Để vốn vay chính sách đến đúng đối tượng

Tân Sơn là huyện miền núi phần đông là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ người nghèo còn ở mức cao… Vì vậy vốn chính sách là một trong những điểm tựa để người dân nơi đây thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn.

Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn giải ngân và thu nợ định kỳ tại xã Thạch Kiệt

Thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, những năm qua Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Tân Sơn đã triển khai 17 chương trình tín dụng; tổng dư nợ đến hết năm 2022 đạt gần 522 tỉ đồng cho 38 nghìn lượt hộ vay là các đối tượng: Hộ nghèo, học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà ở… Năm 2022, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã bám sát sự chỉ đạo của Chi nhánh NHCSXH tỉnh, chính quyền địa phương, Ban đại diện hội đồng quản trị triển khai kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, đặc biệt triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ lãi suất cho vay theo Nghị định số 36 của Chính phủ.

Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 3.310 lượt khách hàng, với số tiền cho vay lên đến gần 141 tỷ đồng, trong đó gần 1.330 lượt khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 643 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 235 lao động (trong đó 79 lao động đi làm việc tại nước ngoài); 819 khách hàng được vay để phát triển sản xuất, kinh doanh tại xã vùng khó khăn; hỗ trợ trên 250 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; giúp 18 cán bộ công chức, viên chức có thu nhập thấp, sĩ quan, quân nhân trong đơn vị công an, quân đội vay vốn làm nhà ở... Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong cuộc giảm nghèo, tạo việc làm làm, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Một số xã có doanh số cho vay cao như: Mỹ Thuận, Thu Cúc, Kim Thượng, Thu Ngạc...

Cán bộ NHCSXH huyện kiểm tra vốn sau giải ngân tại hộ chị Đinh Thị Kim Dung khu Xuân 2 xã Kim Thượng

Để vốn vay chính sách đến đúng đối tượng, hàng năm công tác kiểm tra, giám sát đã được các thành viên là trưởng các đơn vị cấp huyện thực hiện kiểm tra, giám sát. Trong năm 2022 đã kiểm tra, giám sát tại 73 khu, 83 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, 468 hộ vay. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng tại một số thời điểm không ổn định, nợ quá hạn có chiều hướng tăng cao, đến hết năm 2022 tổng nợ quá hạn trên một tỷ đồng, tăng gần 410 triệu đồng; nợ khoanh 97 triệu đồng, số món vay tồn lãi trên ba tháng không giao dịch là 381 món. Riêng chương trình cho vay xuất khẩu lao động nợ quá hạn tăng gần 482 triệu đồng, số món vay trên ba tháng không giao dịch phát sinh tăng cao, nguyên nhân chủ yếu do nhiều hộ vay bỏ đi làm ăn xa dẫn đến khó khăn trong việc đôn đốc thu hồi nợ, một số hộ sản xuất kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ, một số hộ vay đi xuất khẩu lao động không hiệu quả dẫn đến khó khăn, chưa có khả năng trả nợ. Phòng giao dịch phối hợp với chính quyền các xã, các tổ chức chính trị xã hội, tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên rà soát, trình xử lý nợ rủi ro theo quy định. Phòng đã quyết định xử lý nợ rủi ro 11 món vay (tám khách hàng) với tổng số tiền là 193 triệu đồng, trong đó: Xóa nợ cho ba khách hàng, với tổng số tiền 64 triệu đồng (gốc 58 triệu đồng, lãi 6 triệu đồng); khoanh nợ cho năm khách hàng, với tổng số tiền là 129 triệu đồng (gốc 98 triệu đồng, lãi 31 triệu đồng).

Đồng chí Tăng Tiến Sỹ- Giám đốc phòng giao dịch NHCSXH Tân Sơn cho biết: “Đơn vị tích cực chỉ đạo đôn đốc thu lãi tồn, bám sát kế hoạch chi được giao, thực hiện tiết kiệm tối đa các khoản chi phí không cần thiết, công tác hạch toán thu, chi tuân thủ theo đúng quy định; công tác an toàn kho quỹ được đảm bảo, trong năm không để xảy ra mất mát hay thiếu hụt kho quỹ”.

Hộ anh Hà Văn Thản (khu Nhảy xã Kim Thượng) vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế, anh đã đầu tư nuôi vịt suối cho hiệu quả kinh tế

Năm 2023, Phòng giao dịch NHCSXH huyện cùng với các thành viên là trưởng các đơn vị cấp huyện tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, giám sát việc thực hiện tín dụng chính sách và lồng ghép việc thực hiện chính sách tín dụng với các chương trình mục tiêu quốc gia và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong đó thành viên là chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc triển khai và quản lý hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc triển khai tín dụng chính sách xã hội công khai, dân chủ, đúng quy định. Các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác quản lý có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên từng địa bàn xã; có giải pháp phù hợp để đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn nhiều tháng không giao dịch. Giám sát hoạt động ủy thác tại địa phương, sát sao chỉ đạo trưởng khu tham gia giám sát ngay từ khi bình xét cho vay tại các tổ tiết kiệm vay vốn. Thực hiện tốt công tác điều tra, xác định đúng đối tượng thụ hưởng, hướng dẫn người nghèo trong tổ chức sản xuất, kinh doanh, chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề... gắn với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/de-von-vay-chinh-sach-den-dung-doi-tuong/191429.htm