Để TP. Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh

Thời gian qua, UBND TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính, từng bước xây dựng Chính quyền điện tử và thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp.TP. Mỹ Tho đã và đang chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng đến xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh…BƯỚC CHUYỂN CỦA ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Toàn cảnh hoạt động giám sát thông tin tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Mỹ Tho.

Toàn cảnh hoạt động giám sát thông tin tại Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) TP. Mỹ Tho.

TP. Mỹ Tho là đơn vị hành chính trung tâm của tỉnh nên được các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới hạ tầng, triển khai dịch vụ. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai và đưa vào khai thác sử dụng 25 điểm phát sóng wifi tại các điểm du lịch, điểm dừng chân, trường học… phục vụ truy cập Internet miễn phí, với thời gian truy cập tối đa 20 phút mỗi lần.

Song song đó, TP. Mỹ Tho còn xây dựng phần mềm quản lý các thiết bị phát sóng và định vị thông tin quảng bá du lịch cùng các chính sách có liên quan; phối hợp thực hiện tích hợp thông tin lên ứng dụng TienGiangS quảng bá các địa điểm tham quan du lịch, các khu vui chơi giải trí, các dịch vụ liên quan đến du lịch…, các tiện ích hỗ trợ khách du lịch: Hướng dẫn đường đi, xem địa điểm trên bản đồ, các gói tour du lịch, địa chỉ lưu trú, ẩm thực…

TP. Mỹ Tho đã triển khai lắp đặt camera và màn hình hiển thị máy tính giám sát tại cơ quan giám sát để điều phối các tuyến đường chính, các điểm giao thông, khu vực công cộng có tình hình an ninh phức tạp. Đến nay, thành phố đã triển khai và đưa vào khai thác sử dụng 189 camera trên địa bàn. Trong đó, có 48 camera thông minh có thể nhận diện biển số xe vi phạm, nhận diện hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông như vượt đèn đỏ và một số chức năng phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Ngay từ đầu tháng 5-2022, thành phố phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Tiền Giang thực hiện việc tiếp nhận, khai thác hình ảnh từ Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC) Tiền Giang phục vụ công tác giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố. Đồng thời, xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm có chức năng “Theo dõi và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông” và “Theo dõi và xử lý vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, hoạt động quảng cáo”.

Phó Chủ tịch UBND TP. Mỹ Tho Lê Thị Bé Phượng cho biết, các hình ảnh vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường được trích xuất từ hệ thống camera sẽ được IOC Tiền Giang chuyển đến Bộ phận tiếp nhận của Văn phòng HĐND và UBND thành phố. Sau khi phân loại hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực phụ trách của đơn vị nào, bộ phận trên sẽ tiến hành chuyển tiếp cho đơn vị đó để xác minh thông tin đối tượng vi phạm, hành vi vi phạm và thực hiện quy trình xử lý vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt, thời gian giải quyết 1 trường hợp là trong 5 ngày làm việc. Các hình ảnh vi phạm trật tự, an toàn giao thông, IOC Tiền Giang chuyển cho Công an thành phố qua phần mềm “Theo dõi và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông” xử lý và báo cáo kết quả hằng tuần về UBND thành phố.

Từ ngày 1-5-2022 đến ngày 10-9-2023, phần mềm “Theo dõi và xử lý vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, hoạt động quảng cáo” đã tiếp nhận được 60 trường hợp vi phạm; trong đó, có 56 trường hợp vi phạm thuộc lĩnh vực của Phòng Tài nguyên và Môi trường (vứt rác bừa bãi, giao rác không đúng giờ), có 4 trường hợp của Phòng Quản lý đô thị (mé tỉa cây xanh, buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, đổ bê tông lên vỉa hè, vứt rác bừa bãi).

