thực hiện cấp thẻ căn cước theo nhu cầu". Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 dự thảo luật quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước quy định "trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân thông qua thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công".

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, theo quy định của Luật Hộ tịch thì trẻ sơ sinh, trẻ sinh ra trong thời hạn 60 ngày phải đăng ký khai sinh, trường hợp qua 60 ngày mới thực hiện đăng ký khai sinh thì xác định đăng ký khai sinh là quá hạn. Việc đăng ký khai sinh được thể hiện thông qua giấy khai sinh và giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh và nội dung giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản của cá nhân, trong đó có số định danh cá nhân được lấy trong kho dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, giấy khai sinh cũng là cơ sở, là thành phần hồ sơ quan trọng khi trẻ em làm thủ tục nhập học tại các trường học. Nếu quy định như vậy sẽ dẫn đến không thống nhất, đồng bộ và có thể được hiểu là cha, mẹ khi sinh con ra không nhất thiết phải làm giấy khai sinh cho con ngay mà đến khi đi làm căn cước thì mới liên thông làm thủ tục đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công.

Do đó, để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu với Luật Hộ tịch hiện hành. Ngoài ra, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước cho đầy đủ, đảm bảo căn cước được sử dụng đúng mục đích, an toàn.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Đồng thuận với quan điểm trong việc đảm bảo cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên khẳng định, đây là một quy định rất mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là nhóm trẻ em dưới 14 tuổi nhằm phát huy giá trị của việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân tiện ích cho nhiều dịch vụ như khám, chữa bệnh, giao dịch...

Về cơ bản, đại biểu Quàng Thị Nguyệt đồng tình với quy định trên. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ hơn về tác động tiêu cực, tích cực so sánh giữa chi phí và lợi ích đem lại của các giải pháp nêu ra trong báo cáo đánh giá tác động, làm cơ sở cho các vị đại biểu Quốc hội xem xét quyết định. Ngoài ra, đại biểu đề nghị trong dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cần quy định trách nhiệm của người giám hộ, cha mẹ đối với người dưới 14 tuổi trong việc sử dụng, quản lý thẻ căn cước, tránh việc lộ, lọt thông tin cá nhân hoặc sử dụng thẻ căn cước vào mục đích xấu.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Kết luận về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, đa số đại biểu có ý kiến nhất trí với quy định về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của công dân và phục vụ công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng có ý kiến đề nghị làm rõ hơn sự cần thiết của quy định này và chỉnh lý cho rõ ràng hơn.

Những ý kiến của các ĐBQH sẽ được Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội có tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) cho phù hợp, đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2023./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=77353