Cơ quan chức năng đã xử lý xong 11 trường hợp. Đối với phần mềm “Theo dõi và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông”, từ ngày 15-5-2022 đến ngày 6-9-2023 đã phát hiện 7.887 lỗi vi phạm trật tự, an toàn giao thông (không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông - vượt đèn đỏ). Cơ quan chức năng đã gửi văn bản thông báo cho người vi phạm là 7.342 trường hợp; xử lý lập biên bản phạt 957 trường hợp, đã nộp phạt 888 trường hợp, tổng tiền nộp phạt đến nay trên 2,1 tỷ đồng.

Thành phố triển khai lắp đặt và đưa vào vận hành 2 trạm quan trắc trên sông Tiền (năm 2021), bằng các thiết bị cảm biến, các trạm quan trắc môi trường phân tích đánh giá các chỉ số độ mặn, độ pH… Các chỉ số được tự động cập nhật 5 -10 phút/lần và tự động chuyển về ứng dụng TienGiangS để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước trong công tác điều hành quản lý, còn người dân và doanh nghiệp được biết để có kế hoạch ứng phó trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày…

THÁCH THỨC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Mỹ Tho tra cứu thông tin thẻ Bảo hiểm y tế bằng Căn cước công dân gắn chíp.

Cùng với những thuận lợi mà TP. Mỹ Tho đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, Đề án Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh là thách thức mới, chưa có nhiều địa phương triển khai nên các cơ quan chuyên môn của thành phố nắm chưa chắc các bước trong quá trình thực hiện; vì vậy vừa làm, vừa xin ý kiến hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông và tham vấn ý kiến của đơn vị tư vấn nên mất nhiều thời gian.

Cơ sở dữ liệu hiện nay chưa liên thông, liên vùng, chưa có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành, các cấp một cách thông suốt. Hạ tầng dữ liệu của thành phố chủ yếu phụ thuộc bộ, ngành Trung ương và sở, ngành tỉnh; cơ sở dữ liệu theo từng ngành còn rời rạc thiếu cơ chế chia sẻ, cập nhật không kịp thời.

Cụ thể như, đối với dữ liệu đô thị thì hệ thống cần sử dụng dữ liệu thửa đất địa chính được quản lý bởi Sở Tài nguyên và Môi trường (được cập nhật định kỳ theo tháng, quý, năm) cho các công tác như tra cứu thông tin quy hoạch xây dựng, cấp phép số nhà, cấp phép xây dựng… Hiện tại, hệ thống đang sử dụng dữ liệu thửa đất địa chính được cập nhật đến năm 2018, do đó không đảm bảo tính chính xác cho công tác quản lý.

Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin của thành phố còn mỏng. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức từ thành phố đến phường, xã không ngừng được nâng cao, thể hiện qua mặt bằng chung về trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, kỹ năng, kiến thức về công nghệ thông tin đa số còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ yêu cầu chuyển đổi số.

Tỷ lệ người dân sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để thực hiện các giao dịch điện tử và nộp hồ sơ trực tuyến trên địa bàn thành phố còn hạn chế, vì vậy hiện nay cán bộ, công chức từ thành phố đến phường, xã từng bước tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân thực hiện, do đó cần thời gian để người dân quen với việc thực hiện hồ sơ trực tuyến.

Đồng chí Lê Thị Bé Phượng cho biết, để thực hiện mục tiêu, lộ trình đã đề ra, UBND TP. Mỹ Tho đã xác định thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, cũng như những giải pháp có trọng tâm tập trung trong quá trình thực hiện.

Trước hết, thành phố tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về sự cần thiết của chuyển đổi số; hướng dẫn người dân trang bị kỹ năng của công dân số - đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn để người dân tin tưởng vào hiệu quả thiết thực của chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, thành phố đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin một cách đồng bộ; phối hợp sở, ngành tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chia sẻ thông tin phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành.

Đồng thời, huy động các lực lượng tham gia chuyển đổi số, đặc biệt là phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng và lực lượng đoàn viên, thanh niên; triển khai các giải pháp đồng bộ xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh.

HÀ NAM - LÊ MINH

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-quyen-dien-tu/202309/de-tp-my-tho-tro-thanh-do-thi-thong-minh-990446/